Phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, những năm qua, hiến máu tình nguyện đã trở thành phong trào sôi nổi được lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân tỉnh Ninh Bình, góp phần chung tay mang lại sự sống cho nhiều bệnh nhân.
Người dân đăng ký hiến máu tình nguyện tại Bệnh viện Đa khoa Nam Định, tỉnh Ninh Bình.
Mệnh lệnh từ trái tim
Tháng 7, cái nắng, nóng mùa hè đang ở đỉnh điểm. Từ sáng sớm, mặt trời đã chói chang khiến không khí trở nên oi bức. Tuy nhiên, gạt qua những bất lợi của thời tiết, sáng Chủ nhật 13/7, hàng trăm người dân vẫn đến Bệnh viện Đa khoa Nam Định (phường Nam Định, tỉnh Ninh Bình) để tham gia hiến máu. Họ đa phần là lao động tự do, học sinh, sinh viên biết đến chương trình thông qua mạng xã hội và sự tuyên truyền của người thân, bè bạn.
Trong hội trường không quá lớn của bệnh viện, mọi người nghiêm túc, trật tự chờ đến lượt lên hiến máu. Các bác sĩ, tình nguyện viên ân cần thăm hỏi người hiến máu tình nguyện, khẩn trương đưa từng đơn vị máu tiếp nhận được đến nơi bảo quản. Càng về trưa, không khí trong hội trường càng khẩn trương bởi người dân vẫn tiếp tục đến đăng ký hiến máu.
Chị Cao Thùy Linh, phường Nam Định cho biết, đây là lần đầu tiên chị tham gia hiến máu. Biết đến việc hiến máu thông qua Facebook và Zalo của những người bạn, chị nhận thấy đây là hoạt động có ý nghĩa mà bản thân mong muốn thực hiện từ lâu nhưng chưa có điều kiện tham gia. Do đó dịp này, chị sắp xếp công việc cá nhân, đến đăng ký và hiến máu từ sớm.
“Sau khi hiến máu, mình thấy cơ thể hoàn toàn bình thường, tâm trạng phấn khởi vì làm được việc tốt. Sau này khi có điều kiện về sức khỏe và thời gian, mình sẽ tiếp tục hiến máu”, chị Linh chia sẻ.
Xét nghiệm máu cho người đăng ký hiến máu.
Là lần thứ 12 hiến máu, bạn Trần Thùy Linh, phường Đông A cho biết, em tham gia hiến máu tình nguyện từ khi còn là sinh viên. Đến nay khi đã trở về địa phương công tác, em vẫn duy trì tham gia hiến máu mỗi năm khoảng 3 - 4 lần.
Theo Thùy Linh, hiến máu là việc làm ý nghĩa, đơn giản nhất mà ai cũng có thể thực hiện trên hành trình làm việc tốt của mỗi người. Hiến máu không làm ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn mang đến sức khỏe cho người khác. Do đó, không chỉ thường xuyên hiến máu, Thùy Linh còn tích cực vận động bạn bè, đồng nghiệp tham gia.
Tại buổi hiến máu thường kỳ tháng 7/2025 diễn ra ngày 13/7, Bệnh viện Đa khoa Nam Định đã tiếp nhận trên 150 đơn vị máu phục vụ công tác cứu chữa bệnh nhân, dự phòng nguồn máu cấp cứu trong mùa hè, thời điểm cao điểm bệnh nhân nhập viện với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Phát triển nguồn người hiến máu
Với vai trò vừa vận động, vừa trực tiếp hiến máu, các đội tình nguyện, câu lạc bộ hiến máu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trở thành lực lượng xung kích, không chỉ trực tiếp hiến máu mà còn góp phần lan tỏa, đưa hiến máu trở thành phong trào được đông đảo nhân dân hưởng ứng.
Đội tình nguyện viên Chữ thập đỏ Nam Định được thành lập năm 2014 với đa số là đoàn viên thanh niên, sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng. Đội có nhiệm vụ tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng với các hoạt động an sinh xã hội, trong đó nổi trội là hoạt động tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo.
Anh Vũ Mạnh Linh, Đội trưởng Đội tình nguyện cho biết, những năm đầu hoạt động, do số lượng tình nguyện viên còn ít cũng như tâm lý của người dân còn e dè, số người tự nguyện đăng ký hiến máu trong các chiến dịch, ngày hội hiến máu của tỉnh còn khá thấp.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, Đội đã triển khai nhiều buổi truyền thông về hiến máu, sử dụng hệ thống loa truyền thanh, mạng xã hội Facebook, Zalo đăng tải các bài viết, thông tin về hoạt động hiến máu, cập nhật lịch hiến máu…
Người dân hiến máu tình nguyện tại Bệnh viện Đa khoa Nam Định, tỉnh Ninh Bình.
Với khoảng 30 thành viên, các tình nguyện viên đã hỗ trợ đắc lực cho các đơn vị trong công tác tiếp nhận máu, lồng ghép các thông tin tuyên truyền, vận động đông đảo nhân dân tham gia hiến máu để có máu tiếp cho những bệnh nhân nguy kịch tại các bệnh viện trong tỉnh. Từ đây, phong trào hiến máu dần được lan tỏa mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân.
Vào mỗi Chủ nhật tuần thứ 3 hằng tháng, Đội phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Nam Định tổ chức chương trình hiến máu thường kỳ. Trung bình có khoảng 12 - 15 cuộc tiếp nhận máu/năm tại bệnh viện, mỗi cuộc có từ 100 - 150 người đăng ký tham gia.
Từ đầu năm 2025 đến nay, Đội đã phối hợp tổ chức 6 cuộc hiến máu tình nguyện, thu hút gần 780 người tham gia với trên 700 đơn vị máu được tiếp nhận. Toàn bộ lượng máu thu được sẽ phục vụ công tác cứu chữa người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Nam Định hoặc các bệnh viện lân cận. Từ đây, ngày càng nhiều người dân trên địa bàn biết đến, tham gia các chương trình hiến máu do địa phương, các đơn vị trong tỉnh tổ chức, trong đó không ít người hiến máu nhắc lại nhiều lần.
Bên cạnh hoạt động của Đội tình nguyện viên Chữ thập đỏ Nam Định, các câu lạc bộ, Đoàn Thanh niên ở các nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Lực lượng tình nguyện viên được bổ sung, mở rộng ra nhiều đối tượng như học sinh, sinh viên, công nhân, công chức, viên chức, lao động tự do...
Người dân hiến máu tình nguyện tại Bệnh viện Đa khoa Nam Định, tỉnh Ninh Bình.
Tại Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, ngay từ đầu năm học, Đoàn Thanh niên Trường đã xây dựng kế hoạch vận động và tổ chức các buổi hiến máu định kỳ như “Bloue trắng - Trái tim hồng”, Ngày hội hiến máu tình nguyện… để bổ sung nguồn máu dự trữ cho các bệnh viện trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi năm, trường tổ chức từ 2 - 3 buổi tiếp nhận máu. Mỗi buổi thu hút sự tham gia của khoảng trên 300 cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường.
Giảng viên Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Bí thư Đoàn Trường cho biết, không chỉ phối hợp thực hiện các buổi tiếp nhận máu tập trung mà, Đoàn trường còn thành lập Câu lạc bộ ngân hàng máu sống. Các thành viên trong Câu lạc bộ sẵn sàng hiến máu khi cần và tích cực tuyên truyền, vận động hiến máu ở mọi nơi, mọi lúc, trong trường và ngoài xã hội.
Để mở rộng người tham gia hiến máu tình nguyện trong cộng đồng các câu lạc bộ, đội tình nguyện tăng cường tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, tác dụng của hiến máu đặc biệt là trong những dịp cao điểm khan hiếm máu như các kỳ nghỉ lễ, Tết Nguyên đán. Các đội tình nguyện viên hiến máu tình nguyện duy trì hoạt động, tiếp tục phát triển trở thành lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động, tham gia hiến máu tình nguyện và hiến máu đột xuất, đưa hiến máu trở thành thói quen, hành động tình nguyện mọi lúc, mọi nơi của mỗi người dân.