09:12 14/09/2018

Chuyện cấm ăn thịt chó

Giống như ở Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á khác, thịt chó là món ăn khoái khẩu tại Hàn Quốc. Thế nhưng thật bất ngờ khi những năm gần đây, người Hàn Quốc cũng dần “quay lưng” với món ăn  này.

Chính quyền thành phố Seoul mới đây cho biết, có tới gần 40% số nhà hàng thịt chó đã phải đóng cửa trong hơn 10 năm qua. Nhiều nhà hàng thịt chó trước đây hoặc phải đóng cửa, đổi tên hoặc phải thay đổi thực đơn. Chợ Gyeongdong ở Seoul, nơi từng nổi tiếng với nhiều nhà hàng thịt chó, chỉ còn lại 5 nhà hàng bán món ăn này vào năm 2017. Chợ thịt chó Moran lớn nhất Hàn Quốc ở thành phố Seongnam (tỉnh Gyeonggi) cũng đã bị đóng cửa trước thềm Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang  đầu năm nay.

Chú thích ảnh
Chó được bán làm thịt tại một khu chợ ở Hàn Quốc. Ảnh: The Dodo

Các kết quả thăm dò dư luận cho thấy sự thay đổi trong văn hóa ẩm thực này tại Hàn Quốc là do có sự chuyển hướng trong khẩu vị của thế hệ trẻ. Phần lớn thanh thiếu niên Hàn Quốc hiện nay không còn muốn ăn thịt chó vì cho rằng không văn minh và thiếu nhân đạo với một loài thú cưng trong gia đình. Theo nhóm vận động bảo vệ động vật quốc tế mang tên "Cơ hội cuối cho động vật", có tới 81,2% trong tổng số 1.000 người Hàn Quốc được hỏi cho biết đã không ăn thịt chó trong năm 2017; 40,5% số người được hỏi cũng cho biết không bao giờ thử ăn thịt chó và 24,8% nói họ từng ăn món này song hiện không ăn nữa.

Xu hướng thay đổi nhận thức về quyền của động vật cũng đã thay đổi khá mạnh mẽ tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác có truyền thống ăn thịt chó. Tại Mexico, thói quen ăn thịt chó từng phổ biến trước đây, nay chỉ còn tồn tại chủ yếu ở những vùng nông thôn nghèo. Tại Thụy Sĩ, thịt chó là món ăn truyền thống của nông dân một số bang. Nhưng nước này chỉ coi việc ăn thịt chó là hợp pháp nếu như việc giết mổ con vật được thực hiện theo cách nhân đạo, trong khi hoạt động mua bán thịt chó là bất hợp pháp.

Ở châu Á, Đài Loan đã trở thành vùng lãnh thổ đầu tiên cấm tiêu thụ thịt chó mèo khi người dân trên khắp hòn đảo bắt đầu thay đổi thái độ với thói quen này. Luật Bảo vệ Động vật sửa đổi của Đài Loan quy định phạt tới 250.000 Đài tệ (khoảng 186 triệu đồng) với mỗi hành động ăn thịt chó hoặc mèo. Ngoài ra, các hình phạt đối với hành động tàn nhẫn hoặc giết mổ chó mèo  được nâng lên đến hai năm tù và phạt tiền lên đến 2 triệu Đài tệ (gần 1,5 tỷ đồng).

Trước làn sóng kêu gọi cấm ăn thịt chó, Hạ viện Mỹ hôm 12/9 đã thông qua một dự luật nhằm cấm giết mổ chó mèo làm thực phẩm ở Mỹ. Hạ viện cũng đã ra nghị quyết không bắt buộc kêu gọi các nước khác chấm dứt việc buôn bán thịt chó và mèo, trong đó đề cập đến những nước như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Campuchia, Lào và Ấn Độ.

Tại Việt Nam, chó là loài vật gắn bó thân thiết với con người. Con chó trông giữ nhà cửa, gần gũi tình nghĩa với chủ. Nhưng một phần do đời sống khó khăn trước đây, phần do quan niệm thịt chó bổ dưỡng, người dân duy trì phổ biến thói quen ăn thịt chó, thậm chí cả vào những dịp lễ như hội họp, ngày giỗ hay đám cưới.

Chó mèo vốn là loài được nuôi nhỏ lẻ trong các gia đình. Nguồn thịt chó tại nước ta cũng là nguồn thu mua lẻ chủ yếu từ các vùng nông thôn, từ các nước láng giềng, chứ không phải từ nguồn chăn nuôi công nghiệp. Thói quen ăn thịt chó mèo vì thế đã dẫn đến vấn nạn bắt trộm chó, nhiều khi đưa đến những bi kịch và tranh cãi sau những vụ người trộm chó bị đánh chết. Theo luật Thú y, chó lại không thuộc đối tượng động vật được kiểm soát giết mổ, không có quy định cụ thể về kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm. Do đó, việc kiểm tra vệ sinh thú y, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ, kinh doanh thịt chó vẫn chưa đảm bảo.

Nếu như đề xuất cấm buôn bán, sử dụng thịt chó được đưa ra khoảng 10 năm trở về trước, đó có thể là tiếng nói khá lạc lõng. Nhưng những năm trở lại đây, nhiều người dân đã thay đổi nhận thức về việc ăn thịt những loài động vật được nuôi làm thú cưng trong nhà như chó mèo, về đối xử văn minh với các loài động vật. Vì thế việc thành phố Hà Nội ban hành văn bản về tăng cường công tác quản lý chăn nuôi, giết mổ, kinh soanh và sử dụng thịt chó, mèo, kêu gọi người dân nhận thức và từ bỏ thói quen ăn thịt chó mèo, là một động thái cần thiết nhằm phòng chống bệnh dịch, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, xây dựng một thủ đô hiện đại văn minh.

“Cấm ăn thịt chó” lập tức trở thành một đề tài nóng trong câu chuyện của cánh đàn ông hay trên khắp các diễn đàn mạng. Nhưng không thể nói cấm là cấm được ngay, đặc biệt là với những hành vi, thói quen đã trở thành một phần của văn hóa ẩm thực như ăn thịt chó. Cấm kinh doanh và sử dụng thịt chó phải bắt đầu từ việc tuyên truyền để người dân tự nhận thức được, dẫn đến tự nguyện hạn chế và từ bỏ. Khi đó, các biện pháp, quy định cấm mới tạo được sự đồng thuận cao trong dư luận xã hội và đạt được hiệu lực thi hành cao.

Thu Hằng