05:11 20/05/2022

Chuyển đổi năng lượng - thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững

Ngày 20/5, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo Cơ chế chuyển đổi năng lượng- công cụ quan trọng đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Hội thảo có sự tham dự của đại diện Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân. Ảnh tư liệu: Công Tường/TTXVN

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được các quốc gia thông qua tại Hội nghị về biến đổi khí hậu năm 2015. Theo đó, từ năm 2021 trở đi, các quốc gia đều có trách nhiệm thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của quốc gia.

Hiện nay, Việt Nam đã trình bản đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật vào năm 2020; đưa trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành để toàn dân thực hiện. Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa hoàn thành dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 nhằm đưa ra lộ trình thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), trong đó có cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, cam kết giảm phát thải khí mê-tan và chuyển đổi năng lượng, thoát ly dần khỏi năng lượng hóa thạch. Dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, việc sản xuất và tiêu thụ năng lượng là những nguồn phát thải khí nhà kính chủ yếu ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Để đưa mức phát thải ròng về "0" cần phải thực hiện chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Đối với Việt Nam, cùng với giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch, tái tạo còn là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nắm bắt thời cơ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển.

Việt Nam xác định chuyển đổi năng lượng vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Một mặt cần phải chuyển đổi mạnh mẽ năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch cho phù hợp với xu thế chung toàn cầu, góp phần bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế để phát triển bền vững. Một mặt phải đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế; đảm bảo chuyển đổi nghề nghiệp cho các lao động bị ảnh hưởng, nhất là công nhân ngành than; đảm bảo khả năng chi trả giá điện đối với những người thu nhập thấp và đảm bảo lực lượng lao động Việt Nam được trang bị đầy đủ kỹ năng để tiếp nhận các công nghệ tiên tiến ít phát thải.

Sáng kiến của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) xây dựng Cơ chế chuyển đổi năng lượng (ETM) với kỳ vọng huy động nguồn tài chính công và tư, dựa trên tiếp cận thị trường để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, đồng thời tăng đáng kể đầu tư vào năng lượng tái tạo. Đối với Việt Nam, đây là cơ chế mới, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng về khả năng áp dụng phù hợp với điều kiện quốc gia.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam đánh giá cao việc Việt Nam với cam kết mạnh mẽ nhằm đạt được mức phát thải các-bon ròng về " 0" vào năm 2050. Việc thực hiện và đạt được cam kết đòi hỏi những nỗ lực phối hợp với các khoản đầu tư đáng kể cho năng lượng tái tạo, đầu tư vào lưới điện để khắc phục tình trạng gián đoạn và áp dụng những công nghệ mới, các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Vì vậy, ADB cam kết hỗ trợ các quốc gia thành viên đang phát triển giải quyết những thách thức của biến đổi khí hậu. Chính sách năng lượng của ADB thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển năng lượng tái tạo phục vụ điện khí hóa toàn dân với giá cả phải chăng. ADB đã công bố một chương trình tăng tài trợ cho năng lượng tái tạo - với mục tiêu tài trợ 100 tỉ USD cho năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Tại hội thảo, các đại biểu đưa ra các giải pháp về chuyển đổi năng lượng nhằm xây dựng các cơ chế tài chính và chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch giảm ô nhiễm môi trường. Đó là các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm điện đã được triển khai thông qua các chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thực hiện trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, thương mại, dịch vụ và các hộ gia đình...; giảm tổn thất truyền tải điện; phát triển năng lượng tái tạo...

Lý Thanh Hương (TTXVN)