05:10 05/05/2019

Chứng khoán tuần tới: Khả năng tạo sóng tăng mới chưa rõ ràng

“Với bối cảnh trong và ngoài nước như hiện nay thì khả năng tạo sóng tăng mới là chưa rõ ràng trong khi thị trường vẫn có khả năng kiểm tra lại đáy ngắn hạn khi không có sự đồng thuận của các nhóm dẫn dắt”.

Đây là nhận định về diễn biến giao dịch thị trường chứng khoán trong tuần tới của nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS.

Tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ giao dịch 2 ngày (từ 3 - 4/5). Thanh khoản thị trường vẫn đạt thấp, cùng đó là việc các chỉ số tiếp tục đi xuống.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại sàn giao dịch BVSC. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Cụ thể, kết tuần giao dịch, VN - Index giảm 5,5 điểm xuống 974,14; HNX - Index giảm 0,593 điểm xuống 106,87 điểm. Thanh khoản trung bình trong 1 phiên chỉ đạt khoảng 3.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.

Như vậy, giới đầu tư vẫn đứng ngoài quan sát chưa muốn giải ngân. Xu hướng này có thể còn kéo dài sang tuần sau khi tình hình thế giới và trong nước không mấy ủng hộ thị trường, nhất là việc cao điểm mùa đại hội cổ đông vừa đi qua, nên tuần tới có thể là tuần thiếu vắng thông tin hỗ trợ.

Hiện tại, xu hướng tăng, giảm của các thị trường chứng khoán thế giới chưa rõ ràng. Cụ thể, Sau khi trải qua hai phiên giao dịch đi xuống liên tiếp, thị trường chứng khoán Mỹ đã khởi sắc trở lại trong phiên cuối tuần (3/5), nhờ báo cáo việc làm tích cực của Mỹ, qua đó giúp chỉ số công nghệ Nasdaq chạm mức cao kỷ lục mới.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần qua, các chỉ số chính của Phố Wall vẫn biến động trái chiều. Theo đó, chỉ số S&P 50 tăng 0,2%, Nasdaq cũng ghi thêm 0,2%, đánh dấu tuần đi lên thứ sáu liên tiếp của chỉ số này. Tuy nhiên, chỉ số Dow Jones lại hạ nhẹ 0,1%. 

Có thể nhận thấy, khi một thị trường liên tục tăng trưởng thì khả năng thị trường điều chỉnh là rất cao. Thị trường chứng khoán Mỹ đã liên tục tăng trưởng trong 4 tháng qua và đã đạt những mốc cao kỷ lục, vì vậy nguy cơ điều chỉnh của thị trường là cao. Như vậy, trong tuần tới nếu thị trường chứng khoán Mỹ điều chỉnh sẽ là áp lực lớn cho thị trường chứng khoán trong nước.

Bên cạnh đó, việc giá dầu thế giới đi xuống tuần thứ hai liên tiếp sẽ có những tác động tiêu cực lên nhóm cổ phiếu dầu khí. Đây là nhóm cổ phiếu quan trọng ảnh hưởng lớn đến thị trường chung. Theo đó, tuần qua giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) sụt 2,2%, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,1%.

Giới đầu tư đang hoài nghi về việc liệu Saudi Arabia, nước dẫn dắt Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), sẽ quyết định giúp bù đắp bất kỳ sự thiếu hụt dầu nào từ thị trường, hay chuyển sang gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng với các nhà sản xuất chủ chốt do thỏa thuận này sẽ hết hạn vào cuối tháng 6/2019.

Theo kế hoạch, các nước thành viên trong và ngoài OPEC sẽ nhóm họp tại Vienna (Áo) vào ngày 25 - 26/6 để quyết định những bước tiếp theo.

Trên thị trường Việt Nam, nhóm cổ phiếu dầu khí có diễn biến tiêu cực trong tuần qua đã tạo áp lực lớn lên thị trường. Theo đó, GAS giảm nhẹ 0,2%, PLX giảm 1,1%, POW giảm 1,3%. Trong khi đó, các mã PVB, PVD, PVS mặc dù tính chung cả tuần tăng giá, nhưng nếu nhìn vào phiên giao dịch cuối tuần thì các mã này đều ở chiều giảm giá. 

Với diễn biến của giá dầu thế giới, cùng với tình hình chung của thị trường có lẽ nhóm cổ phiếu dầu khí chưa thoát khỏi xu hướng điều chỉnh trong tuần tới.

Nhóm cổ phiếu quan trọng, có ảnh hưởng lớn lên thị trường là nhóm ngân hàng cũng đang trong xu hướng điều chỉnh giảm. Theo đó, tuần qua, hầu hết các mã cổ phiếu thuộc ngành này giảm giá như: VCB giảm 1,8%, CTG (1,6%), BID (1,7%), VPB (0,5%), TCB (0,6%), ACB (0,3%), SHB (1,3%)...

Hầu hết đại hội cổ đông ngành ngân hàng đã diễn ra trong tháng 4 và tuần tới nhóm ngân hàng sẽ thiếu vắng thông tin hỗ trợ tích cực nên nguy cơ giảm giá của các mã ngân hàng vẫn được đánh giá cao.

Bên cạnh đó, tuần qua những mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, nhì thị trường là VIC giảm 1,1%, VHM giảm tới 1,8%. Đáng chú ý, sau thông tin 60% số lượng chứng khoán ESOP được chuyển sang tự do chuyển nhượng, cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành bảo hiểm là BVH đã giảm sàn 2 hôm liên tiếp, với tổng mức giảm 13,9%.

Ở chiều ngược lại, những mã cổ phiếu vốn hóa thuộc nhóm ngành tiêu dùng, hàng không tăng trưởng khá tốt. Cụ thể, VNM tăng (0,9%), MSN (2%), SAB (1,9%) VJC (2,2%). Như vậy, những mã cổ phiếu vốn hóa lớn đang diễn biến tăng, giảm trái triều. Khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn không có sự đồng thuận tăng giá thì thị trường chung có thể diễn ra kịch bản giao dịch giằng co, đi ngang. Điểm tích cực nhất trong tuần giao dịch qua là việc nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng gần 100 tỷ đồng.

Cụ thể, trên sàn HOSE, khối ngoại thực hiện 2 phiên mua ròng với giá trị đạt 102,67 tỷ đồng. Trên sàng HNX, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện 2 phiên bán ròng với tổng giá trị đạt 6,61 tỷ đồng. Trên thị trường UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 1 phiên và bán ròng 1 phiên. Tổng giá trị mua ròng đạt 2,69 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với việc nhà đầu tư nước ngoài giảm giao dịch cổ phiếu vào phiên cuối tuần cũng đang cho thấy, không chỉ nhà đầu tư trong nước thận trọng mà nhà đầu tư nước ngoài cũng đang hạn chế giao dịch. Dưới góc nhìn của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC, tuần tới thị trường có thể tiếp tục diễn biến theo xu hướng giằng co, đi ngang.

“Chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ có diễn biến khởi sắc hơn vào cuối tuần tới và hướng đến vùng kháng cự mạnh hơn tại 986 - 992 điểm trong ngắn hạn”, BVSC nêu quan điểm.

BVSC cho rằng, diễn biến thị trường dự kiến sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa các dòng cổ phiếu. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có thể cũng có cơ hội tăng giá trong giai đoạn thanh khoản thị trường yếu như hiện tại.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân àng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC, tâm lý thị trường tiếp tục trong trạng thái chờ đợi các tín hiệu hỗ trợ khi thanh khoản vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp. Diễn biến về tiến trình đám phán thương mại Trung - Mỹ dự kiến sẽ có kết quả chính thức vào hôm 10/5, cùng việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục duy trì quan điểm giữ nguyên lãi suất trái ngược với kỳ vọng giảm lãi suất từ nhà đầu tư sẽ là yếu tố tác động lớn đến thị trường trong ngắn và trung hạn.

Văn Giáp (TTXVN)