12:18 26/12/2019

Chung tay thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình

Ngày 26/12, tại Hà Nội, Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tiến hành sơ kết việc thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2019 nhằm rà soát quá trình thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành, tổng hợp thông tin, báo cáo từ các Bộ, ngành về kết quả thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình năm 2019, xây dựng kế hoạch thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2020.

Chú thích ảnh
Bà Trần Ánh Tuyết, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp, bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình cho biết: Với vai trò chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hàng năm đều có kế hoạch triển khai Quy chế tới các Bộ, ngành, địa phương và tổng hợp, báo cáo tiến độ thực hiện Quy chế trong năm.

Theo đó, sau một năm thực hiện việc phối hợp đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Kể từ khi Quy chế phối hợp liên ngành được ban hành, việc xây dựng ban hành các chính sách, tổ chức tuyên truyền, tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành cũng như phối hợp giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình đã thuận lợi hơn. 

Báo cáo của Vụ Gia đình cho biết: Năm 2019, các bộ, ban, ngành đã có những nỗ lực trong việc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, Bộ Công an tăng cường các hoạt động thực hiện kế hoạch hành động về phòng, chống bạo lực gia đình của ngành; tiếp tục chủ trì thực hiện mô hình "đội phản ứng nhanh" về phòng, chống bạo lực gia đình tại các địa phương.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức liên quan phát động chiến dịch truyền thông trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; triển khai mô hình phòng ngừa và trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình/bạo lực giới tại cộng đồng; lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình trong các hoạt động truyền thông về quyền trẻ em, giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình với trẻ em…

Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng bộ tài liệu "Hướng dẫn thực hiện giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình", tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh công tác giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong trường học năm 2019". Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục triển khai Đề án "Giảm thiểu bạo lực gia đình tại khu vực nông thôn Việt Nam", triển khai mô hình "Làm cha tích cực".

Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam triển khai các đề án, chương trình về phòng, chống bạo lực gia đình, tham gia các hoạt động hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình… Các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đã ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn và triển khai các hoạt động phối hợp tại địa phương.  

Bà Trần Tuyết Ánh cho rằng, để việc thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu quả, cần có sự chung tay của toàn xã hội, sự tham gia của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, đặc biệt là sự vào cuộc, chung tay của các cơ quan truyền thông, vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng nhằm thay đổi hành vi, ứng xử trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Các đại biểu dự hội nghị đã có những ý kiến đóng góp về phối hợp của đơn vị mình trong thời gian qua, những thuận lợi khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Quy chế, đồng thời đưa ra những ý kiến đóng góp hữu ích nhằm tăng cường hiệu quả của việc thực hiện Quy chế trong những năm tiếp theo.

Phương Lan (TTXVN)