04:14 23/04/2020

Chuyện chưa kể trước Ngày Giải phóng miền Nam - Bài 4: Tiếp quản La Gi

Ngay sau giải phóng Hoài Đức vào ngày 23/3/1975, đơn vị 88 và 81 cùng cán bộ các ngành, đoàn thể đã chuyển xuống Quốc lộ 1, phối hợp với các đơn vị tại Nghĩa Lộ, Hàm Tân và thị xã La Gi phát động quần chúng chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng phối hợp lực lượng để giải phóng toàn bộ mảnh đất còn lại của quê hương Bình Tuy: đó là thị xã La Gi.

Rồi ngày ấy cũng đến. Rạng sáng ngày 23/4/1975, La Gi được giải phóng, Bình Tuy trở thành tỉnh cuối cùng của Quân khu 6 và là tỉnh thứ 21 được giải phóng trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Chị Hồ Thị Mai, người ngồi phía trước thứ hai bên phải, chụp cùng các anh chị trong chi đoàn thanh niên lúc hoạt động trong lòng địch trước đây.

Ngày rực rỡ hôm ấy, tôi theo chú Vũ Hồng- lúc đó là Trưởng ty thông tin văn hóa giáo dục tỉnh Bình Tuy, cùng các anh chị trong đoàn công tác về tiếp quản thị xã La Gi. Trong đoàn có nhiều người mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn không bao giờ quên được. Đó là chú Vũ Hồng có dáng nguời cao, gầy với đôi mắt sâu; anh Lợi ở văn phòng Tỉnh ủy dáng người thư sinh; chị Mai ở bộ phận văn thư đánh máy; anh Lê Tiến Phương, anh Nguyễn Hữu Trí bảo vệ cho chú Ba Thành- Bí thư Tỉnh ủy. Trong ấy, còn có cả chị Tư của tôi. Và nhỏ nhất trong số đó có tôi và anh Nguyễn Đình Kim. Tôi và một số anh chị đi trên chiếc xe quân sự GMC chất ngổn ngang hành lý. Người đứng, người ngồi, chật cả xe. Tuy mệt mỏi, nhưng ai cũng rộ lên niềm vui chiến thắng trong tư thế của một đoàn quân tiến về tiếp quản thị xã La Gi.

Dọc theo các tuyến đường, nhất là tuyến đường từ ngã ba 46, từ Láng Gòn về nội thị La Gi có đến hàng trăm xe ô tô các loại và quân dụng của địch bỏ lại hai bên đường. Có cả những xác xe tăng, xác máy bay trực thăng bị ta bắn hạ. Tàn quân hốt hoảng dạt ra ẩn nấp ở các vùng ven nhưng cũng manh động có thể nổ súng bất cứ lúc nào.

Về đến La Gi, đoàn chúng tôi không ở tại trung tâm thị xã, mà đóng quân tại tại một số cơ quan của chế độ ngụy như nhà làm việc của ty thông tin, ty điền địa, cơ quan pháp đình và một số cơ quan quanh trung tâm hành chính Bình Tuy. Tôi được phân công về ở tại tòa nhà của Ty điền địa ( gần Bảo hiềm xã hội của thị xã La Gi ngày nay).

Những ngày giao thời ấy ngổn ngang trăm mối phải giải quyết, phải bảo đảm an ninh nghiêm ngặt nhất, phải ổn định tình hình để tập trung sản xuất kinh doanh, xây dựng cuộc sống mới. Do vậy, về mặt tư tưởng phải tạo niềm tin chiến thắng ở người dân cực kỳ quan trọng.

Tổ chức đã phân tôi và anh Kim về Ty Thông tin Văn hóa Giáo dục Bình Tuy. Nhiệm vụ của hai chúng tôi là chép tin đọc chậm trên đài Tiếng nói Việt Nam rồi chuyển sang bộ phận thông tin để in ấn. Từ bản tin tôi chép ra, các bộ phận có chức năng sẽ lên khuôn, in ra tài liệu phát đến tay cho các cán bộ và người dân đọc…

Ngày mới tiếp quản, ty Thông tin văn hóa giáo dục có rất nhiều bộ phận do chú Vũ Hồng làm trưởng ty. Bộ phận thông tin: Chú Hùng làm trưởng bộ phận, trong đó có cả một đội chiếu bóng do anh Lâu quê ở Bắc Bình làm đội truởng, anh Lương Ơn và cả một số cán bộ từ miền Bắc vào tăng cường thêm. Ngoài ra bộ phận thông tin còn có đoàn văn công mà chúng tôi vẫn hay gọi là đoàn văn công “sọc dưa”. Tuy anh chị em không được đào tạo gì nhiều, chủ yếu là năng khiếu bẩm sinh, nhưng trong ký ức tôi, các anh chị hát rất hay và vẫn còn vang vọng mãi. Thời đó, mỗi lần được nghe văn công biểu diễn là ai cũng rất háo hức. Những lời ca tiếng hát có sức động viên tinh thần mạnh mẽ. Những anh chị thời đó, sau một thời gian cũng chuyển sang các ngành nghề khác. Trong số đó, vẫn còn anh Hồng Thanh Nam, bây giờ là bí thư huyện ủy Hàm Thuận Bắc.

Bộ phận giáo dục do chú Trần Văn Bản làm truởng bộ phận, có anh Nguyễn Thanh Sơn, chị Bùi Thị Lớp và tăng cường nhiều giáo viên từ miền Bắc vào như anh Chất, anh Lại Xuân Nội, anh Giáo....

45 năm đã trôi qua, một chặng đường dài trên con đường công tác, ngồi ngẫm nghĩ lại mới thấy cuộc đời với bao nhiêu thăng trầm, với biết bao ngành nghề, lĩnh vực mà tôi đã trải qua. Từ cái nghề đầu tiên của tôi là dạy học, từ lớp sư phạm trong chiến khu; rồi làm thông tin tuyên truyền của ngành Tuyên giáo; văn thư đánh máy… Và đến bây giờ, sau khi trải qua 14 ngành nghề khác nhau như làm cán bộ đoàn, tham gia quân đội khi chiến tranh biên giới nổ ra năm 1978, học Đại học Bách khoa ngành vô tuyến điện; học Đại học Hàng Hải rồi đi tàu viễn dương, làm Giám đốc doanh nghiệp nhà nước, rồi chuyển sang làm thanh tra giao thông; khoa học công nghệ, xuống cơ sở làm Bí thư huyện và cuối cùng, quay trở lại với ngành Tuyên giáo, âu đó cũng là cái duyên.

Bài cuối: Ký ức Ngày trọng đại

Bài và ảnh: Hồ Trung Phước