04:09 25/04/2011

Chương trình nhà ở cho vùng bão lũ – Tại sao không!

Mùa mưa bão lại đến! Trong muôn vàn nỗi lo thì có một nỗi lo của đồng bào cả nước hướng về miền Trung. Những năm gần đây, hầu như không năm nào miền Trung không xảy ra bão lụt; có năm bão lớn xảy ra liên tiếp, lũ chồng lên lũ.

1. Mùa mưa bão lại đến! Trong muôn vàn nỗi lo thì có một nỗi lo của đồng bào cả nước hướng về miền Trung. Những năm gần đây, hầu như không năm nào miền Trung không xảy ra bão lụt; có năm bão lớn xảy ra liên tiếp, lũ chồng lên lũ. Đồng bằng sông Cửu Long năm nào cũng có lũ; nhưng khác với cái lũ do nước về ở đồng bằng sông Cửu Long, lũ lụt ở miền Trung là từ trên trời giáng xuống, từ núi cao dốc về và thường đi liền với bão nên có sức tàn phá ghê gớm. Bão đánh sập nhà cửa, cây cối; lũ cuốn phăng gia súc, hoa màu, tài sản và cả con người… Có năm, số người chết lên đến hàng trăm. Miền Trung khắc nghiệt, cuộc sống của người dân vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn sau thiên tai.

2. Nhằm góp sức giúp đồng bào miền Trung nói riêng và đồng bào nông thôn vùng bão lũ nói chung giảm bớt tổn thất do thiên tai, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã phát động cuộc thi “Kiến trúc nhà ở nông thôn vùng bão lũ, ngập lụt”. Từ 18/10/2010 đến 15/3/2011, Ban tổ chức đã nhận được 88 phương án dự thi của nhiều tổ chức, cá nhân và đã chọn được 25 phương án để trao giải, trong đó có 3 giải nhất. Phát biểu tại cuộc họp báo trước lễ trao giải ngày 22/4 vừa qua, Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn đánh giá cao về tính khả thi của các phương án nhưng cũng không khỏi băn khoăn. Bởi, ngoài cơ sở khoa học, tính hiệu quả của các phương án thì vấn đề quan trọng, đầu tiên để đưa các mô hình nhà ở này vào cuộc sống là: Tiền đâu?

3. Việc tổ chức cuộc thi là tấm lòng, là tâm huyết, cũng là trách nhiệm của Hội và các kiến trúc sư đối với đồng bào vùng thường xuyên bão lũ; nhưng nếu không có tiền để xây dụng thì các phương án dù có hay, có tốt đến bao nhiêu cũng mãi mãi chỉ nằm trên giấy. Bởi, như lời Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, cuộc thi này hướng đến những người nghèo; bởi những người có thu nhập cao hơn, tự xây dựng được những ngôi nhà 2 tầng kiên cố trở lên thì bản thân ngôi nhà đó đã đủ sức chống chọi với bão lũ rồi. Nhưng, đã là hộ nghèo, lại bị bão lũ tàn phá liên miên thì đến việc dựng lại túp nhà trú mưa tránh nắng sau mỗi trận bão lụt đã khó, thì hỏi họ lấy đâu ra tiền để xây dựng ngôi nhà đủ sức chống chọi với bão lũ.

4. Cũng bởi vậy, ông Nguyễn Tấn Vạn cho rằng, để biến những ngôi nhà mơ ước này thành hiện thực, phải trông chờ vào sự hảo tâm, vào việc làm từ thiện của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Đó là điều rất cần thiết nhưng nếu chỉ trông chờ vào sự hảo tâm, việc từ thiện thì không biết đến bao giờ mới có đủ nhà chống bão lũ cho bà con vùng ngập lụt…

5. Bởi vậy, để biến những phương án, tâm huyết của các kiến trúc sư thành những ngôi nhà giúp bà con vùng bão lũ chống chọi với thiên tai, bảo vệ tính mạng, tài sản, giúp đồng bào vượt qua bão lũ và nhanh chóng ổn định cuộc sống, sản xuất, rất cần nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước dưới nhiều hình thức: Trợ giúp, cho vay ưu đãi... Chúng ta đã có chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long thì có lẽ cũng cần có một chương trình nhà ở cho vùng bão lũ, trong đó trọng điểm là khu vực miền Trung.

Tuệ Duyên