03:09 19/03/2014

Chuyện Crimea thời hậu sáp nhập

Bất chấp sự phản đối và ngăn trở của các nước phương Tây, Crimea đã “trở về mái nhà Nga” và hàng loạt thay đổi đang chờ đợi người dân ở đây.

Những bước đi tuần tự để Crimea (Crưm) “trở về mái nhà Nga” đã được tiến hành. Tuy nhiên, việc tách khỏi Ukraine trong bối cảnh Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) phản đối mạnh mẽ sẽ đặt Crimea trước những thách thức rất lớn và có thể đem tới nỗi lo lắng mới cho Nga.

Sau khi kết quả bỏ phiếu tại Crimea được công bố với đa số áp đảo ủng hộ việc tách khỏi Ukraine, sáp nhập vào Nga, Điện Kremlin tuyên bố, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh thừa nhận Crimea là quốc gia độc lập chủ quyền, có vị trí đặc thù. Căn cứ theo pháp luật của Nga, chỉ có các quốc gia độc lập mới có thể gia nhập Liên bang Nga.

Tiếp đó, Điện Kremlin thông báo ông Putin đã thông qua bản dự thảo hiệp ước để sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga. Cũng trong ngày 18/3, truyền hình nhà nước Nga đã phát sóng cảnh Tổng thống Putin ký hiệp ước với Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov và các nhà lãnh đạo khác của vùng lãnh thổ tự trị này tại một buổi lễ ở Điện Kremlin với sự tham dự của lưỡng viện Quốc hội Nga. Đây là dấu mốc cho thấy từ nay Nga đã coi Crimea là một phần thuộc Liên bang Nga.

Rốt cuộc, bất chấp sự phản đối và ngăn trở của các nước phương Tây, Crimea đã “trở về mái nhà Nga” và hàng loạt thay đổi đang chờ đợi người dân ở đây. Nó bao gồm việc Phó Thủ tướng Crimea Rustam Temirgaliev tuyên bố từ ngày 1/4, khu trự trị này sẽ chính thức sử dụng đồng rúp Nga trong giao dịch. Nó còn là việc Crimea sẽ sử dụng thời gian theo Moskva vốn sớm hơn Kiev 2 tiếng đồng hồ và việc các binh sĩ người Crimea gia nhập quân đội Nga cũng như pháp luật Nga sẽ có hiệu lực ở Crimea…

Người dân Nga vui mừng trước sự kiện ký hiệp ước về sáp nhập CH tự trị Crimea vào Liên bang Nga, tại quảng trường Đỏ ở Moskva ngày 18/3. Ảnh: AFP/TTXVN


Tuy nhiên, sau tiếng vỗ tay hoan hô và thái độ vui mừng vì được “trở về mái nhà Nga”, người dân Crimea không chỉ phải thích ứng với hàng loạt thay đổi, mà còn có thể sẽ phải đối diện tới những thách thức lớn. Từ khi Ukraine độc lập vào năm 1991 tới nay, nằm trong thành phần của Ukraine, Crimea luôn nhận được sự trợ cấp từ Kiev, cao hơn so với số thuế mà Crimea thu được nộp cho Kiev. Bên cạnh đó, 80% lượng nước và 90% lượng điện cung cấp cho Crimea là đi qua Ukraine. Nếu xuất phát từ bất mãn với việc Crimea sáp nhập vào Nga, Chính phủ lâm thời ở Ukraine nghe theo thế lực bên ngoài, ngừng một phần hoặc toàn bộ việc cung cấp điện và nước cho Crimea, Nga dù muốn giải quyết nhưng e là “nước xa khó cứu được lửa gần”.

Ngoài ra, việc Crimea sáp nhập vào Nga có thể sẽ gây ra sự rối loạn về chính trị và xã hội, nhất là trong bối cảnh người Tatar theo Hồi giáo ở Crimea tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý hôm 17/3, thề trung thành với Kiev và binh sĩ Ukraine tại Crimea được Kiev bật đèn xanh sử dụng vũ khí tự vệ. Bất ổn đương nhiên sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới ngành du lịch - nguồn thu chủ yếu của Crimea. Nói một cách khác, sau khi tách khỏi Ukraine, nền kinh tế Crimea sẽ khó có thể tự cung tự cấp được. Có phân tích cho rằng hàng năm Nga sẽ phải hỗ trợ cho Crimea khoảng 3 tỉ USD và đối với Nga, đây có thể là một gánh nặng tài chính lâu dài.

Quan trọng hơn là sự kiện Crimea có thể sẽ trở thành nỗi lo lớn sau này của Nga. Thế giới phương Tây hoặc là coi việc sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga sau cuộc trưng cầu dân ý và tuyên bố độc lập ở nước cộng hòa tự trị này là vi phạm luật pháp quốc tế hoặc không công nhận việc Nga sáp nhập Crimea. Sự cô lập về chính trị đối với Nga bắt đầu hình thành.

Về kinh tế, vì vấn đề Crimea, Nga đã bị Mỹ và EU áp dụng một số biện pháp chế tài, bao gồm việc cấm các quan chức Nga, Crimea trong danh sách nhập cảnh và Mỹ, EU và phong tỏa tài sản của họ. Đành rằng các biện pháp chế tài này chỉ thuộc dạng "siết nhẹ các con ốc", nhưng đối với Mỹ đó là những biện pháp trừng phạt toàn diện nhất áp dụng đối với Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh và đối với EU, những biện pháp trừng phạt này cũng chưa hề xuất hiện trong lịch sử mối quan hệ giữa EU và Nga kể từ năm 1991.

Về quân sự, ngày 18/3, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết nước này đã ngừng toàn bộ hợp tác quân sự với Nga sau khi Moskva ký hiệp ước đưa Crimea sáp nhập vào Nga. Trong khi đó, Ngoại trưởng Estonia Urmas Paet kêu gọi EU tăng cường trừng phạt đối với Nga, đồng thời cho rằng một trong các biện pháp trừng phạt đầu tiên phải là lệnh cấm vận vũ khí.

Tất cả cho thấy những biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga sau việc sáp nhập Crimea sẽ nặng hơn nhiều so với lần Nga đưa quân vào Gruzia nhằm bảo vệ Nam Ossetia năm 2008. Nhưng nghiêm trọng hơn là việc diễn biến ở Crimea có thể khiến các nước láng giềng có Nga kiều sinh sống như Moldova, Gruzia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbekistan quyết tâm hơn trong việc tách khỏi ảnh hưởng của Nga. Khả năng này có xảy ra hay không vẫn cần phải quan sát, nhưng nó có thể trở thành cái cớ để thế lực bên ngoài kích động các quốc gia trên nhằm thừa cơ “xâm thực” địa bàn ảnh hưởng của Nga.


Huyền Linh