10:10 06/10/2011

Chuyện chưa kể về chuyến lưu diễn của Westlife ở Việt Nam

“Chúng tôi tự hỏi không hiểu vì sao phải mất đến 13 năm chúng tôi mới đặt chân được đến đất nước Việt Nam của các bạn, mặc dù sự chào đón của các fan ở đây rất nồng nhiệt…”- Một thành viên nhóm Westlife đã nói như vậy trong buổi họp báo ngày 1/10 vừa qua.


Vì sao những ban nhạc đang làm “khuynh đảo” thế giới không đến Việt Nam biểu diễn? Được biết, Linkin Park từng có kế hoạch sang Việt Nam nhưng giá cát-sê họ đặt ra quá cao. Alicia Keys, Maroon 5 cũng từng muốn đến đây, nhưng dòng nhạc lại kén người nghe, khó bán vé…

Đằng sau những bản hợp đồng biểu diễn, đằng sau những liveshow âm nhạc làm nức lòng hàng nghìn fan, đằng sau những giai điệu lãng mạn… là những bài toán kinh tế không đơn giản.

“Tổ chức biểu diễn nhưng biết chắc sẽ…lỗ”

Đêm nhạc Westlife đã kết thúc với những dư âm đẹp. Đến thời điểm này, đã 4 ngày trôi qua sau đêm diễn, nhưng trên nhiều diễn đàn âm nhạc, trên nhiều trang facebook, khán giả vẫn còn bàn tán, vẫn chia sẻ với nhau những cảm xúc khó quên khi đứng trên sân vận động Mỹ Đình hòa giọng cùng Westlife. Một đêm nhạc ấn tượng với những giai điệu khó quên, với một sân khấu đã mắt, với dàn âm thanh đẳng cấp, với những tình cảm lãng mạn, ngọt ngào…

Chỉ có điều, nhà tổ chức đã… lỗ vốn.

Đại diện 2 công ty tổ chức, nhà sản xuất – MC Vũ Anh Tuấn đã từ chối tất cả những câu hỏi liên quan cụ thể đến tài chính, nhưng anh thừa nhận, nhà tổ chức đã lỗ khi tổ chức đêm diễn Westlife.
 
Chi phí cho Westlife là không hề nhỏ!

Từ tháng 1/2011, Anh Tuấn đã liên hệ với những đối tác nước ngoài với ý định mời Westlife sang Việt Nam biểu diễn. Tuy nhiên nếu chỉ sang Việt Nam biểu diễn chi phí sẽ rất cao, Anh Tuấn đành phải đợi cùng giao ước với các nước trong khu vực Châu Á để đưa vào lịch trình của tour diễn Gravity Asia Tour tháng 9 năm nay, như vậy chi phí sẽ hợp lý hơn.

Theo kế hoạch ban đầu, đơn vị tổ chức đã có nhà tài trợ độc quyền, tuy nhiên, đến tháng 5, nhà tài trợ (đã hứa) gặp khó khăn về tài chính nên đã quyết định không tham gia.

Từ tháng 5 đến tháng 8, Anh Tuấn cùng cộng sự chạy khắp nơi xin tài trợ. Vì đúng vào lúc kinh tế suy thoái, mọi nỗ lực rơi vào… tuyệt vọng. Không có bất kỳ đơn vị nào đồng ý chi tiền tài trợ cho đêm diễn. Anh Tuấn chia sẻ “Nếu không có tiền tài trợ, chỉ dựa vào việc bán vé là quá mạo hiểm. Hơn nữa, ngay từ đầu chúng tôi đã định ra một mức giá vé thấp phù hợp với khán giả Việt nam. Việc lỗ vốn gần như đã nắm chắc nhưng chúng tôi hạ quyết tâm, cho dù không có nhà tài trợ, chúng tôi sẽ vẫn làm để bảo vệ danh dự với các nước khác, và sẽ làm cho thật tốt”.
 
Nhà sản xuất Vũ Anh Tuấn

Từ đầu tháng 9, 5 địa điểm bán vé được đặt ra tại Hà Nội, “Vé bán chậm, rất ít người có thói quen mua vé trước đêm diễn quá xa và nhiều người còn chờ vé tặng…tuy nhiên tôn chỉ của chúng tôi là tất cả tập trung cho đêm diễn cho dù số khán giả có là 100 người”.

Xác định là cuộc chơi âm nhạc vì danh dự và cũng là để đặt nền tảng cho một hướng đi mới trong việc tổ chức về nhiều mặt, nhà tổ chức và Anh Tuấn dồn sức chuẩn bị cho đêm diễn. Không tiết lộ bất kỳ con số nào cho những chi phí liên quan đến đêm diễn, nhưng, có thể đoán được, trị giá hợp đồng ký kết với Westlife là không hề nhỏ. Bên cạnh cát-sê cho ban nhạc, các đơn vị tổ chức phải trả cát-sê cho các nhạc công, những người chỉnh âm thanh, ánh sáng, trang phục, kỹ thuật trong ê-kíp Westlife đưa sang Việt Nam, chưa kể những chi phí đi lại, ăn ở của đoàn, bên cạnh đó là chi phí tổ chức từ thuê địa điểm, thuê dàn âm thanh nhập về từ Ý, êkip sân khấu, màn hình, pháo hoa…đều từ thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ tính riêng chi phí vận chuyển đã là một con số không nhỏ.
 
Thiết bị âm thanh nhập về từ Ý

“Đến cận ngày biểu diễn, trời lại mưa bão. Những thông tin về bão số 5 tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Có hai ngày đẹp nhất để khán giả có thể đi mua vé thì lại đổ mưa tầm tã và thông tin Hà Nội sẽ ngập nên khán giả dừng lại… Êkip thực hiện dựng thiết bị của chúng tôi trực ngày trực đêm ở sân Mỹ Đình, trời tạnh mưa là lao ra dàn dựng, vừa dựng vừa lo che mưa cho những thiết bị đắt tiền. Những khó khăn quả thực không thể kể hết bằng lời!”- Anh Tuấn chia sẻ.

Anh nhấn mạnh, đêm diễn Westlife đã để lại cho anh quá nhiều kỷ niệm trong cuộc đời làm show, trong đó, có những kỷ niệm rớt nước mắt. Đã có những khó khăn - anh và êkip của mình tưởng như không thể vượt qua để đi đến đích cuối cùng.

Mất 9 tháng chuẩn bị cho một đêm diễn với những khó khăn không thể kế hết bằng lời, cuối cùng, họ vẫn lỗ vốn.

Anh Tuấn cho biết “Giá trị lớn nhất anh và 2 nhà tổ chức có được sau đêm diễn Westlife, đó là niềm tin của khán giả. Từ đây, khán giả sẽ có cái nhìn khác về một liveshow âm nhạc đẳng cấp quốc tế, họ sẽ chịu bỏ tiền mua vé. Điều quan trọng nhất chúng tôi mong muốn sau đêm diễn Westlife đó là định hướng cho khán giả thấy, tiêu chí như thế nào về một đêm nhạc quốc tế. Và hơn hết chính là những cảm xúc đã có, những kỷ niệm đã có, những khó khăn đã vượt qua, những khoảnh khắc nhìn khán giả khóc, nhìn cả sân vận động như một bầu trời đầy sao trong “You raise me up”… Đó là những điều vô giá đối với tôi”.

Để mời được một ban nhạc (dù không còn ở thời kỳ đỉnh cao) như Westlife đến Việt Nam biểu diễn rõ ràng là một hành trình không đơn giản. Không chỉ khó khăn về kêu gọi tài trợ, khó khăn trong tổ chức, khó khăn trong bán vé… Đằng sau đêm diễn, đằng sau những bản tình ca lãng mạn, còn là những bài toán kinh tế nan giải.
 
Đằng sau những bản tình ca là những bài toán kinh tế

Những bài toán kinh tế

Mời những ban nhạc đã hết thời đỉnh cao còn khó, mời những ban nhạc, những ca sỹ đang nổi tiếng, đang hưng thịnh còn khó hơn nhiều.

Ban nhạc Linkin Park từng có ý định sang Việt Nam biểu diễn nhưng giá cát-sê của họ đưa ra quá cao, nhà tổ chức không thể “gánh vác”.

Anh Tuấn chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh từng có ý định mời một ca sỹ đang nổi tiếng sang Việt Nam (xin phép giấu tên), tuy nhiên, giá cát-sê nghệ sỹ đó đưa ra là 1,5 triệu USD- tương đương khoảng 30 tỷ đồng! Mức giá khiến bất kỳ nhà tổ chức nào ở Việt Nam cũng… ngất xỉu.
 
Anh Tuấn mất 9 tháng để có được show diễn Westlife

Một bài toán đặt ra, nếu chỉ tính riêng trị giá hợp đồng ký kết là 1,5 triệu USD (tương đương với 30 tỷ đồng) chưa kể chi phí tổ chức và thiết bị, nếu để số lượng vé khoảng 20 ngàn- mỗi vé sẽ đã có giá 1,5 triệu đồng. Giá vé ấy sẽ là quá cao so với thu nhập của người Việt Nam và khó có thể bán được hơn con số 5.000 vé. Khán giả chúng ta chưa có thói quen, chưa có ý thức thực sự về việc bỏ tiền ra để thưởng thức một đêm nhạc chất lượng cao. Phía nhà tổ chức đành… “bó tay” khi cầm chắc sự thua thiệt quá lớn về tài chính.

Đã có ít nhiều liveshow ca nhạc trong nước bán vé 2 triệu- 3 triệu đồng, tuy nhiên, họ chỉ bán với số lượng nhỏ. Nếu số vé lên tới 30.000, 50.000, chuyện bán vé với giá 1 triệu đồng là điều không thể.

Alicia Keys cũng từng lên kế hoạch sang Việt Nam biểu diễn. Mức cát-sê cô ấy đưa ra không quá… “nghẹt thở”. Tuy nhiên, dòng nhạc R&B của Alicia Keys lại kén người nghe. Tức là, khó bán vé!

MC Anh Tuấn đang ấp ủ một dự án âm nhạc mới, trong đó, anh sẽ mời 1 số nghệ sỹ nổi tiếng thế giới của dòng nhạc R&B biểu diễn trên cùng một sân khấu. Điều Anh Tuấn băn khoăn nhất, (tất nhiên), không biết một đêm nhạc như thế có bán được vé không và có kêu gọi được tài trợ không?

“Đêm nhạc Westlife Gravity Tour đã cho tôi cái nhìn toàn cảnh cũng như chi tiết hơn về việc tổ chức show quốc tế tại Việt Nam. Dần dần những nhà tổ chức chúng tôi sẽ tìm ra hướng đi đúng để mời những ban nhạc, những ca sỹ đang ở thời kỳ đỉnh cao của họ, tuy nhiên, chúng tôi phải giải được những bài toán của mình. Phải có nhà tài trợ. Phải bán được vé. Ít nhất phải hòa vốn rồi tiến đến có lãi. Chúng tôi không thể chịu lỗ mãi được”- Anh Tuấn chia sẻ.
 
Có bao nhiêu khán giả Việt Nam bỏ 1,5 triệu đồng ra mua vé để đi xem một đêm nhạc quốc tế?

Vẫn là một ví dụ từ Westlife. Các báo đều đưa tin rầm rộ rằng, Westlife dành tặng riêng bài hát My love cho khán giả Việt Nam nhưng sự thật lại hoàn toàn khác. Theo nguồn tin của phóng viên Dân trí, bài My love không hề có trong danh sách biểu diễn của toàn bộ tour diễn Gravity. Westlife đồng ý biểu diễn bài ấy tại Việt Nam vì yêu cầu từ phía nhà tổ chức. Họ chỉ đồng ý trình diễn My Love vào những ngày cận kề đêm diễn. Điều đó không có gì lạ, bản My love- Westlife từng biểu diễn với 5 thành viên. Khi yêu cầu phải hát bài ấy với 4 thành viên, họ sẽ phải tập, ban nhạc cũng phải tập để đảm bảo chất lượng. Như thế, sẽ mất thêm nhiều thời gian giữa một lịch diễn dày đặc!

Rõ ràng, khi Westlife đồng ý hát My love, họ đã cảm nhận được tình cảm của khán giả Việt Nam dành cho ca khúc ấy, và dành cho họ, chân thành, gần gũi như thế nào.

Ít ai biết rằng, phía sau những bản tình ca lãng mạn lại là cả một bài toán kinh tế!

Hiền Hương

Theo Dân trí