09:20 30/09/2020

Chương trình lớp 1 nặng và lạm thu trở thành chủ đề nóng đầu năm học    

Chiều 30/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức buổi họp báo định kỳ quý III/2020. Tại đây, nhiều vấn đề nóng đầu năm học mới như chương trình lớp 1 nặng, lạm thu,… được đặt ra.  

Số tiết học tăng, chương trình đã tinh giản      

Trước việc nhiều phụ huynh, giáo viên chia sẻ trên mạng xã hội về sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 "nặng" hơn so với chương trình cũ, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Bộ chưa nhận được bất kỳ phản ánh chính thức nào từ giáo viên, cơ sửo giáo dục, nhà khoa học về vấn đề này.     

Chú thích ảnh
Nhiều vấn đề nóng nhân đầu năm học mới được đặt ra với Bộ GD&ĐT

 TS Thái Văn Tài cho biết: Bộ GD&ĐT triển khai chương trình có quy định chuẩn đầu ra, quy định khung thời lượng trong 1 năm học. Với quy định chuẩn đầu ra khi kết thúc năm học, có thể ví dụ, môn Tiếng Việt yêu cầu học sinh đọc được 1 phút bao nhiêu từ. Khung thời lượng chương trình học được thiết kế bằng những thời lượng khác nhau. "Để ban hành được khung này, chúng tôi đã tổ chức nhiều công đoạn, lấy ý kiến và Hội đồng quốc gia để công bố. Chương trình đã được thẩm định Hội đồng quốc gia với quy trình làm việc chặt chẽ. Vì vậy, với ý kiến của phụ huynh, giáo viên chia sẻ ở mạng xã hội là chưa có căn cứ để nhận định"- TS Thái Văn Tài nêu quan điểm.      

Đồng thời, TS Thái Văn Tài khẳng định: Sau quá trình Bộ GD&ĐT kiểm tra, tiếp xúc với giáo viên, phụ huynh thì mới có quy định trong Điều lệ trường tiểu học mới. Đó là, đánh giá đựa trên tính linh hoạt, chuyên môn của giáo viên, nhà trường có hành lang pháp lý đầy đủ để giáo viên triển khai. Sách giáo khoa là đường hướng cho giáo viên. Trước đó, giáo viên phải phân tích chương trình, kế hoạch dạy học môn học để triển khai kế hoạch giảng dạy. Trong khi đó kế hoạch phải dựa trên nhiều yếu tố như: Đối tượng học sinh của mình, đối tượng từng em trong lớp để thiết kế lộ trình dạy học phù hợp.     Ví dụ, môn tiếng Việt đã được điều chỉnh về thời lượng. Số tiết học tiếng Việt chương trình mới nhiều hơn so với chương trình cũ. Nhưng lượng kiến thức trong đó có phần tinh giản hơn so với chương trình cũ. Môn Toán đã giảm đi còn 70 tiết. Đây chính là mặt khoa học của chương trình mới.

Làm rõ vấn đề lạm thu trá hình      

Theo ông Trần Quang Nam, Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở ban ngành có liên quan phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về niêm yết, công khai thông tin về giá vật tư, thiết bị giáo dục, sách giáo khoa trên địa bàn bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định của Luật giá và các văn bản có liên quan. Đặc biệt, cần tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng lạm thu.    

“Để tăng cường quản lý, sử dụng sách tham khảo, Bộ GD&ĐT sẽ chỉnh sửa, bổ sung Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT theo hướng quy định cụ thể hơn về yêu cầu, thẩm định, lựa chọn, sử dụng sách tham khảo trong nhà trường. Đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng từng bước độc lập với dạy học để hạn chế việc giáo viên sử dụng sách tham khảo đưa vào đề kiểm tra. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc sử dụng sách giáo khoa, sách tham khảo”, ông Trần Quang Nam cho biết.      

Về vấn đề ban đại diện cha mẹ phụ huynh là hình thức trá hình của lạm thu và nên bỏ, PGS TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Theo quy định tại Thông tư 55 thì cần có Ban đại diện cha mẹ học sinh. Luật giáo dục 2019 cũng quy định có Ban đại diện cha mẹ học sinh. Điều này thể hiện nguyên lý giáo dục kết hợp gia đình, nhà trường, xã hội, thể hiện trách nhiệm giáo dục con cái với nhà trường.    

 PGS TS Nguyễn Xuân Thành chỉ ra tại điều 10, Thông tư 55 về Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh ghi về kinh phí là ủng hộ tài trợ, không bổ đầu thu bao nhiêu tiền mỗi người. Đặc biệt, tại khoản 4 điều 10 không được quyên góp để thu của học sinh, cha mẹ học sinh bất cứ khoản nào để phục vụ cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, nhà trường. Thu tiền mua một bó hoa tặng cô cũng là không đúng quy định theo Thông tư 55.      

Tại buổi họp báo, những vấn đề về phương án thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021 - 2025 cũng được đặt ra. Theo ông Trần Quang Nam, vào cuối tuần này Bộ sẽ có họp bàn cùng với lãnh đạo các Sở GD&ĐT, trường đại học về vấn đề này để đi đến quyết định chính thức.     

Lê Vân/ Báo Tin tức