05:09 01/05/2015

Chuyện chưa biết về siêu mẫu đầu tiên trên thế giới

Cô gái Nesbit có làn da trắng trẻo sinh ra ở Tarentum, bang Philadelphia và là người mẫu được săn đón nhiều nhất đầu thế kỷ 20, dù ở thời kỳ của cô, nhiếp ảnh thời trang và phương tiện quảng cáo mới chỉ bắt đầu phát triển.

Cô gái Nesbit có làn da trắng trẻo sinh ra ở Tarentum, bang Philadelphia và là người mẫu được săn đón nhiều nhất đầu thế kỷ 20, dù ở thời kỳ của cô, nhiếp ảnh thời trang và phương tiện quảng cáo mới chỉ bắt đầu phát triển.

Hình ảnh của Nesbit xuất hiện trong các quảng cáo trên tạp chí và báo in có lượng phát hành lớn, trên đồ lưu niệm hay trên các tờ lịch. Cô trở thành người nổi tiếng của công chúng. Nhưng đáng buồn thay, khi đang ở đỉnh cao danh vọng Nesbit lại vướng vào “vụ án thế kỷ”, trong đó chồng đã ám sát người tình cũ của cô.


Lọ Lem thế kỷ 20

Sau khi bố qua đời bỏ lại gia đình Nesbit trong cảnh nợ nần, cô gái mang hai dòng máu Scotland và Ireland bắt đầu làm nghề người mẫu cho các họa sĩ để kiếm tiền mưu sinh. Nesbit nhanh chóng trở nên đắt giá. Các họa sĩ đua nhau đặt hàng để được cô làm mẫu. Trong đó có họa sĩ Violet Oakley, người đã dùng hình ảnh của Nesbit làm người mẫu trên cửa sổ làm bằng kính màu ở các nhà thờ khắp Philadelphia.

Evelyn Nesbit.


Đến tháng 6/1900, gia đình Nesbit dọn đến thành phố New York để cô có môi trường theo đuổi sự nghiệp người mẫu. Hành trang duy nhất mà cô mang tới New York là sắc đẹp. Cô được một người tên là James Carroll Beckwith nhận bảo trợ, giới thiệu cho những họa sĩ lừng danh nhất Manhattan. Với vẻ đẹp trời phú, Nesbit không khó để vươn lên thành người mẫu đắt giá nhất New York. Bức tượng Innocence (Thơ ngây) của nhà điêu khắc George Grey Barnard tọa lạc trong Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan có nguyên mẫu là Evelyn Nesbit. Tác phẩm Women: The Eternal Question (Phụ nữ: Câu hỏi vĩnh cửu) của tác giả Charles Dana Gibson năm 1905 cũng do Nesbit làm mẫu.

Kiến trúc sư Standford White.


Không bao lâu sau, Nesbit trở thành người mẫu trang bìa của các tạp chí nổi tiếng như Vanity Fair, Harper’s Bazaar và Ladies’ Home Journal. Cô còn tham gia quảng cáo cho thuốc lá, lịch, đồ lưu niệm.

Giới phóng viên coi Nesbit như một người nổi tiếng cho dù lúc đó cô chưa kịp thể hiện một chút tài năng nào. Đối với họ, Nesbit như là một câu chuyện cổ tích giữa đời thực. Cô được coi là cô bé Lọ Lem, sau một đêm trở thành người mẫu diễm lệ. Hình ảnh của Nesbit khiến cho báo chí bán chạy tới mức không kịp in và sự nổi tiếng của cô khó ai có thể hình dung được.

Ngắm Evelyn Nesbit, cô gái sinh năm 1884 và được mệnh danh là siêu mẫu đầu tiên của thế giới, có lẽ những Cindy Crawford hay Naomi Campbell của thế giới hiện đại cũng phải khiêm nhường.

Một năm sau khi dọn đến New York, Nesbit đã lấn sân sang nghề biểu diễn. Cô được phân một vai trong vở nhạc kịch Florodora nổi tiếng của sân khấu Broadway. Cũng thành công không kém khi làm người mẫu, Nesbit nhận được một vai có lời thoại trong vở The Wild Rose (Bông hồng dại) và bắt đầu được nhiều người chú ý.

Giống như cô đào Marilyn Monroe cuối thế kỷ 20, Nesbit là biểu tượng của thời đại mà cô sống, là sản phẩm của sự tham lam vô độ của công chúng - những người luôn đói khát những chuyện phù du, bê bối.

Với danh tiếng đó, Nesbit trở thành người nuôi sống cả gia đình. Mẹ cô, vốn là một thợ may, đã không còn nghĩ đến chuyện lặn lội đi xin việc như lúc mới đặt chân đến New York. Thay vào đó, bà chỉ cần sống bằng tiền mà con gái kiếm.

Paula Uruburu, tác giả viết cuốn tiểu sử về Nesbit nói: “Trong thập kỷ dữ dội đầu tiên của thế kỷ 20, Evelyn Nesbit là cô gái trong mơ của nước Mỹ, người mà khuôn mặt là gia tài, cuộc sống là tấm gương phản ánh không khí táo bạo, gấp gáp và say mê của kỷ nguyên đó. Nesbit phản ánh mọi điều mâu thuẫn của nước Mỹ thời đó. Bản thân cô mang hình ảnh trong sáng, đa cảm ủy mị của quá khứ, của thế kỷ 19, nhưng nụ cười mê hoặc của cô lại là hiện thân của một vẻ mới lạ của kỷ nguyên mới.

Cuộc sống ái tình

Lúc Nesbit sống trong sắc đẹp và danh tiếng, Standford White, một kiến trúc sư và là người có vai vế ở New York bắt đầu theo đuổi cô cho dù lúc đó ông đã 52 tuổi, tức gần gấp ba tuổi của cô. Ông White là kiến trúc sư đắt giá của công ty McKim, Mead và White - công ty đã thay da đổi thịt cho thành phố New York với những tòa nhà, kiến trúc, công trình tráng lệ.

Nesbit và chồng.

Ban đầu, mối quan hệ của White và Nesbit chỉ như chú cháu. Sau khi xem Nesbit biểu diễn trong vở kịch Florodora, ông White trở thành người hảo tâm, giúp đỡ Nesbit cũng như cả mẹ và em trai cô. Ông là người sẵn sàng quỳ gối, tay run run, hôn gấu chiếc kimono 3.000 USD mà ông mua cho Nesbit cùng vô số món quà đắt tiền khác, trong đó có một căn hộ sang trọng. Cũng chính ông là người đưa Nesbit vào thế giới thượng lưu của New York.

Thế nhưng, lòng tốt không phải là thứ cho không biếu không. Một lần, sau khi thuyết phục mẹ của Nesbit đi thăm bạn bè, họ hàng ở Pittsburgh, ông ta đã đánh thuốc mê và cưỡng hiếp Nesbit. Từ đó, cô gái 16 tuổi trở thành tình nhân của ông White trong gần một năm. Mối quan hệ của họ chấm dứt khi Nesbit đi học ở một trường nữ sinh tại New Jersey khi cô 17 tuổi.

Thế rồi, Nesbit gặp Harry Thaw, con trai của một triệu phú ở Pittsburgh và là người thừa kế một phần trong gia sản 40 triệu USD của gia đình. Thaw vốn là người ghen ghét với địa vị xã hội của Standford White ở New York từ lâu. Anh ta bắt đầu theo đuổi Nesbit, lúc đầu còn ẩn danh khi gửi hoa, quà cho cô. Về sau, Thaw công khai bày tỏ tình cảm nhưng bị cô khước từ.

Cơ hội vàng của Thaw xuất hiện khi Nesbit bị đau ruột thừa ở trường học. Chính Thaw đã đưa bác sĩ tới tận trường cô để phẫu thuật khẩn cho người trong mộng. Từ đó, Thaw đã tìm được lối vào cuộc sống của Nesbit. Anh đã đưa cả Nesbit và mẹ đi du lịch nghỉ dưỡng ở châu Âu.

Với Thaw, Nesbit nhận ra rằng cô có cơ hội sống trong một cuộc hôn nhân được tôn trọng. Cô vốn chỉ có sắc đẹp mà không có địa vị xã hội và bị ám ảnh bởi quá khứ làm tình nhân của ông White. Trong khi đó, Thaw lại theo đuổi cô không mệt mỏi, giàu có và đã cầu hôn cô hồi tháng 4/1905. Dù vậy, cô vẫn khước từ lời cầu hôn của Thaw trong gần hai năm sau khi chấm dứt quan hệ với ông White. Về sau, nghe lời mẹ, Nesbit đã đồng ý trở thành vợ của Thaw.

Một năm sau, ngày 25/6/1906, Thaw dẫn vợ đi xem vở kịch Mamzelle Champagne ở nhà hát tại tòa nhà Madison Square Garden. Vốn bị ám ảnh với White, người mà Thaw coi là đối thủ trong xã hội và là người đã làm hoen ố vợ mình, nên khi gặp ông ta tại nhà hát, Thaw đã rút súng bắn chết ông White bằng ba viên đạn trước sự kinh hãi của hàng trăm người, trong đó có Nesbit. Hành động của Thaw được cho là do ảnh hưởng của thói nghiện cocain. Chính điều này khiến anh ta thỉnh thoảng lên cơn điên dại và trút giận vào phụ nữ, trong đó có Nesbit.

Nesbit đã vướng vào vụ bê bối này khi phải làm nhân chứng trong phiên xét xử kéo dài ba tháng chấn động nước Mỹ. Thaw không bị kết tội giết người với lý do anh ta bị tâm thần. Anh ta bị đưa vào bệnh viện dành cho người điên phạm tội hình sự suốt 8 năm trời.

Thế nhưng, công chúng Mỹ lại coi Thaw như một anh hùng diệt trừ kẻ ác, đặc biệt là khi ngày càng có nhiều thông tin cho thấy Standford White đã quyến rũ hàng loạt cô gái trong cuộc đời ông ta. Gia đình Thaw cũng dành cả gia sản để thuê luật sư bảo vệ Thaw, khắc họa anh ta như một người cần được thông cảm. Gia đình Thaw còn chi tiền làm hẳn một bộ phim trong đó ca ngợi hành động của Thaw là bảo vệ cho phụ nữ Mỹ.

Trong thời gian chồng bị giam, Nesbit quay trở lại sân khấu và sinh hạ một con trai. Bộ phim đầu tay của cô là Threads of Destiny (Sợi dây định mệnh) năm 1914. Cô cũng viết hai cuốn hồi ký. Cuộc đời của Nesbit được đạo diễn Joan Collins khắc họa trên màn ảnh trong bộ phim “The Girl in the Red Velvet Swing” (Cô gái trên xích đu nhung đỏ) năm 1955. Đích thân Nesbit đã giám sát quá trình sản xuất bộ phim để đảm bảo tính chính xác.

Thùy Dương