04:08 26/04/2012

Chuyện cây cầu cổng vàng: Kỳ cuối: Kỳ tích xây cầu

Kế hoạch ban đầu của Joseph Strauss từ năm 1921, xây dựng một chiếc cầu nặng nề với những kỹ thuật của thế kỷ 19 giờ đây đã phải nhường chỗ cho một thiết kế cầu treo thanh lịch.

Kế hoạch ban đầu của Joseph Strauss từ năm 1921, xây dựng một chiếc cầu nặng nề với những kỹ thuật của thế kỷ 19 giờ đây đã phải nhường chỗ cho một thiết kế cầu treo thanh lịch. Đề án thiết kế mới do một nhóm các nhà thiết kế cầu, kiến trúc sư và các nhà khoa học xuất sắc soạn thảo, mà công đầu thuộc về giáo sư Charles Alton Ellis.

Chỉ dùng compa, thước kẻ và máy tính cơ học, nhà khoa học đã lập ra mọi tính toán để xây dựng cây cầu. Những bản viết tay của ông chất đầy hơn 10 tập hồ sơ.
Quá trình xây dựng cây cầu cũng gặp rất nhiều khó khăn, trắc trở.


Công nhân xây dựng cầu Cổng Vàng tháng 10/1935.


Chiếc trụ cột phía nam phải được định vị ở độ sâu 33 mét. Riêng giàn giáo cho việc xây dựng này đã hai lần bị phá hủy. Một lần, một chiếc tàu chở hàng đã đâm phải nó trong sương mù, lần khác nó bị một trận bão dữ dội phá tan thành từng mảnh. Thêm vào đó là thủy triều mạnh trong eo biển. Công việc làm ngầm dưới nước chỉ thực hiện được vào thời điểm thay đổi thủy triều, mỗi ngày bốn lần, mỗi lần khoảng 20 phút.

Nhằm xây dựng được một cột móng vững chắc trên đáy biển có nhiều bùn, người ta phải dìm một khoang thép khổng lồ, phía dưới để trống xuống tận đáy biển, dùng áp lực cân đối để ngăn không cho nước vào. Những người làm việc trên công trường dưới nước phải vật lộn với áp lực không khí gia tăng. Nếu người ta đưa họ lên mặt biển quá sớm, họ có thể bị khó thở, chảy máu, bất tỉnh hoặc bị liệt.

Có một lần, một trận sóng mạnh đã làm cho khoang thép đó đung đưa qua lại như một chiếc nút bấc. Nhưng cuối cùng, con người đã chiến thắng thiên nhiên: Trước Giáng sinh năm 1934, chiếc móng cho hai chiếc tháp cao 227 mét đã hoàn tất. Giờ đây, người ta có thể nhanh chóng xây dựng lên cao.

Lưới bảo hiểm được chăng dưới cây cầu trong quá trình thi công.


Mặc dù khi đó, những người xây cầu thường tính tỉ lệ người chết khi xây dựng cầu tương ứng với số triệu USD đầu tư xây dựng. Nhưng cho tới khi công việc xây dựng cầu gần kết thúc thì mới có một người chết. Ngay cả trận động đất dữ dội vào tháng 6/1934, làm cho chiếc tháp phía bắc lắc đi, lắc lại với biên độ tới gần 9 mét cũng không thể làm hại tới các công nhân xây dựng.

Khi đó, một kỹ sư đã mô tả tính đàn hồi rất cao của công trình xây dựng này: "Chiếc cầu như một sinh vật sống, biết thở". Mặc dù khi gió mạnh quá thì những người thợ thủ công thường phải trợ giúp nhau. Nhưng cho tới khi đó không có một tai nạn nào lớn là nhờ những biện pháp an toàn của Joseph Strauss.

Khi đó, vị tổng công trình sư này bắt buộc mọi người tới làm việc ở công trường phải đội mũ bảo hiểm. Đó là một điều hoàn toàn mới và ông cho chăng một tấm lưới khổng lồ dưới toàn bộ cây cầu. Trong 4 năm xây dựng, có 19 người bị rơi xuống lưới và thoát chết. Sau đó, họ cùng nhau lập ra "Câu lạc bộ nửa đường tới địa ngục".

Tới ngày 17/2/1937, chỉ hai tháng trước khi cây cầu hoàn tất, một điều bất hạnh đã xảy ra: Một giàn giáo nặng 5 tấn gần tháp phía bắc bị đổ, rơi vào chiếc lưới và chìm nhanh xuống biển làm cho 10 công nhân xây dựng bị chết.

200.000 người đã tới nhảy múa, ăn mừng trên cầu Cổng Vàng trong ngày khai trương.


Chỉ có một công nhân tên là Slim Lambert, khi đó 26 tuổi, đã thoát chết khi rơi xuống biển. Một chiếc tàu đã vớt được anh bị thương nặng lên khỏi dòng nước. Nhưng anh bị gãy xương rất nhiều chỗ, nên phải khó khăn lắm, các bác sĩ mới chữa trị được. Khi Lambert được phép rời khỏi bệnh viện, người anh thấp hơn trước đó 4 cm và khi đó, cây cầu Cổng Vàng cũng hoàn tất.

Chiếc cầu dài 2,7 km, sơn màu da cam, đứng oai nghiêm trên eo biển, lộng lẫy, trông nhẹ nhàng như không trọng lượng, mặc dù gần 1 triệu tấn thép và bê tông được sử dụng để xây dựng cây cầu. Raymond Cartier, một nhà văn Pháp khi đó đã mô tả sự quyến rũ có một không hai của cây cầu rằng "nó chỉ như một đường thẳng, gần như là trừu tượng". Lễ khai trương cây cầu đã trở thành một màn trình diễn ngoạn mục.

Ngày 27/5/1937 là một ngày thứ năm, trẻ em ở vùng xung quanh San Francisco được nghỉ học, các công sở và văn phòng thì đóng cửa. Đúng 6 giờ sáng, chiếc còi báo sương mù hú lên để báo hiệu khai trương cây cầu. Khoảng 200.000 người đã chạy, nhảy múa, trượt patanh trên cầu Cổng Vàng.

Hàng trăm máy bay bay theo đội hình phía trên cây cầu. Hạm đội Mỹ, trong đó có nhiều tàu sân bay, đi lại ngang dọc trong vịnh. Một cuộc diễu hành và một màn pháo hoa lớn đã tạo nên đỉnh cao của lễ khai trương. Chỉ có một người không có tâm trạng nào để ăn mừng nữa: Đó chính là tổng công trình sư Joseph Strauss, ông đã kiệt lực vì công trình này. Ông tổng kết: "Phải cần tới 20 năm và 200 triệu lời nói mới thuyết phục được mọi người về tính khả thi của cây cầu, nhưng chỉ cần hơn 4 năm và 35 triệu USD là có thể xây dựng được cây cầu này bằng thép và bê tông".

Strauss khi đó 67 tuổi, ông tỏ ra yếu đuối, mệt mỏi, mắt ông thâm quầng, khi ông bàn giao cây cầu cho ông chủ tịch quận trong ngày khai trương. Lúng túng giữa vô số các hoa hậu của bang California được trang điểm đầy hoa, bàn tay ông run lên, giọng ông rất khó nghe, khi ông, một người đàn ông nhỏ bé, chỉ cao có 1,57 mét cất lên giọng nói.

Vị tổng công trình sư vốn hoạt ngôn này, giờ đây rất khiêm tốn, chỉ nói một câu: "Cây cầu này không cần lời khen, tự nó nói lên tất cả".

Một năm sau, vị tổng công trình sư xây dựng cầu Cổng Vàng bị đột qụy và qua đời.

Vũ Long (Tổng hợp từ báo chí Đức)