08:14 01/08/2019

Chuyên gia kinh tế đề xuất giải pháp tránh phụ thuộc nhiều vào vốn ngoại

Trong bối cảnh bấp bênh của kinh tế toàn cầu năm 2019, các chuyên gia kinh tế cho rằng khó đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Bởi 6 tháng đầu năm năm 2019, mức tăng trưởng kinh tế mới đạt ở mức 6,76%.

PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, cho biết tuy mức tăng trưởng này thấp hơn mức tăng 7,08% của 6 tháng đầu năm 2018, nhưng cao hơn cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2017. Tuy vậy, nền kinh tế vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, trong đó sự bất ổn của kinh tế thế giới là nhân tố ảnh hưởng có tính bao trùm. Trong đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chuyển biến khó dự đoán đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế toàn cầu. Thêm vào đó, Fed sẽ cắt giảm lãi suất về 0% vào mùa Xuân năm 2020. Phản ứng với động thái của Fed, tính đến hết tháng 6, đã có 23 NHTW giảm lãi suất (Australia, New Zealand, Ấn Độ, Malaysia, Phillipines, Nga…), trong khi chỉ có 7 NHTW tăng lãi suất.

Chú thích ảnh
Hoạt động xuất khẩu Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ đến tác động nền kinh tế toàn cầu.

Chính vì vậy, hoạt động xuất khẩu Việt Nam hiện đang hứng chịu cú sốc này, khiến tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm chỉ còn 7,3%, thấp hơn rất nhiều so với con số 17,8% đạt được trong 6 tháng năm 2018. Đáng chú ý, tăng trưởng chậm lại xuất hiện đồng thời cả 3 khu vực, trong đó khu vực nông – lâm – thuỷ sản giảm mạnh nhất với mức giảm là 1,54%; khu vực dịch vụ giảm 0,21%; khu vực công nghiệp – xây dựng chỉ giảm nhẹ ở mức 0,14%.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Trung, hệ quả là thâm hụt thương mại đã quay trở lại ở mức 37 triệu USD, trong khi năm trước đó thặng dư cao ở mức 4,12 tỷ USD. Quan trọng hơn, cú sốc này đã phần nào bộc lộ rõ điểm yếu lớn của nền kinh tế: phụ thuộc quá nhiều vào khu vực kinh tế nước ngoài ở những mắt xích quan trọng. Tuy nhiên, nhờ dòng vốn FDI vào tăng trưởng ổn định, tiếp tục góp phần chính cho thặng dư của cán cân thương mại và cán cân tổng thể, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối (DTNH).

Với những tác động trên, nhóm nghiên cứu ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh dự báo tăng trưởng kinh tế quý 3/2019 sẽ đạt 6,7% và quý 4/2019 đạt 6,9%. Trên cơ sở kiên định mục tiêu chính sách tiền tệ từ đầu năm 2019, lạm phát cơ bản dự kiến sẽ tiếp tục ổn định trong khoảng 1,8-2%, lạm phát tổng thể trong khoảng 3,5-4%. Kết quả dự báo này khá tương đồng với dự báo của các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF (4%) hay NH Phát triển châu Á - ADB (3,5%). Như vậy, việc đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% là khả thi.

Tuy nhiên, TS. Phạm Phú Quốc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, cho rằng, trước nhiều rủi ro gia tăng lạm phát trong 6 tháng cuối năm, chính sách tiền tệ của NHNN vẫn cần thận trọng trong thời gian tới. Bởi tốc độ tăng GDP gần như không thay đổi, cho thấy vòng quay tiền tệ năm 2019 cũng sẽ không có nhiều biến động so với năm trước. Như vậy, nếu không có sự thay đổi đáng kể về quan điểm điều hành chính sách tiền tệ, tổng phương tiện thanh toán (M2) có thể cũng chỉ sẽ tăng ở mức 12-13%, xấp xỉ mức tăng năm 2018. Theo đó, dự báo tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế năm 2019 ước đạt mức 12-13%, thấp hơn so với ước tính từ 15-16% của năm 2018.

Dù vậy, TS. Phạm Phú Quốc đánh giá cao điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian vừa qua và cho thấy sự lạc quan, tin tưởng về viễn cảnh kinh tế Việt Nam trong tương lai trước những diễn biến khó lường của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Chú thích ảnh
Chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương cho rằng cần tạo thuận lợi cho DNNVV phát triển để thúc đẩy nền kinh tế. 

Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa tài chính Trường ĐH Ngân hàng, cho rằng các quốc gia phải tập trung vào chuyển đổi nền kinh tế chứ không nên tập trung vào lội ngược dòng. Do đó, để phát triển kinh tế, Việt Nam phải tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đây là loại hình doanh nghiệp chiếm số đông trên thị trường. Cụ thể, phải nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp này để hạn chế sự phụ thuộc của nền kinh tế vào các doanh nghiệp FDI.

Theo TS. Lê Thẩm Dương để tạo thuận lợi cho sự phát triển của DNNVV, Chính phủ cần cải cách thể chế, hiện đại hóa thủ tục hành chính, và ổn định chính sách cũng như kinh tế vĩ mô.

Bình luận thêm về động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, TS.Trần Anh Tuấn, Phó Gíam đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, cho biết các doanh nghiệp FDI đang ngày càng thể hiện vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, sự kết nối của các doanh nghiệp FDI với nền kinh tế Việt Nam khá yếu. Do đó, cần phải đẩy mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các DNNVV. Để làm được điều này, Chính phủ cần có những giải pháp giải phóng nguồn lực cho khu vực tư nhân phát triển, từ đó thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.

Với quan điểm lạc quan hơn về bất ổn kinh tế thế giới cũng như tăng trưởng kinh tế Việt Nam, TS. Trương Văn Phước - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng các quốc gia đã có nhiều bài học kinh nghiệm trong ứng phó với khủng hoảng kinh tế. Do đó, một cuộc khủng hoảng kinh tế xuất phát từ những bất ổn trong thời gian vừa qua sẽ khó có thể xảy ra.

TS. Trương Văn Phước tin rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 ở mức 6,8% - 7,08%. Nếu Việt Nam duy trì được mức lạm phát 3,2%-3,5% thì các dòng vốn vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam trong những năm tiếp theo. 

Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức