10:09 13/10/2019

Chung sức xây dựng nông thôn mới - Bài cuối: Cà Mau vận dụng và phát huy những kinh nghiệm tốt

Mặc dù Cà Mau đạt nhiều kết quả bước đầu trong xây dựng nông thôn mới nhưng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới chỉ đạt 36,6%, thấp hơn 7,18% so với mức đạt chuẩn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thấp hơn 14,2% so với mức đạt chuẩn của cả nước. Hiện trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2020, tỉnh phấn đấu có từ một đơn vị cấp huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới và có 3 huyện đạt từ 6 tiêu chí trở lên; có từ 41/82 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 27 ấp khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn tỉnh đạt bình quân từ 16,5 tiêu chí/xã trở lên, thu nhập tăng ít nhất 1,6 lần so với năm 2015. Tổng nguồn lực đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh năm 2020 là khoảng 1.275 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách các cấp khoảng 725 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Khu vực Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao. Ảnh: Thế Anh/TTXVN

Cà Mau đặt mục tiêu phấu đấu trong giai đoạn 2021 - 2025 là: Bình quân số tiêu chí của toàn tỉnh đạt từ 17 tiêu chí/xã trở lên; có từ 66 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí; 15 xã được công nhận đạt chuẩn ''Xã nông thôn mới nâng cao'', trong đó 7 xã được công nhận đạt chuẩn ''Xã nông thôn mới kiểu mẫu''; từ 2 đơn vị cấp huyện trở lên đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm; 95% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 95% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở đã được công nhận, từng bước phổ cập giáo dục Trung học phổ thông ở những nơi có điều kiện; 90% trường học đạt chuẩn quốc gia; 60% lao động qua đào tạo (không kể bồi dưỡng, tự kèm truyền nghề); 75% số ấp đạt chuẩn văn hóa, 56% số xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.

Định hướng đến năm 2030, Cà Mau phấn đấu cơ bản hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới; có 30 xã được công nhận đạt chuẩn ''Xã nông thôn mới nâng cao'', trong đó có 15 xã được công nhận đạt chuẩn ''Xã nông thôn mới kiểu mẫu''; có thêm từ 2 đơn vị cấp huyện trở lên đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2030 tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2025. Tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm; 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 100% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia; 80% lao động qua đào tạo (không kể bồi dưỡng, tự kèm truyền nghề); 80% số ấp đạt chuẩn văn hóa, 70% số xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.

Nhận định rõ công tác xây dựng nông thôn mới ở Cà Mau đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức phía trước, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải mong muốn các sở, ban, ngành, địa phương chạy nước rút để sớm về đích. Các địa phương không được thỏa mãn với kết quả đạt được, mà cần tiếp tục thể hiện sự quyết tâm cao, nỗ lực nhiều hơn nữa. Xây dựng xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới phải thực chất, không chạy theo thành tích và chương trình xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm xuất phát chứ không có điểm dừng.

Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020 và những năm tiếp theo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau Phạm Bạch Đằng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua; vận dụng thật tốt bài học kinh nghiệm được đúc kết qua gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Cà Mau.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và có sự phối hợp chặt chẽ của từng cấp, từng ngành trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Ban Chỉ đạo các cấp phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng ngành, từng cơ quan, đơn vị, từng người trong thực hiện kế hoạch; xác định rõ việc nào nhà nước làm, việc nào dân làm và lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên thực hiện. Mỗi địa phương cần có cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả trong thực hiện phong trào thi đua ''Cà Mau chung sức xây dựng nông thôn mới''. 

Tỉnh Cà Mau xác định rõ việc thực hiện xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài; phải có bước đi, lộ trình thích hợp với điều kiện, nguồn lực của từng địa phương trong thực hiện từng tiêu chí cụ thể; thực hiện phải đạt được kết quả thực chất, tránh hình thức, không chạy theo thành tích, nóng vội, chủ quan, duy ý chí; có các kế hoạch, giải pháp cụ thể để duy trì, không ngừng nâng cao các tiêu chí đã đạt được để bảo đảm tính bền vững của từng tiêu chí và đạt chuẩn ngày càng cao trong xây dựng nông thôn mới.

Việc xây dựng các đề án, quy hoạch, kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo tính phù hợp, dễ hiểu, dễ thực hiện và gắn với kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp, kế hoạch kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời, tỉnh kết hợp, lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư; khơi dậy và huy động các nguồn lực phù hợp với khả năng của doanh nghiệp và nhân dân; khắc phục khuynh hướng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước, cũng như huy động quá mức trong dân; chủ động lồng ghép các nguồn lực đầu tư hiện có trong từng lĩnh vực, trên từng địa bàn để góp phần đạt được các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sơ kết rút kinh nghiệm việc thực hiện nhiệm vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, có sự điều chỉnh, bổ sung giải pháp phù hợp; thường xuyên củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức đủ năng lực, sát thực tế. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng làm tốt công tác thi đua khen thưởng để động viên kịp thời các ngành, địa phương làm tốt, các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh Cà Mau quan tâm đến công tác quán triệt, tuyên truyền, vận động để cán bộ và nhân dân thấy được tầm quan trọng của chương trình; qua đó phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác lãnh đạo, tổ chức, hướng dẫn của cán bộ, vai trò chủ thể của người dân. Điều quan trọng là phải làm cho dân hiểu, dân tin, phải đảm bảo tính dân chủ, công khai, tạo điều kiện cho người dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp thực hiện xây dựng nông thôn mới ở địa phương. 

Kim Há (TTXVN)