04:09 13/04/2011

“Chuyển biến mạnh mẽ từ chính quyền đến nông dân”

Đó là khẳng định của TS Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) khi đánh giá kết quả 1 năm triển khai dạy nghề cho nông dân theo Quyết định 1956 của Chính phủ.

Đó là khẳng định của TS Nguyễn Tiến Dũng (ảnh), Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) khi đánh giá kết quả 1 năm triển khai dạy nghề cho nông dân theo Quyết định 1956 của Chính phủ. Trong giai đoạn tới, để phát huy hiệu quả đề án này, theo ông Dũng, cần thực hiện đồng bộ đề án này với việc triển khai xây dựng nông thôn mới.

Thưa Tổng cục trưởng, ông đánh giá thế nào về kết quả sau 1 năm thí điểm triển khai Quyết định 1956?

Người lao động xã Vĩnh An ( huyện Vĩnh Bảo) học nghề khâu bóng. Ảnh: Hữu Việt - TTXVN

Mục tiêu của đề án là người lao động nông thôn sau khi được đào tạo phải làm được, làm đúng nghề đó và phải hiệu quả. Sau 1 năm, chúng tôi thấy chuyển biến rõ nhất là sự vào cuộc mạnh mẽ trong nhận thức từ các cấp chính quyền đến người nông dân. Chưa có một chương trình dạy nghề cho nông dân nào mà được các cấp chính quyền vào cuộc mạnh mẽ như đề án này. Hầu hết các tỉnh đều có chỉ thị của Tỉnh ủy, Thành ủy về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Người nông dân cũng rất hưởng ứng. Họ nhận thức được sự cần thiết của việc học nghề.

Một số mô hình làm nông nghiệp chuyên canh như trồng cây cao su, thuốc lá… đang đạt được những kết quả rất tốt. Mô hình dạy nghề ở những làng nghề truyền thống cũng vậy. Việc dạy nghề giúp tăng cường bổ sung nhân lực, động viên lao động trẻ gắn bó với làng nghề, đây là lực lượng sau này sẽ phát triển làng nghề.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là việc khó. Qua thí điểm, chúng tôi khẳng định là làm được, nhưng phải thận trọng.

Mục tiêu của đề án là đến năm 2015, tỷ lệ nông dân học nghề xong, có việc sẽ đạt 80%. Ông có nói đây là một mục tiêu đầy thách thức. Tại sao?

Đề án này xác định rất rõ mục tiêu là phải chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn. Không những đào tạo cho nông dân làm nông nghiệp mà còn làm dịch vụ, làm công nghiệp…

Trước kia, trong chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, chúng ta cũng đã đào tạo cho nông dân nhưng chưa đặt ra trách nhiệm, nhiệm vụ cũng như dồn lực để giải quyết cho số lượng cụ thể nông dân phải có việc làm như đề án này. Thành công nhất của giai đoạn đó là tạo phong trào học nghề cho nông dân, đồng thời, rút kinh nghiệm để thiết kế và triển khai Đề án 1956.

Hiện nay, có cái khó là nhiều xã chưa có kế hoạch phát triển sản xuất, chưa có quy hoạch. Doanh nghiệp cũng chưa kết nối được với địa phương. Thậm chí, ở những xã nông thôn mới, có xã còn chưa xây dựng xong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương mình. Theo tôi, đấy là thách thức cơ bản. Còn những nơi nào làm được đồng bộ thì rất thuận lợi.

Có thực tế là ở một số xã, sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền chưa tốt. Vậy thì trong năm 2011, Tổng Cục sẽ làm gì để việc tuyên truyền về đề án, thực hiện đề án được hiệu quả hơn?

Hiện nay, Tổng cục Dạy nghề đang rút kinh nghiệm 1 năm làm thí điểm. Chúng tôi đang chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện các mô hình này. Điều quan trọng là sau khi đã tìm được mô hình, phải tìm cách nhân rộng các mô hình. Chúng tôi cũng đang triển khai mỗi tỉnh có một lớp thí điểm như cách thức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Từng tỉnh điểm, huyện điểm, xã điểm của từng khu vực chính là mô hình để các địa phương khác tham quan, học tập. Đồng thời, phổ biến các thành công từ những mô hình thí điểm đó cho họ trao đổi và học tập lẫn nhau. Về công tác tuyên truyền, chúng tôi đang tổ chức tập huấn cho các cán bộ cơ sở để việc tuyên truyền bài bản hơn.

Áp lực đối với quá trình thực hiện Đề án 1956 chính là phải giải quyết đồng bộ với các nhiệm vụ khác, các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới. Nếu việc dạy nghề cho nông dân bám theo việc thực hiện 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, chính là phối hợp nguồn lực các dự án, các chương trình với nhau thì sẽ hiệu quả.

Do đó, hiện nay, chúng tôi cũng đã hướng dẫn các địa phương thực hiện đề án phải bám sát với việc thực hiện xây dựng nông thôn mới. Các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới… sẽ được ưu tiên. Chúng ta sẽ mang công nghệ, mô hình làm ở xã nông thôn mới đưa tới những vùng khó khăn đó để phổ biến cho địa phương, để địa phương triển khai nhân rộng. Làm như thế, chúng ta sẽ vừa giải quyết vấn đề số lượng, vừa lo được vấn đề chất lượng trong việc thực hiện dạy nghề cho nông dân với mục tiêu đào tạo 1 triệu lao động nông thôn/năm như đề án đã đặt ra.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mạnh Minh thực hiện