02:10 21/02/2015

Chung tay bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em gái

Nhận thức của hội viên phụ nữ, gia đình và cộng đồng về bình đẳng giới, quyền của phụ nữ, trẻ em, các vấn đề xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái đã có sự chuyển biến tích cực...

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-BCHTW của Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam khóa IX về một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái, nhận thức của hội viên phụ nữ, gia đình và cộng đồng về bình đẳng giới, quyền của phụ nữ, trẻ em, các vấn đề xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần cùng Đảng, Nhà nước và chính quyền các địa phương giải quyết cơ bản các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái.


Nhận thức về trẻ em, bình đẳng giới đã chuyển biến nhờ công tác tuyên truyền. Ảnh: Internet.


Nhân rộng các mô hình


Việc triển khai thực hiện Nghị quyết đã được các cấp Hội Phụ nữ chú ý lồng ghép trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, dự án có nội dung liên quan nhằm tăng nguồn lực, hỗ trợ thực hiện Nghị quyết. Từng nội dung vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em được triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức, nhiều cách, đa dạng, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Công tác tuyên truyền, giáo dục đi vào trọng tâm với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn. Nhận thức về vai trò, trách nhiệm của gia đình, cá nhân, cộng đồng, nhất là các cấp, các ngành được tăng cường. Phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là nhóm đối tượng có nguy cơ hoặc liên quan trực tiếp đến các vấn đề xã hội được quan tâm, tạo điều kiện.


Các địa phương đã xây dựng nhiều mô hình thu hút phụ nữ tham gia, góp phần giảm các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái; thực hiện tốt các tiêu chí của cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" và các chương trình phối hợp với các bộ, ngành liên quan. Nhiều mô hình được triển khai, nhân rộng hoặc xây dựng mới như câu lạc bộ "Cha mẹ nuôi dạy con tốt", "Người cha tốt của con", "Khi mẹ vắng nhà", "Nữ chủ nhà trọ", "Gia đình phòng chống tệ nạn xã hội", "Lá chắn", "Phòng chống lao động trẻ em"... còn có sự tham gia của nam giới. Qua đó, thu hút nam giới chia sẻ trách nhiệm với phụ nữ trong gia đình, hỗ trợ phụ nữ trong các hoạt đông nâng cao kiến thức, kỹ năng về các vấn đề liên quan. Các mô hình này đã góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và phụ nữ về vai trò gia đình trong nuôi dạy con, phòng chống bạo lực gia đình, các vấn đề tội phạm...; trong đó chú trọng hướng dẫn các thành viên các giải pháp phòng ngừa từ gia đình. Đặc biệt, các mô hình tổ, nhóm vay vốn tiết kiệm có ở hầu hết các địa bàn được các cấp hội lồng ghép chặt chẽ với tuyên truyền các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái.


Thông qua các mô hình, các cấp hội phụ nữ nắm được tâm tư, nguyện vọng của chị em để kịp thời chia sẻ, động viên, giúp đỡ về vật chất, tinh thần, tạo điều kiện cho chị em trong xây dựng gia đình, thực hiện các tiêu chí thi đua, góp phần giảm tình trạng vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội, tình trạng bạo lực gia đình.


Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái


Công tác hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ bị bạo lực gia đình, phụ nữ bị buôn bán trở về, phụ nữ bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS... được các cấp hội đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, phát huy nội lực của phụ nữ thông qua các phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế", "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ"...; các cuộc vận động "Mái ấm tình thương", "Thực hành tiết kiệm theo gương Bác" với nhiều hình thức sáng tạo "Hũ gạo tiết kiệm", "Nuôi heo đất"...


Hội đã tích cực vận động nguồn lực hỗ trợ phụ nữ từ các Ngân hàng Chính sách xã hội, thành lập Quỹ tài chính vi mô tình thương và đặc biệt là ưu tiên nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo cho các tỉnh có nhiều phụ nữ đi lấy chồng nước ngoài. Các đối tượng phụ nữ mại dâm hoàn lương, phụ nữ là nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình được các cấp Hội hỗ trợ cho vay vốn để tái hòa nhập cộng đồng. Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho phụ nữ; tiến hành xây dựng, sửa chữa mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống, giảm xung đột trong gia đình, tránh nguy cơ sa vào tệ nạn xã hội, trở thành nạn nhân bị mua bán hoặc rơi vào nhóm phụ nữ có mong muốn lấy chồng nước ngoài vì mục đích kinh tế...


Đặc biệt mô hình "Ngôi nhà bình yên" do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển thực hiện đã trở thành mô hình điển hình trong hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị mua bán, bị bạo lực gia đình phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng. Mô hình này đã hỗ trợ toàn diện cho các nạn nhân bị bạo lực, bị mua bán trở về; xây dựng được đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp có đủ năng lực cung cấp trợ giúp về tâm lý xã hội theo nhu cầu của mỗi nạn nhân; đóng góp tích cực vào tăng cường kỹ năng sống cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương tại nhiều tỉnh, thành trọng điểm về mua bán người ở Việt Nam.


Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động cùng xã hội chung tay hỗ trợ, bảo vệ, chăm sóc trẻ em gái, đặc biệt là trẻ em gái thuộc gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt. Hằng năm các cấp hội chủ động xây dựng kế hoạch rà soát, nắm bắt số trẻ thuộc các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật, tìm hiểu hoàn cảnh của từng em để có sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện cho các em tiếp tục đến trường; vận động hỗ trợ vốn vay cho các hộ nghèo có con phải bỏ học, lao động sớm để phát triển kinh tế gia đình; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng sống cho trẻ em gái vị thành niên, trẻ em gái có nguy cơ cao bị lạm dụng tình dục, giúp các em biết ứng phó với những nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống...


Nâng cao vai trò các cấp hội phụ nữ


Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác này, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái; đồng thời đề ra các nhiệm vụ trong thời gian tới, tập trung vào việc đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cho phụ nữ về luật pháp, chính sách liên quan, các kiến thức phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, mại dâm, ma túy, tệ nạn xã hội...; giáo dục truyền thống, phẩm chất đạo đức phụ nữ với 4 chuẩn mực "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang" và thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch".


Các cấp hội phụ nữ tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành trong tuyên truyền, hỗ trợ, giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái; thực hiện lồng ghép có hiệu quả nội dung hoạt động liên quan đến phụ nữ, trẻ em trong các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, các cuộc vận động, phong trào thi đua, nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội; tiếp tục thực hiện hiệu quả các đề án "Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt", "Giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", "Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2020"...


Đồng thời, các cấp hội phụ nữ tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình có hiệu quả thiết thực nhằm thu hút, tập hợp phụ nữ, trẻ em tham gia, góp phần phát huy vai trò đại diện của tổ chức Hội trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em gái; quan tâm chỉ đạo các vấn đề xã hội liên quan đến trẻ em thông qua việc đầu tư nguồn lực xây dựng mô hình thiết thực, bảo đảm hoạt động chất lượng; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, các mô hình điểm về tổ hợp tác liên kết sản xuất, mô hình tư vấn, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn xã hội. Hội thường xuyên nắm bắt các tình hình liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái; đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm, giúp chị em tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, tạo điều kiện tốt để phụ nữ tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc.


Phúc Hằng