08:16 15/08/2011

Chúng tôi không còn sợ những người có "H" như trước nữa

Tuy mới chỉ kết thúc giai đoạn I nhưng dự án "Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng về HIV/AIDS nhằm giảm sự lây lan, chống sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS’’ tại huyện Văn Bàn đã đã thay đổi nhận thức cho hơn 80% người dân về căn bệnh thế kỷ...

Tuy mới chỉ kết thúc giai đoạn I nhưng dự án "Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng về HIV/AIDS nhằm giảm sự lây lan, chống sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS’’ tại huyện Văn Bàn đã đã thay đổi nhận thức cho hơn 80% người dân về căn bệnh thế kỷ trong vùng dự án can thiệp và được đánh giá cao. Đây là dự án được sự tài trợ của Tổ chức Bánh Mỳ cho Thế giới - tổ chức phi chính phủ Đức (viết tắt BfdW) và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai triển khai từ năm 2009.

Ông Đàm Đình Doan, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Văn Bàn, cán bộ dự án khẳng định : "Dự án có ý nghĩa rất to lớn, tạo ra một môi trường sinh hoạt tích cực cho những người nhiễm HIV/AIDS, làm thay đổi diện mạo văn hóa, cách đối xử với những người lầm lỡ muốn hòa nhập xã hội, góp phần ngăn chặn và làm giảm tác động của HIV/AIDS tới các mặt kinh tế - xã hội tại địa phương". Từ thay đổi nhận thức đã dẫn đến hành vi được cải thiện. Giờ đây, khi đến Minh Lương và thị trấn Khánh Yên, khi được hỏi về các bệnh nhân có HIV, những người dân ở đây không còn lảng tránh hay dè bỉu như trước kia nữa, mà trái lại họ bày tỏ sự cảm thông: "Chúng tôi không còn thấy sợ những người có "H" như trước nữa vì biết HIV không dễ lây truyền như từng nghĩ".

Những năm gần đây, khi quốc lộ 279 đi qua một số xã của huyện Văn Bàn như Minh Lương, Dương Quỳ, Hòa Mạc và kể cả thị trấn huyện lỵ Khánh Yên..., kinh tế dần phát triển, giao lưu hàng hóa được mở rộng, tệ nạn đào đãi vàng khai thác khoáng sản, lâm sản, người dân đi làm ăn xa trở về đã dẫn theo nhiều tệ nạn xã hội, số người nghiện và người nhiễm HIV/AIDS tăng lên. Do hiểu biết về căn bệnh thế kỷ của người dân nói chung còn hạn chế nên những bệnh nhân HIV ở đây hoàn toàn bị cô lập và xa lánh. Dự án "Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng về HIV/AIDS nhằm giảm sự lây lan, chống sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS’’ được triển khai tại xã Minh Lương và thị trấn Khánh Yên, nơi có tỷ lệ người nghiện ma túy và nhiễm bệnh cao. Mục tiêu của dự án là nâng cao kiến thức về HIV cho cộng đồng nói chung và người bị nhiễm bệnh nói riêng biết nguyên nhân, tác hại từ đó biết cách phòng tránh, chữa trị tránh lây lan bệnh tật, đồng thời thay đổi thái độ, hành vi phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Theo ông Doan, Dự án khởi đầu với muôn vàn khó khăn bởi trước tiên là phải vận động người nhiễm HIV tham gia, nhưng do tình trạng sức khỏe và tâm lý không muốn công khai nên phải điều chỉnh đối tượng tham gia bao gồm cả bản thân người nhiễm và những người có nguy cơ cao (người thân của người bị nhiễm). Bà Nguyễn Thị Kim Nga, Tổ trưởng tổ dân phố số 6 (thị trấn Khánh Yên), cán bộ điều hành dự án chia sẻ: ‘Mới đầu chúng tôi từng bước tiếp cận, trò chuyện để hiểu được suy nghĩ tình cảm của người nghiện, rồi vận động bản thân họ đứng ra tuyên truyền cho những đối tượng khác, sau đó đánh giá kiến thức của người dân xung quanh vấn đề này thông qua lá phiếu của mọi người". "Mưa dầm thấm lâu", nhờ sự kiên trì của bà Nga cùng các cán bộ dự án, số người tham gia đông dần lên, các đồng đẳng viên hoạt động năng nổ, không còn e dè, ngại ngùng dư luận như khi mới bắt đầu. Các hoạt động gặp gỡ trao đổi giữa các đối tượng được thực hiện thường xuyên hơn. Dự án đã tổ chức tập huấn được 9 đợt với tổng số 27 lớp cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ các đơn vị phối hợp, các đối tượng là đồng đẳng viên và người dân; tổ chức 50 lượt tuyên truyền và truyền thông về tư vấn sức khỏe, cung cấp các thông tin, giới thiệu các văn phòng tư vấn, những địa chỉ tin cậy để khám và điều trị bệnh tại tổ, nhóm và địa bàn nơi dự án thực hiện... Ngoài ra chương trình cũng đã hỗ trợ kinh phí tổ chức tập huấn cho 40 hộ gia đình có người nhiễm HIV về kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ cho vay vốn để đầu tư và sản xuất, mua con giống vật nuôi, trang bị đẩy đủ bảo hộ lao động, thuốc men, phương tiện đi lại cho thành viên và đồng đẳng viên; tổ chức đi tham quan, học tập...

Sau hơn 2 năm (2009 - 2011), Dự án đã thu được những kết quả khả quan: hơn 80% hộ gia đình, 100% thôn bản nơi thực hiện dự án được cung cấp thông tin về HIV/AIDS; đội ngũ đồng đẳng viên dự án ngày càng vững vàng, tự tin với nhiệm vụ của mình; kiến thức về các vấn đề liên quan đến HIV/AIDS của người dân, đặc biệt là những người nhiễm HIV và người ảnh hưởng bởi HIV được nâng cao; sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng không còn là vấn đề đáng lo ngại như trước đây. Số người nhiễm HIV được tiếp cận với các dịch vụ xét nghiệm HIV tự nguyện và điều trị bằng ARV tăng từ 12% lên 60%, người nhiễm đã vượt qua nỗi lo sợ, sẵn sàng tham gia xét nghiệm; tỷ lệ người nhiễm so với các vùng không có dự án giảm đi nhiều; tỉ lệ tăng thấp (1,11% ).

Không chỉ tập trung vào vấn đề HIV, chương trình còn lồng ghép với vấn đề bình đẳng giới và bạo lực gia đình. Xác định nguyên nhân của các vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng, thường xuyên tái diễn là do người chồng, người cha nghiện ma túy, nghiện rượu, nghèo túng, tư tưởng lạc hậu, ít hiểu biết, thiếu kiến thức gây ra… mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, chính vì vậy tuyên truyền về bình đẳng giới, cung cấp kiến thức phòng chống bệnh tật, kiến thức về chăn nuôi sản xuất là mục tiêu dự án hướng tới. Qua thời gian thực hiện đã giảm tối thiểu lây nhiễm HIV tại gia đình, tăng số phụ nữ chủ động sử dụng bao cao su (từ 30% đến 75%), bạo lực gia đình giảm. Kết quả trên là tín hiệu vui cho những người tham gia dự án, nhà tài trợ và trực tiếp là bản thân người nhiễm.

Thành công bước đầu của dự án là cơ sở để Ban quản lý dự án và các nhà tài trợ đã quyết định tiếp tục thực hiện dự án tại huyện Văn Bàn giai đoạn II với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác truyền thông trong phòng chống HIV/AIDS. Tin rằng dự án giai đoạn II đạt hiệu quả cao hơn, thiết thực hơn góp phần ngăn ngừa những tác động của HIV/AIDS tới xã hội.

Hương Thu