11:10 01/11/2010

Chung tay lo cho vùng lũ

Những ngày qua, đi về các địa phương ở Nghệ An, hình ảnh thường thấy là từng đoàn xe cứu trợ chở đầy hàng đến với người dân.

Những ngày qua, đi về các địa phương ở Nghệ An, hình ảnh thường thấy là từng đoàn xe cứu trợ chở đầy hàng đến với người dân. Và không chỉ chở hàng, những chuyến xe này còn mang đầy tình cảm của người dân trên mọi miền Tổ quốc sẻ chia với những mất mát, đau thương của người dân vùng lũ lụt.

Ngay trong mưa lũ, nhiều vùng đang ngập lụt rất nguy hiểm cho việc đi lại, nhưng các hội viên Hội Chữ thập đỏ Nghệ An vẫn có mặt tại các địa phương đem hàng cứu trợ đến với người dân. Màu áo đỏ cùng cờ hồng thập tự quen thuộc của Hội Chữ thập đỏ đã trở nên quen thuộc với người dân vùng lũ. Cán bộ, phóng viên TTXVN, Đài PTTH Nghệ An và một số cơ quan báo chí khác không quản ngại khó khăn, dầm mình trong mưa để đến những nơi nguy hiểm nhất, kịp thời ghi lại những hình ảnh mưa lũ, có những tin, bài xúc động. Chính những hình ảnh và những tin, bài đó đã thôi thúc người dân các địa phương sẻ chia cơm áo, thể hiện tình cảm của mình với người dân vùng lũ và tiếp thêm sức mạnh để các đoàn cứu trợ vượt qua khó khăn đến với người dân đang chịu nhiều thiệt hại. Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt kiều và Công ty VABIS Lào đã ủng hộ người dân vùng lũ lụt Nghệ An 700 triệu đồng. Ông Nguyễn Công Hòa, Phó Giám đốc cùng đoàn cứu trợ của Công ty cổ phần xi măng Hoàng Mai, dù đã quá trưa, mệt mỏi, nhưng quyết không nghỉ để đưa tiền, hàng cứu trợ đến với người dân các xã Nghi Mỹ, Nghi Hưng (huyện Nghi Lộc).

Đến với người dân vùng lũ lụt, mỗi người có một cách khác nhau, nhưng đều có điểm chung, đó là tình cảm, sự sẻ chia. Từ trái tim và lương tâm của mình, ai cũng muốn có những hành động thiết thực giúp đỡ người dân. Thật cảm động khi biết vợ chồng anh Nguyễn Văn Luân, ở xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên, ngay trong mưa lũ vẫn tự mình nấu từng gói xôi mang đến cho các gia đình bị ngập lụt trong xóm. Lại có người tuy hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, nhưng cũng tự mình bắt xe từ Hà Nội vào Nghệ An chỉ để trao cho Ban cứu trợ của tỉnh mấy triệu đồng ủng hộ người dân vùng lũ lụt.

Trong những ngày qua, Ban cứu trợ, tiếp nhận của tỉnh đã làm việc hết mình, bất chấp thời gian, miễn sao tiếp nhận một cách chu đáo tiền, hàng cứu trợ và giới thiệu những địa chỉ cứu trợ cần thiết, đang quá khó khăn tại các địa phương. Ông Hồ Đức Phớc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp cảm ơn và bày tỏ tình cảm xúc động, biết ơn các tổ chức, cá nhân đã đến thăm hỏi, động viên và ủng hộ vật chất, tinh thần giúp người dân các vùng bị lũ lụt. Ông cũng cho biết, với trách nhiệm trước nhân dân vùng bị thiên tai, tỉnh Nghệ An sẽ nhanh chóng chuyển số tiền và hàng do các tổ chức, cá nhân ủng hộ, đến các gia đình bị thiệt hại, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng.

Đến vùng lũ lụt, mới thấy rõ những khó khăn và thiệt hại, mất mát mà người dân vùng lũ gánh chịu. Hiện người dân tại các vùng lũ lụt trong tỉnh Nghệ An rất cần sự trợ giúp về lương thực, quần áo, cây con giống để ổn định đời sống và sản xuất.

Ông Nguyễn Công Phú, xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, mong muốn nhanh chóng được hỗ trợ về giống ngô, lúa để tiếp tục sản xuất vụ đông. Ông cho biết, hiện nay nước đang bắt đầu rút dần, người dân đã có thể ra đồng để dọn vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị bước vào sản xuất cho kịp thời vụ. Em Nguyễn Thị Lan, học sinh trường THCS xã Nam Cường, huyện Nam Đàn lại mong muốn sách vở, đồ dùng học tập mà các tổ chức, cá nhân cứu trợ sớm đến được với cá nhân em và các học sinh khác trong xã. Em Lan cho biết, trận lũ lụt vừa qua làm cho sách vở, đồ dùng học tập của hàng trăm học sinh trên địa bàn xã bị nước lũ cuốn trôi; sau lũ, dù lấy lại được sách vở thì cũng không thể sử dụng lại. Đồ dùng học tập, sách vở không có nên khi đến trường, các em đang phải học chay.

Về lâu dài, người dân mong muốn các ngành chức năng ở Trung ương và địa phương hỗ trợ, giúp đỡ người dân thiết kế những mô hình nhà chống lũ thích hợp. Ông Nguyễn Tuấn Bình, xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên thì mong muốn đơn giản là Nhà nước hỗ trợ để mỗi xóm được trang bị sẵn từ 10 đến 15 chiếc thuyền cùng phao cứu sinh và phương tiện liên lạc để khi xảy ra sự cố nghiêm trọng về mưa lũ (trong điều kiện mất điện) vẫn có thể chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Nguyễn Văn Nhật