03:22 21/03/2022

Chuyên gia Israel: Vaccine vẫn là công cụ hiệu quả nhất trong phòng, chống dịch COVID-19

Mới đây, Trung tâm Y tế Sheba đã công bố kết quả thử nghiệm về tính hiệu quả của mũi vaccine thứ 4 trong phòng chống dịch COVID-19. Phóng viên TTXVN tại Israel đã phỏng vấn Giáo sư Eyal Leshem - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Trung tâm Y tế Sheba (Israel) về kết quả thử nghiệm và một số vấn đề liên quan.

Chú thích ảnh
Giáo sư Eyal Leshem - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Trung tâm Y tế Sheba (Israel) trả lời phỏng vấn của PV TTXVN.

Xin giáo sư cho biết đôi điều về kết quả thử nghiệm?

Trong cuộc thử nghiệm này, Trung tâm Y tế Sheba đã lựa chọn 1.000 nhân viên y tế, những người đã được tiêm 3 mũi vaccine, trong đó 100 người được tiêm mũi thứ 4 bằng vaccine Pfizer, 100 người khác được tiêm bằng vaccine Moderna và 400 người khác không tiêm mũi thứ 4 để đối chứng.

Đầu tiên khi xem xét các số liệu về kháng thể, chúng tôi thấy liều thứ 4 đã giúp gia tăng mức độ kháng thể. Tiếp đến, chúng tôi xem xét số liệu về lây nhiễm. Trong nhóm những người được tiêm mũi thứ 4 đã có sự giảm nhẹ về số ca lây nhiễm, chứng tỏ dường như mũi 4 tạo ra đôi chút hiệu quả. Về con số thì không lớn, số ca lây nhiễm giảm khoảng 20-30%. Tuy nhiên, do số lượng người tham gia thử nghiệm là quá ít nên chúng tôi chưa chắc chắn về tính hiệu quả của liều thứ 4 trong ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Vậy giáo sư đánh giá như thế nào về hiệu quả của việc tiêm vaccine nói chung?

Tôi cho rằng một trong những vấn đề quan trọng nhất cần phải xác định, đó là các loại vaccine chúng ta đang có như Pfizer, Moderna, Astra Zeneka, Sinovac hay Sinopharm đều đã được kiểm nghiệm về tính an toàn và được tiêm cho hàng triệu người. Đặc biệt, các loại vaccine này an toàn và rất quan trọng đối với những người có tuổi và có bệnh nền, như bệnh về phổi, tim mạch, tiểu đường… Họ là những người có nguy cơ cao bị biến chứng nặng khi mắc COVID-19 và vaccine là công cụ bảo vệ hiệu quả nhất. Vaccine không gây nguy hiểm với người già, trái lại chúng giúp bảo vệ họ khỏi bệnh nặng. Vì thế, tại Israel, chúng tôi khuyến nghị tiêm vaccine cho những người trên 60 tuổi, những người có bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, phổi nên được tiêm vaccine. Đến nay hơn 90% dân số trên 60 tuổi đã được tiêm vaccine và đó là lý do tại sao tình hình dịch bệnh tại Israel tiến triển rất tốt.

Đối với lứa tuổi nhỏ hơn, vaccine vẫn tỏ ra có hiệu quả, trong khi nguy cơ lại thấp. Nếu nguy cơ biến chứng thấp đồng thời giảm được lây nhiễm, thì tại sao lại không tiêm? Tuy nhiên, đối với những nước có dân số đông thì đây không phải là ưu tiên hàng đầu. Những nước có nhiều chục triệu người trở lên nên ưu tiên tiêm chủng cho những nhóm có nguy cơ cao, sau đó mới tới những nhóm trẻ hơn và thậm chí là lứa tuổi từ 5-11.

Chú thích ảnh
Người đầu tiên được tiêm thử nghiệm vaccine mũi 4 Pfizer tại Trung tâm Y tế Sheba ngày 27/12/2021.

Ngoài vaccine còn biện pháp nào khác, thưa giáo sư?

Cho đến nay, biện pháp hiệu quả nhất vẫn là tiêm vaccine. Tuy vaccine không hoàn toàn giúp bạn chống lại nguy cơ lây nhiễm bệnh, nhưng hầu hết những người đã được tiêm sẽ tránh được nguy cơ phải nhập viện. Họ sẽ chỉ mắc những triệu chứng nhẹ, có thể là viêm họng, ho và sẽ nhanh khỏi bệnh. Trong khi đó, với những người chưa được tiêm phòng thì nguy cơ bị viêm phổi, phải nhập viện hoặc tử vong cao hơn rất, rất nhiều. Vì thế vaccine vẫn được coi là công cụ hiệu quả nhất trong chống dịch bệnh COVID-19. Hiện chúng tôi đang có thêm một số công cụ mới, ví dụ như một số loại thuốc điều trị có hiệu quả đối với bệnh nhân nặng, như thuốc Paxlovid của hãng Pfizer, Molnupiravir… Tất nhiên cũng nên áp dụng các quy định giãn cách xã hội. Những người bị bệnh không nên đến chỗ đông người, nên đi xét nghiệm kháng nguyên hoặc xét nghiệm PCR và cần đeo khẩu trang khi ở trong các không gian kín.

Là quốc gia luôn đi đầu thế giới về tiêm vaccine, tình hình dịch COVID-19 tại Israel hiện nay ra sao, thưa giáo sư?

Làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra rất khác. Khoảng 2,5 triệu trong tổng số gần 10 triệu dân ở Israel đã bị nhiễm, hay nói cách khác là trên 1/4 dân số Israel trở thành F0. Nhiều người trong số họ bị nhiễm lần thứ hai, và hầu hết trong đó đều đã được tiêm phòng. Số lượng bị lây nhiễm là rất lớn, nhưng số người phải nhập viện lại thấp, thấp hơn nhiều so với các làn sóng COVID-19 do biến thể Alpha và Delta gây ra, khi tỷ lệ người dân được tiêm chủng thấp hơn và virus có độc tính mạnh hơn nhiều. Chúng tôi cũng ghi nhận một số biến thể mới, chưa biết chúng sẽ hoạt động thế nào. Nhưng từ kinh nghiệm mà xét có thể chúng dễ lây lan nhưng mức độ gây bệnh sẽ không nghiêm trọng, nhất là với những người đã được tiêm vaccine hoặc đã bị nhiễm COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm tại thành phố Tel Aviv, Israel.

Có thể nói dịch COVID-19 sắp kết thúc?

Chúng ta đều biết những người đã được tiêm phòng hoặc hồi phục sau F0 sẽ được bảo vệ và ít bị biến chứng nặng. COVID-19 chưa chấm dứt, nhưng COVID-19 đã thay đổi. Từ chỗ là căn bệnh gây tử vong cao, nó trở thành căn bệnh nhiễm đi nhiễm lại, có thể 2-3 lần, nhưng chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ như viêm họng, ho hắng giống như bệnh cúm. Chúng không còn là dịch COVID-19 nguy hiểm nữa.

Trân trọng cảm ơn giáo sư.

Bài và ảnh: Vũ Hội (TTXVN)