12:10 14/12/2012

Chuyện chưa kể về nữ Phó Chủ tịch xã tuổi 24

PV Tin tức đã có cuộc trò chuyện với đại biểu Trần Thị Hương, sinh năm 1988, người dân tộc Tày (ảnh), đại diện cho 580 trí thức trẻ làm Phó chủ tịch xã tại các xã nghèo, về dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X.

PV Tin tức đã có cuộc trò chuyện với đại biểu Trần Thị Hương, sinh năm 1988, người dân tộc Tày (ảnh), đại diện cho 580 trí thức trẻ làm Phó chủ tịch xã tại các xã nghèo, về dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X.

 

Mới 24 tuổi nhưng Hương đang đảm nhiệm chức Phó chủ tịch xã tại một xã nghèo theo Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo. Hương chia sẻ: “Điều kiện làm việc của các trí thức trẻ còn rất nhiều khó khăn nhưng với lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ, chúng tôi sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

 

Mẹ phản đối, cha ái ngại

 

Hương quê ở huyện Trùng Khánh. Tốt nghiệp ngành sư phạm của Đại học Sư phạm Thái Nguyên, ngay sau khi ra trường, tháng 6/2011, Hương đăng ký dự tuyển về làm Phó Chủ tịch xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.

 

 

Lần đầu tiên đến xã thực tế cũng là lần đầu tiên Hương đến huyện Bảo Lâm. Ban đầu, khi biết Hương chọn huyện Bảo Lâm làm nơi công tác, gia đình hương phản đối ngay. Thương con gái, mẹ Hương thỉnh thoảng gọi điện bảo con về, không làm nữa.

 

Bố thì không phản đối như mẹ nhưng rất ái ngại cho con: “Con gái, mới ra trường, làm sao mà đảm nhiệm được chức chủ tịch xã?”. Đến khi nhận quyết định công tác, người thân trong gia đình vẫn can ngăn: “Xa lắm, khổ lắm. Đừng đi”. Hương vẫn kiên định: “Mình đã quyết là làm. Mình nghĩ về làm ở một xã trong tỉnh thì cũng là đóng góp xây dựng quê hương”.

 

Được bà con coi như người trong nhà

 

Nam Quang là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Lâm, cách trung tâm thành phố Cao Bằng 180 km. “Đường sá đi lại rất khó khăn. Có 4/10 xóm chưa có đường cho xe máy đi, phải đi bộ theo đường rừng. Đường đi từ huyện về xã chưa được rải nhựa. Từ xã đến các xóm hầu hết phải đi bằng đường rừng. Xóm cách xa trung tâm xã nhất là 17 cây số".

 

Hương rất nhớ kỷ niệm lần đầu về xóm này họp. Mỗi lần tới nắm tình hình của xóm hay họp với bà con, Hương phải đi bộ. “Từ 6 giờ sáng bắt đầu lên đường, trên đường đi, phải leo qua hai quả núi. Gặp hôm trời mưa, đường rừng rất khó đi. Gần 12 giờ trưa mới tới được xóm, làm việc xong xuôi, lại cuốc bộ về nhà. Tới nhà thì đã 8 giờ tối”.

 

Khó là thế nhưng đến nay, Hương đã đi đến tận 10 xóm không sót một xóm nào. Thậm chí có xóm, Hương còn tới mấy lượt.

 

Trình độ dân trí của người dân còn thấp cũng là một thử thách đối với cô gái trẻ mới ra trường trên cương vị Phó Chủ tịch xã. Xã có 10 xóm, với 553 hộ với 3.062 nhân khẩu. Xã có 5 dân tộc anh em cùng sinh sống là Tày, Nùng, H’mông, Dao, Sán Chỉ. Tỷ lệ nghèo chiếm 57%, tỷ lệ mù chữ cao, nhất là các xóm như Thẩm Xiềm, Nà Viền, Nậm Ròm… Nhiều người dân ở đây chỉ nói được tiếng phổ thông, không đọc được, viết được. Khi làm việc với bà con, Hương phải nhờ người phiên dịch cho bà con.

 

Giữ chức Phó Chủ tịch xã với một cô gái mới ra trường không đơn giản. Đặc biệt là khi làm việc với người dân, “đả thông tư tưởng” cho bà con hiểu chủ trương. Hương được giao phụ trách 1 xóm trong xã. Có lần khi đi thu một khoản phí cho xã, trong xóm có 2 hộ không có tiền để nộp. Hương vận động 90 hộ trong toàn thôn mỗi hộ nộp 2 nghìn đồng hỗ trợ 2 gia đình kia. Lúc đầu mọi người phản đối, hỏi vặn Hương: “Người ta khó khăn, mình cũng khó khăn chứ. Sao phải nộp hộ?”. Hương nhẹ nhàng thuyết phục, về sau, bà con đồng ý đóng góp mỗi hộ 2 nghìn đồng đỡ cho 2 hộ nghèo.

 

Qua 9 tháng làm việc, tự cảm thấy đã trưởng thành hơn lên rất nhiều, Hương kể: “Ở đây điều kiện vật chất còn khó khăn nhưng bà con thương, quý mình lắm, coi như người trong nhà. 

 

Dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X, với Hương là một vinh dự lớn. Hương mong muốn đem tiếng nói của một Đội viên thuộc Dự án 600 trí thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã gửi tới Chính phủ và các Bộ ngành hữu quan tiếp tục quan tâm, xem xét, có chế độ và tạo mọi điều kiện để các trí thức trẻ phát huy hết khả năng của mình đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước.

 

Trăn trở tìm lối thoát nghèo

 

Hương chia sẻ: Ở xã Nam Quang, ngành nghề chủ yếu là nông nghiệp với các cây trồng chính: lúa, ngô, đỗ tương, chăn nuôi trâu, bò, dê. Các ngành nghề dịch vụ chưa phát triển.

 

Từ khi làm việc trên cương vị mới, Hương đã hoàn thành nhiều công việc: Hoàn thiện hồ sơ thuộc chương trình 30a năm 2012 cho xã như Hồ sơ đăng ký trồng cỏ voi, đăng ký xây dựng Chuồng trại, hỗ trợ bò cái sinh sản. Hương cũng đã cùng tổ công tác kiểm tra và giải quyết xong tình hình xâm canh xâm cư giữa hai xã Nam Quang và Tân Việt thuộc huyện Bảo Lâm; xây dựng xong bản kế hoạch phát triển kinh tế xã hội xã Nam Quang năm 2013; điều tra rà soát và tổng hợp hộ nghèo, cận nghèo năm 2012 ở xã; xây dựng mô hình thí điểm trồng ngô lai và lạc tại địa phương.

 

Hương đang hoàn thiện đề án “Phát triển chăn nuôi lợn đen nhằm đưa sản phẩm thịt lợn đen của địa phương ra thị trường”. Đề án này Hương đã làm trong quá trình đào tạo bồi dưỡng trí thức trẻ trước khi về làm nhiệm vụ chính thức tại địa phương.

 

Điều làm cô Phó Chủ tịch xã phụ trách kinh tế trăn trở hiện nay là nguồn ra cho nông sản của bà con. Đường đi khó, xã cách trung tâm huyện xa, nhiều lúc bà con muốn mua, bán cái gì phải đi mất cả ngày mới tới chợ trung tâm huyện. Hương tha thiết mong Nhà nước quan tâm nhiều hơn về đầu tư cơ sở vật chất và tinh thần cho các xã thuộc chương trình giảm nghèo 30a.

 

Nhiệm vụ chính rất nặng nề, tuy nhiên, ngoài công việc chính, Hương còn hăng hái với công tác phong trào của Đoàn: Phong trào “Vì trẻ thơ” kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ gây quỹ tổ chức Tết thiếu nhi, tham gia Hội diễn văn nghệ quần chúng và Hội thi cán bộ dân vận khéo của huyện.

 

Khoảng 3 tháng, Hương mới về thăm bố mẹ một lần. Cứ mỗi lần đi về nhà, Hương chạy xe máy mất 9 tiếng đồng hồ. Đến nay, bố mẹ Hương đều đã ủng hộ và động viên Hương: “Vào đó là có điều kiện để học tập. Con cố gắng lên!”.

 

Một nguồn cổ vũ tinh thần cho Hương nữa là trong những tháng đầu tiên làm công tác quản lý còn nhiều bỡ ngỡ, Hương nhận được nhiều sẻ chia từ người yêu, tuy ở xa hơn 100 cây số, vẫn thường xuyên gọi điện chia sẻ nhiều trong công việc.

 

Chia sẻ tâm tư trong những ngày dự Đại hội Đoàn toàn quốc, Hương bộc bạch: “Hành trình của các đội viên dự án 600 Phó Chủ tịch xã còn rất dài và khó khăn nhưng chúng tôi tin rằng với lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ, chúng tôi sẽ vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

 

 

Mạnh Minh