03:16 16/03/2023

Chuyên gia giải thích lý do NATO thận trọng trong vụ UAV MQ-9 của Mỹ rơi ở Biển Đen

Trong khi căng thẳng giữa Moskva và Washington về vụ máy bay không người lái của Mỹ rơi ở Biển Đen vẫn tiếp diễn, NATO đang có lập trường thận trọng đối với các sự cố liên quan đến Nga.

Chú thích ảnh
Một chiếc UAV MQ-9 của Mỹ tại căn cứ không quân Amari, Estonia, ngày 1/7/2020. Ảnh: REUTERS

Sau khi một máy bay không người lái (UAV) MQ-9 của Mỹ gặp sự cố ở Biển Đen, các máy bay chiến đấu của Anh và Đức đang kiểm soát không phận Estonia trong khuôn khổ một nhiệm vụ của NATO cũng đã chặn một máy bay Nga khi nó tiếp cận vùng trời quốc gia vùng Baltic này.

Theo báo Deutsche Welle (Đức) ngày 15/3, mặc dù không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa các sự cố liên quan đến các máy bay phản lực Nga trong tuần này, nhưng chúng đã làm gia tăng căng thẳng kéo dài hàng năm giữa phương Tây và Điện Kremlin về cuộc xung đột ở Ukraine.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, người đã tham gia cuộc họp trực tuyến với Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Chủ tịch Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley chủ trì, vẫn chưa bình luận về các sự cố máy bay Nga.

Bruno Lete, một thành viên cao cấp về an ninh và quốc phòng tại Quỹ Marshall của Mỹ tại Brussels, nhận định rằng NATO sẽ vẫn thận trọng.

"Khi xảy ra sự cố với máy bay không người lái của Mỹ, đây sẽ vẫn là cuộc đối thoại giữa Mỹ và Nga, và NATO sẽ không can dự vào, vì đây là vụ việc giữa máy bay không người lái của Mỹ và máy bay phản lực của Nga", chuyên gia Lete nói.

Theo vị chuyên gia trên, đây là vụ việc diễn ra trong "vùng xám" đối với NATO và "nó sẽ không kích hoạt Điều 5 - một hiệp ước phòng thủ tập thể của NATO, trong đó một cuộc tấn công chống lại một đồng minh được coi là một cuộc tấn công nhằm vào tất cả các thành viên NATO".

"Vụ việc gần không phận Estonia là vi phạm chủ quyền không phận của các quốc gia thành viên NATO, vì liên minh chịu trách nhiệm kiểm soát không phận khu vực này. Nhưng NATO sẽ vẫn thận trọng và theo đuổi chiến lược tránh xung đột trực tiếp hoặc chiến tranh với Nga", ông Lete lưu ý.

Trong vài năm qua, các máy bay phản lực của Nga thường xuyên bị máy bay phản lực của NATO chặn lại, khiến liên minh này phải tăng cường kiểm soát trên không dọc biên giới với Nga.

"Nga liên tục thử thách NATO và khả năng của tổ chức này ở sườn phía Đông ở châu Âu và ở vùng cao phía Bắc của Bắc Cực vì Nga rất muốn tìm hiểu năng lực quân sự của NATO. Đây là lý do dẫn đến rất nhiều vụ xâm nhập của máy bay Nga", chuyên gia Lete giải thích.

Phát biểu tại cuộc họp báo kỷ niệm Ngày Độc lập của Estonia vào ngày 24/2 năm nay, người đứng đầu NATO Stoltenberg cũng bày tỏ quan điểm tương tự và nhắc lại rằng kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea, NATO đã tăng cường đáng kể sự hiện diện của mình từ Biển Đen đến Biển Baltic.

Nhưng theo chuyên gia Lete, trong khi sự cố UAV giữa Mỹ - Nga mới đây dù chỉ là vấn đề giữa hai nước, nó sẽ thúc đẩy NATO tăng cường hiện diện ở Biển Đen hơn nữa. 

"NATO nhận thức rất rõ rằng sự hiện diện của tổ chức này ở Biển Đen - nằm giữa châu Âu và châu Á, giáp với Nga và Ukraine, cùng với các quốc gia khác - là kém hơn so với sự hiện diện của tổ chức này ở khu vực Baltic. Trong khi liên minh này đang cố gắng củng cố sự hiện diện của mình, chiến lược Biển Đen của NATO vẫn cần tăng cường hơn nữa. NATO không muốn Biển Đen trở thành 'ao nhà' của Nga", ông Lete.

Vào tháng 11 năm ngoái, Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana cũng bày tỏ quan điểm tương tự, nhấn mạnh rằng trong hơn hai thập kỷ, khu vực Biển Đen là bệ phóng cho các hành động quyết đoán của Nga.

“Đây là lý do tại sao chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng chiến lược của khu vực Biển Đen trong Khái niệm chiến lược mới của NATO mà các nhà lãnh đạo của chúng tôi đã tán thành ở hội nghị thượng đỉnh tại Madrid vào tháng 6 năm ngoái”, ông Geoana nói trước cuộc họp của các ngoại trưởng NATO ở Romania năm 2022.

Kể từ khi các quốc gia vùng Baltic, Estonia, Latvia và Litva gia nhập NATO vào năm 2004, liên minh quân sự này đã bảo vệ bầu trời của họ và khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, lực lượng kiểm soát trên không của NATO đối với vùng Baltic, giáp biên giới với Nga, đã được tăng cường.

"Nga đã thường xuyên tìm cách kiểm tra khả năng sẵn sàng và phản ứng của NATO, đặc biệt là trên vùng Baltic như chúng ta đã thấy ở Estonia tuần này. Vì vậy, thông qua việc kiểm soát trên không ở Baltic của NATO, các máy bay chiến đấu phản lực từ các thành viên NATO khác nhau ở vùng Baltic và những nơi khác trong lãnh thổ NATO sẽ được tăng cường để sẵn sàng để phản ứng", ông Lete kết luận. 

Công Thuận/Báo Tin tức