11:14 25/11/2018

Chứng khoán tuần cuối tháng 11 có thể diễn biến giằng co với thanh khoản thấp

Thanh khoản thấp, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư dâng cao, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh, thiếu vắng thông tin hỗ trợ, giá dầu thế giới tiếp tục giảm có thể là những lý do khiến các chỉ số của thị trường khó bứt lên trong tuần giao dịch từ 26 - 30/11 tới.

Chú thích ảnh
Một phiên bán đấu giá cổ phần tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Ảnh minh họa: Phạm Hậu/TTXVN

Kết thúc tuần giao dịch từ 19 - 23/11, VN-Index tăng 19,78 điểm lên 917,97 điểm; HNX-Index tăng 1,26 điểm lên 104,27 điểm.

Thanh khoản tuần qua tăng nhẹ so với tuần trước đó, nhưng vẫn ở dưới mức trung bình 20 tuần với chỉ khoảng hơn 3.700 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.

Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 7,6% lên 16.118 tỷ đồng, khối lượng giao dịch tăng 3,5% lên 729 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, giá trị giao dịch trên HNX tăng 0,7% lên 2.441 tỷ đồng, nhưng khối lượng giao dịch giảm 5,7% xuống 172 triệu cổ phiếu.

Những nhóm cổ phiếu chính, quan trọng nhất thị trường có sự hồi phục trong tuần qua như: ngân hàng, dầu khí, chứng khoán và bất động sản.

Theo đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng khá với các mã tiêu biểu như: VCB tăng 3%, CTG (2,3%), VPB (10,6%), ACB (1,8%), SHB (1,4%),...

Diễn biến nhóm cổ phiếu ngân hàng cho thấy, sau những phiên tăng điểm đầu tuần, nhóm cổ phiếu này đã giảm giá trở lại vào 2 phiên cuối tuần, nhưng cùng với việc giảm giá thì thanh khoản của nhóm ngân hàng cũng giảm theo.

Thanh khoản thấp trong những phiên thị trường giảm điểm và tăng cao trong những phiên thị trường tăng điểm là đặc điểm giao dịch của nhiều mã cổ phiếu ngân hàng trong tuần giao dịch qua.

Theo giới phân tích, đặc điểm giao dịch này chứng tỏ việc bán tháo cổ phiếu đã không xảy ra tại nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng có lẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng tiếp nếu thị trường chứng khoán thế giới diễn biến tích cực hơn.

Tuần qua, nhóm cổ phiếu dầu khí là nhóm có giao dịch khó hiểu nhất, khi các cổ phiếu trong nhóm vẫn tăng trưởng tích cực, dù giá dầu thế giới giảm mạnh.

Theo đó, hầu hết những mã cổ phiếu tiêu biểu trong nhóm đều ở chiều tăng giá như: PLX tăng 2,8%, PVS (1,6%), POW (2,8%), PVB (0,6%)...

Thực tế, thị trường dầu thế giới trồi sụt trong tuần qua, với nỗi ám ảnh về tình trạng dôi dư nguồn cung đã khiến dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) chứng kiến tuần mất giá thứ bảy liên tiếp.

Giá dầu liên tục trượt dốc kể từ đầu tháng 10, khi giá dầu WTI đạt mức đỉnh của bốn năm. Kể từ đó, giá mặt hàng này đã mất hơn 30%, giữa lúc thị trường chứng khoán mất 8 - 9% do triển vọng ảm đạm của kinh tế thế giới phủ bóng đen lên nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.

Tới phiên giao dịch cuối cùng của tuần qua, giá hai loại dầu chủ chốt là dầu WTI và dầu Brent Biển Bắc giảm khá mạnh, do giới đầu tư vẫn quan ngại nhiều về tình hình nguồn cung khi các nhà sản xuất dầu lớn đang cân nhắc khả năng sẽ cắt giảm sản lượng.

Kết thúc phiên 23/11, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 1/2019 giảm 4,21 USD (7,7%) xuống 50,42 USD/thùng, phiên mất giá mạnh nhất kể từ ngày 6/7/2015 và là mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 9/10/2017.

Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 1/2019 cũng lùi 3,8 USD (6,1%) xuống 58,80 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI và dầu Brent lần lượt mất 10,6% và 12%.

Giới phân tích cho rằng, với những thông tin giá dầu giảm mạnh như vậy vào phiên cuối tuần qua có thể tác động tiêu cực đến nhóm cổ phiếu này trong phiên giao dịch đầu tuần tới.

Tuần qua, thị trường hồi phục khá mạnh phần lớn có sự góp sức của những mã cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, nhì thị trường thuộc ngành bất động sản như: VIC tăng 8,8%, VHM tăng 8,1%, VRE tăng 2,8%.

Trong khi đó, các mã cổ phiếu vốn hóa lớn khác thuộc nhóm ngành thực phẩm, đồ uống, bảo hiểm cũng khá tích cực. Cụ thể, cổ phiếu VNM tăng tới 2,7%, MSN tăng 2,6%,  HPG tăng 1,1%, BVH tăng 3,3%,...

Quan sát diễn biến giao dịch có thể nhận thấy, đa số cổ phiếu vốn hóa lớn đang tích cực dần, khối lượng giao dịch tăng mạnh trong những phiên tăng giá và giảm trong những phiên giảm giá.

Như vậy, hoạt động giảm bán của nhà đầu tư đã khiến thị trường không giảm quá sâu vào những phiên thị trường giảm, nhưng lực cầu vào những phiên thị trường giảm cũng rất yếu.

Điều này cho thấy những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu đang lưỡng lự trong quyết định bán, ngược lại, nhà đầu tư cầm tiền cũng rất thận trọng trong giải ngân.

Như vậy, việc thị trường giảm sâu trong tuần tới có lẽ khó xảy ra, nhưng khả năng để thị trường bứt phá đi lên mạnh có vẻ cũng khó khăn khi thị trường thiếu lực cầu ở vùng giá cao.

Hơn nữa, việc khối ngoại vẫn đang tiếp tục bán ròng đang gây ra những lo ngại cho thị trường chung.

Theo đó, khối ngoại trên thị trường vẫn duy trì trạng thái bán ròng trên hai sàn niêm yết và chỉ mua ròng nhẹ trên sàn đăng ký giao dịch UPCoM.

Trên toàn thị trường, khối ngoại thực hiện mua vào 70,7 triệu cổ phiếu, trị giá 2.600 tỷ đồng, trong khi bán ra 76,7 triệu cổ phiếu, trị giá 2.963,6 tỷ đồng.

Tổng khối lượng bán ròng đạt 6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng đạt 363,6 tỷ đồng.

Trên sàn HOSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng 308,6 tỷ đồng (giảm 61% so với tuần trước), tương ứng khối lượng bán ròng là 1,1 triệu cổ phiếu.

Trên sàn HNX, khối ngoại có tuần bán ròng thứ ba liên tiếp, với giá trị giảm 30% so với tuần trước đó và đạt gần 69 tỷ đồng, tương ứng 4,34 triệu cổ phiếu.

Trên sàn UPCoM, khối ngoại tiếp tục mua ròng nhẹ với 13,8 tỷ đồng, nhưng nếu tính về khối lượng thì khối ngoại đã bán ròng 587.605 cổ phiếu.

Như vậy, diễn biến thị trường hiện tại không quá xấu khi nhà đầu tư nội đang hạn chế bán ra cổ phiếu vào những phiên giá giảm và nhà đầu tư nước ngoài cũng đã giảm bán ròng. Tuy nhiên, thị trường cũng chưa tìm thấy lực đẩy nào đủ lớn để bứt phá đi lên. Vì vậy, nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra nhận định thận trọng cho tuần giao dịch tới.

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (26/11 - 30/11), VN-Index có thể sẽ tiếp tục giao dịch giằng co với thanh khoản thấp trong biên độ 900 - 930 điểm.

“Chúng tôi duy trì khuyến nghị nhà đầu tư nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao nên tiếp tục canh những nhịp hồi phục lên gần ngưỡng 930 điểm để bán giảm tỷ trọng. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nếu có tỷ trọng tiền mặt cao cũng chưa nên vội vàng và chỉ nên cân nhắc giải ngân nếu như thị trường có phiên break thành công ngưỡng 930 điểm với thanh khoản tốt”, nhóm phân tích đến từ SHS đưa ra lời khuyên.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, nhà đầu tư trở lại với tâm lý thận trọng do áp lực chốt lời xuất hiện sau 4 phiên tăng điểm liên tiếp.

Tuy nhiên, lực cầu giá thấp vẫn đang được duy trì và có khả năng gia tăng khi thị trường tiếp tục điều chỉnh trong các phiên sắp tới.

Mặc dù vậy BVSC vẫn cho rằng, có khả năng thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm hướng tới vùng kháng cự 930 - 940 điểm trong tuần giao dịch tới.

Nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam nêu quan điểm, tâm lý thị trường trở nên bi quan với lực bán xuất hiện trên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

KIS khuyến nghị, thanh khoản duy trì ở mức thấp và rủi ro hệ thống gia tăng vì thế nhà đầu tư nên thận trọng và tập trung vào việc quản trị rủi ro ở thời điểm hiện tại.

Văn Giáp (TTXVN)