05:11 12/05/2020

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả trên đất trồng tiêu

Nhiều hộ trồng tiêu ở huyện Đức Linh, Bình Thuận, đã và đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế.

Mặc dù Đức Linh là một trong những huyện có diện tích cây hồ tiêu lớn nhất tỉnh Bình Thuận nhưng những năm gần đây, giá hồ tiêu liên tục giảm và bệnh chết nhanh, chết chậm hoành hành khiến nhiều diện tích cây hồ tiêu bị chết. Chất đất không còn phù hợp cho cây tiêu, nấm bệnh gây hại khiến cây suy kiệt, năng suất ngày càng giảm... Vì vậy, nhiều hộ trồng tiêu ở huyện Đức Linh đã và đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế.

Gia đình ông Nguyễn Văn Vũ, thôn 2, xã Đức Hạnh (huyện Đức Linh) là một trong những người trồng tiêu lâu năm tại địa phương. Năm 2018, gần 2 ha trồng hồ tiêu của gia đình ông bị nhiễm bệnh chết nhanh, không thể cứu chữa.
 
Cùng thời điểm đó, giá tiêu giảm ở mức 50- 60 nghìn đồng/kg. Cũng như nhiều người trồng tiêu khác ở Đức Linh, gia đình rơi vào cảnh bỏ thì xót nhưng mua phân, thuốc chữa trị cũng không cứu được, lại mất tiền. Theo ông Vũ, tiêu chết, mất giá khiến việc đầu tư lại từ đầu cho cây tiêu là cực kỳ khó khăn.
 
Sau thời gian dài tìm hiểu, ông Nguyễn Văn Vũ cho rằng có thể các điều kiện thổ nhưỡng, độ ẩm… của vườn đã không còn phù hợp để cây tiêu sinh trưởng, phát triển. Vì vậy chuyển sang trồng cây chuối cấy mô xuất khẩu có thể là hướng đi mới để khôi phục kinh tế gia đình.
 
Khi triển khai thực hiện mô hình trồng chuối cấy mô xuất khẩu, gia đình ông Vũ đã ký kết hợp đồng với một công ty đầu tư cây giống, phân bón, hệ thống tưới, phương thức sản xuất và khi thu hoạch bao tiêu sản phẩm. Sau gần 2 năm trồng thí điểm, mô hình chuối cấy mô của gia đình ông đã cho thu hoạch, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Theo ông Nguyễn Văn Vũ, hơn 10 tháng trồng, chăm sóc theo đúng quy trình, lứa chuối đầu tiên thu hoạch được 150 tấn, sau khi trừ chi phí gia đình thu lãi hơn 100 triệu đồng. So với những loại cây trồng khác, trồng chuối cấy mô đạt hiệu quả kinh tế hơn rất nhiều mà không phải lo đầu ra. Cây chuối sau khi công ty thu hoạch xong, vệ sinh cây mẹ, tiếp tục chăm sóc các cây chuối non nên chỉ khoảng 6 tháng sau là có thể thu hoạch đợt tiếp theo.
 
Thấy cây chuối phát triển tốt lại được công ty bao tiêu đầu ra nên năm 2019, gia đình ông Nguyễn Văn Vũ tiếp tục mở rộng thêm 8 ha trồng chuối cấy mô. Giá bán chuối cấy mô được doanh nghiệp thu mua tại vườn là 18 nghìn/kg. Trung bình mỗi ha chuối cho thu hoạch 40 tấn/năm. Sau khi trừ chi phí sản xuất, người trồng có lãi cao.
 
Cũng bị thua lỗ do tiêu chết trắng và không thể khôi phục, ông Lê Văn Tuấn, ở xã Đông Hà (huyện Đức Linh) đã mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng để mua giống, phân chuồng, xây dựng hệ thống tưới để trồng 40 ngàn gốc măng tây xanh trên diện tích hơn 1,7 ha.
 
Sau 7 tháng chăm sóc, gia đình ông Lê Văn Tuấn đã thu hoạch được những đợt măng non đầu tiên. Để phát triển lâu dài, bền vững, ông Tuấn đã liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Linh Đan (Ninh Thuận) bao tiêu toàn bộ sản phẩm măng tây với giá 50.000 đồng/ kg. Hiện nay, mỗi ngày ông Tuấn thu từ 150 đến 200 kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi ngày ông thu về 2 triệu tiền lãi.
 
Theo ông Lê Văn Tuấn, cây tiêu chỉ cho thu hoạch 1 lần trong năm nhưng cây măng tây lại cho thu liên tục trong 9 tháng trong một năm. Ưu điểm lớn nhất của măng tây là chỉ đầu tư giống trồng một lần có thể khai thác từ 10 đến 15 năm.
 
Trong vòng 3 năm qua, toàn huyện Đức Linh có hơn 1.300 ha cây hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm. Diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh nhiều nhất là tại xã Đông Hà, Đức Hạnh, Trà Tân, Tân Hà… Mặc dù người dân đã tìm nhiều loại thuốc phòng ngừa nhưng tình trạng tiêu chết hàng loạt vẫn không được kiểm soát.
 
Ông Nguyễn Đức Binh, Chủ tịch Hội nông dân huyện Đức Linh cho biết,  trong thời gian qua, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động hướng dẫn cho người nông dân tham quan, nghiên cứu chuyển đổi cây trồng khác thay thế phù hợp trên diện tích cây tiêu bị chết trắng và khó hồi phục.
 
Qua đó, bằng nhiều hình thức tiếp cận với các loại cây trồng mới có hiệu quả, nông dân trong huyện đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác như chuối, điều, bơ, sầu riêng, bưởi, cao su, rau củ quả… Một số loại cây đã bước đầu có thu hoạch cho hiệu quả cao như bưởi, chuối, măng tây…
 
Theo Chủ tịch Hội nông dân, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đi đúng chính là giải pháp nhằm tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác cho bà con nông dân.
 
Tuy nhiên, để tránh tình trạng phát triển tự phát, ồ ạt và rơi vào cảnh “được mùa mất giá”, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân cần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh liên kết sản xuất tiêu thụ đáp ứng nhu cầu  thị trường hiện nay.

Hồng Hiếu (TTXVN)