05:08 15/05/2016

Chuồn chuồn cắn rốn

Con chuồn chuồn gắn liền với tuổi thơ của những đứa trẻ ở vùng thôn quê. Ngoài những buổi đến trường ra thì thời gian còn lại thường hay long nhong tụ năm, tụ bảy cùng nhau ra phía sau vườn hoặc trước ngõ nhà nơi có những khoảng đất trống để bày trò chơi. Trong những cuộc chơi ấy cũng có trò xúm nhau đi bắt chuồn chuồn.

Những buổi chiều nghiêng dài bóng nắng. Gió thổi về man mác một góc quê. Đám trẻ con thảnh thơi theo đám chuồn chuồn con xanh con đỏ đậu trên những sợi cỏ gà dọc bên đường. Chỉ có vậy thôi mà cũng thật rộn rã vui tươi sau một buổi chiều ở quê.

Câu nói “Bắt con chuồn chuồn cắn rốn thì sẽ mau biết bơi” không biết là của ai truyền lại. Vậy mà đám con nít luôn cho là thiệt. Bắt được con chuồn chuồn là nét mặt mừng tươi rói. Cứ cầm cái đuôi và đưa cái miệng của nó vào ngay cái rốn để cho nó cắn. Bị cắn đau, cứ nhíu mày nhăn mặt. Có đứa bị cắn còn kêu la inh ỏi vì nhát gan, vậy mà cũng cố để cho bị cắn. Vì cứ nghĩ rằng được con chuồn chuồn cắn rốn như vậy thì mình sẽ mau biết bơi khi tập lội.

Ảnh minh họa.

Nét bình dị yên ả của quê sẽ trở nên nhạt nhẽo nếu thiếu đi những cuộc vui, những trò hồn nhiên và những tiếng cười đùa trong trẻo của đám trẻ con. Cũng như con chuồn chuồn vậy, cứ thảnh thơi chao lượn bên những cái ao, bên những triền cỏ ven đường. Nếu một ngày vắng đi đám trẻ thì tụi nó cũng sẽ thấy cô đơn.

Quê hương đâu chỉ là chùm khế ngọt, là hàng dừa che mát con đường. Mà quê hương còn là những cánh chuồn chuồn nghiêng chao trong chiều nắng. Là những tiếng cười giòn đầy ắp hồn nhiên. Để mai này có lớn lên, có đi xa thì trong lòng vẫn mãi nhớ về.

Cũng như tôi cũng có một thời tuổi thơ như thế. Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, ngoài những giờ đi học ra, niềm vui là được cùng những đứa bạn trong xóm chơi những trò chơi quen thuộc mà tụi con nít hay chơi. Mà thích nhất là rủ nhau đi bắt chuồn chuồn, cho cắn rốn để mau biết bơi. Có lẽ từ quan niệm ấy mà những đứa trẻ ở quê đứa nào cũng muốn tập bơi và cũng đều biết bơi. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, đa phần cha mẹ của những đứa trẻ ở quê đều muốn con mình biết bơi. Nên những ngày đầu, cha hoặc mẹ đều theo dõi quan sát, vì sợ con hụt chân mà bị chìm.

Ở miền sông nước không biết bơi là nguy hiểm lắm. Chính vì vậy mà được đi bơi và phải biết bơi cũng chẳng khác gì việc phải đi học và phải biết chữ.

Và một điều cũng thật lạ, khi đã biết bơi rồi thì chẳng đứa nào nghĩ đến chuyện phải cảm ơn cha mẹ của mình. Mà cứ thầm cho rằng, nhờ dám gan cho con chuồn chuồn cắn vào lỗ rốn nên mình mới biết bơi được như vậy.

Thế là đã có biết bao cuộc vui và những buổi chiều quẫy nước trắng sông của bọn con nít. Dòng sông quê cũng bao lần vui nhộn hẳn lên vì những tiếng cười đùa inh ỏi, và khoảnh khắc ấy sống chẳng bao giờ muốn quên. Và với tôi, tôi cũng chẳng muốn quên.

Ngày nay, những đứa trẻ mỗi khi tập bơi thì thường có sẵn áo phao để bơi, hoặc được cha mẹ đưa đến hồ bơi để bơi. Có thể nói, khi kinh tế đất nước và xã hội phát triển thì mọi thứ cũng đi theo một chiều hướng thuận lợi. Và việc dạy bơi cho con trẻ cũng vậy.

Tôi lại nhớ về cái thời khốn khó của mẹ cha và những thiếu thốn cái ăn cái mặc của tuổi thơ mình. Nhưng những cuộc vui và những trò trẻ con hồi ấy sao mà vẫn thấy thương và thấy nhớ mãi trong lòng.

Thời gian dẫu mãi trôi. Nhưng khi nhắc về ký ức tuổi thơ thì tôi vẫn còn nghe thấy trong tôi một góc trời còn đầy ắp những yêu thương.
Lê Văn Trường