07:17 11/07/2020

Chung tay vì các nạn nhân chất độc da cam

Bà Merle Ratner, Điều phối viên của tổ chức Vận động Cứu trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Hoa Kỳ, là một nhà hoạt động suốt nhiều năm đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Chú thích ảnh
Bà Merle Ratner với phóng viên TTXVN. Ảnh: TTXVN

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN  tại New York nhân dịp 25 năm Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ, bà Merle Ratner ghi nhận những thay đổi rõ rệt nhất trong quan hệ hai nước là trong lĩnh vực phát triển và trong mối quan hệ giữa con người với con người. Theo bà, từ chiến tranh đến cấm vận kinh tế rồi sau đó đến bình thường hóa quan hệ, giờ đây mối quan hệ song phương Hoa Kỳ - Việt Nam đã tốt đẹp hơn rất nhiều.

Bà Merle Ratner cho biết nhiều cựu chiến binh Hoa Kỳ đã trở lại Việt Nam, tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ và đấu tranh vì công lý cho những nạn nhân chất độc da cam, kể cả những cựu chiến binh phản chiến. Đã có hàng triệu người từ cả hai phía tham dự các chuyến thăm, các chương trình trao đổi giữa hai nước và trong đó, có rất nhiều các thanh thiếu niên Việt kiều.      

Giáo sư Ratner nhấn mạnh suốt những năm chiến tranh, rất nhiều người Hoa Kỳ đã yêu cầu chính quyền Washington hãy ngừng rải chất độc da cam lên mảnh đất Việt Nam, nhưng phải đến năm 2004,  Chương trình Vận động cứu trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam mới được thành lập tại Hoa Kỳ. Chương trình lúc đầu do Hội Cựu chiến binh vì Hòa bình khởi xướng và được rất nhiều cựu chiến binh và những người Hoa Kỳ phản chiến ủng hộ, kể cả giới chức sắc nhà thờ và các nhà hoạt động vì môi trường, và đến nay chương trình vẫn đang hoạt động.

Điều phối viên tổ chức Vận động Cứu trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Hoa Kỳ nêu rõ trong những năm qua, chương trình đã đạt được một số dấu mốc rất đáng nhớ. Đó là khi Hiệp hội Sức khỏe cộng đồng Hoa Kỳ thông qua nghị quyết yêu cầu chính quyền Hoa Kỳ và các công ty hóa chất nước này có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam, cũng như chăm sóc sức khỏe cho các cựu chiến binh Hoa Kỳ và thân nhân của họ. Nghị viện Hoa Kỳ đã phải mở phiên điều trần về chất độc da cam và sau đó đã có dự luật giải quyết bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam. 

Dấu mốc quan trọng là khi chính phủ hai nước bắt đầu chính thức bàn thảo về vấn đề chất độc da cam và đây là thành quả rất lớn trong suốt cuộc đấu tranh vì nạn nhân da cam, đồng thời cũng là thành công lớn trong cuộc đấu tranh đòi công lý từ phía Việt Nam. Chương trình Vận động cứu trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Hoa Kỳ vẫn đang nhận được rất nhiều sự ủng hộ, cổ vũ của các tổ chức, phong trào ở đây,

Theo bà Ratner, để tiến tới hợp tác sâu rộng và toàn diện hơn, các cơ quan, tổ chức của hai nước cần kết nối xây dựng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, nhất là cần phải gắn kết được thế hệ trẻ. Bà cũng nhận định Chính phủ Việt Nam đã rất thành công trong việc đẩy lùi đại dịch COVID-19 và có thể nói Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới làm được điều này.            

Hải Vân (TTXVN)