11:21 18/11/2019

Chứng khoán thế giới tiến tới mức cao kỷ lục sau khi Trung Quốc bất ngờ hạ lãi suất

Theo hãng tin Anh Reuters, các chỉ số chứng khoán thế giới gần đạt tới mức cao kỷ lục ngày 18/11 sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương) bất ngờ hạ lãi suất của các hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày từ 2,55% xuống còn 2,5%.

Đây là lần đầu tiên PBoC có động thái cắt giảm như vậy trong hơn 4 năm qua và cũng là dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách của nước này đã sẵn sàng hành động để thúc đẩy đà tăng trưởng đang giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 

Chú thích ảnh
 Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán ở Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Các chỉ số chứng khoán châu Á và châu Âu đã phản ứng tích cực với quyết định của PBoC khi đã tăng khoảng 0,1 – 0,3%, tiến tới mức cao kỷ lục trước đó. Chỉ số chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,12% và thấp hơn 1% so với mức cao kỷ lục hồi đầu năm 2018.

Tương tự, chỉ số STOXX 600 của châu Âu tiếp tục đà tăng trong 6 tuần qua. Chỉ số này chỉ thiếu 8 điểm so với mức cao kỷ lục 415,18 điểm đạt được giữa tháng 4 vừa qua. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 0,5% lên 23.416,76 điểm, gần tiến tới mức đỉnh trong 13 tháng gần đây.

Động thái hạ lãi suất nói trên của PBoC là tin vui đối với thị trường trái phiếu của Trung Quốc và được đưa ra chỉ 2 tuần sau khi ngân hàng hạ lãi suất cho vay trung hạn với cùng mức giảm. Cả hai đợt hạ lãi suất này mở ra khả năng PBoC sẽ giảm lãi suất cho vay tham chiếu (LPR) trong tuần này nhằm tạo thêm nguồn tín dụng cho các lĩnh vực kinh tế đang "khát vốn" của nước này. 

Theo giới phân tích, quyết định giảm lãi suất bất ngờ cũng cho thấy PBoC muốn xoa dịu những lo ngại của giới đầu tư rằng lạm phát bán lẻ cao hơn sẽ khiến ngân hàng này không thể đưa ra các biện pháp kích thích mới. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 30 năm qua trong quý III/2019. Trong khi đó, các số liệu gần đây như tăng trưởng tín dụng và sản lượng công nghiệp cũng tiếp tục phản ánh một nền kinh tế đang giảm tốc. 

Giá thịt lợn tăng mạnh do dịch tả lợn châu Phi đã khiến lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 10 tăng vượt mức mục tiêu khoảng 3% mà chính phủ đặt ra và ghi nhận mức tăng nhanh nhất trong gần 8 năm qua. Tình trạng này đã làm gia tăng những lo ngại PBoC có thể chần chừ trong nỗ lực nới lỏng chính sách. Trong báo cáo được công bố mới đây, PBoC cho biết sẽ duy trì chính sách tiền tệ thận trọng nhằm ngăn chặn lạm phát lan rộng.

Tuy nhiên, thị trường tin rằng hai đợt cắt giảm lãi suất nói trên cho thấy PBoC có thể sẽ có điều chỉnh tương tự đối với LPR trong tuần này. Chuyên gia kinh tế trưởng của công ty Founder Securities ở Bắc Kinh, Yan Se cho rằng việc giảm lãi suất mua lại đảo ngược cho thấy PBoC cởi mở với việc sử dụng các nghiệp vụ thị trường mở, vốn vẫn thường được dùng để đáp ứng nhu cầu vốn hàng ngày của hệ thống tài chính, nhằm kích thích tăng trưởng trong dài hạn hơn. Chuyên gia này dự đoán PBoC rất có khả năng sẽ hạ lãi suất LPR 5 điểm cơ bản, và cũng có thể sẽ giảm cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR).

Thông tin Trung Quốc bất ngờ hạ lãi suất chủ chốt khiến các chỉ số chứng khoán châu Á và châu Âu tăng khoảng 0,1 – 0,3%, tiến tới mức cao kỷ lục trước đó. Chỉ số chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,12% và thấp hơn 1% so với mức cao kỷ lục hồi đầu năm 2018. Tương tự, chỉ số STOXX 600 của châu Âu tiếp tục đà tăng trong 6 tuần qua. Chỉ số này chỉ thiếu 8 điểm so với mức cao kỷ lục 415,18 điểm đạt được giữa tháng 4 vừa qua. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 0,5% lên 23.416,76 điểm, gần tiến tới mức đỉnh trong 13 tháng gần đây.

Cùng ngày 18/11, Bộ Thương mại Trung Quốc công bố báo cáo mới nhất cho biết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này trong giai đoạn từ tháng 1-10/2019 đã tăng 6,6% so với cùng kỳ một năm trước đó lên 752,41 tỷ NDT (107,58 tỷ USD). Vào cùng giai đoạn, dòng vốn đổ vào các lĩnh vực công nghệ cao đã tăng 39,5%  so với cùng kỳ năm 2018, lên 222,4 tỷ NDT (31,7 tỷ USD) tương đương 30% tổng lượng FDI đổ vào Trung Quốc.

Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết trong giai đoạn từ tháng 1-10/2020, đã có khoảng 33.407 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập tại nước này. Tính riêng trong tháng 10 vừa qua, lượng vốn FDI đổ vào Trung Quốc đã tăng 7,4% so với một năm trước đó lên 69,2 tỷ NDT (9,68 tỷ USD). Dòng vốn FDI được dự báo sẽ ổn định trong cả năm nay.  

Số liệu FDI lạc quan có thể coi là một điểm sáng hiếm hoi của kinh tế Trung Quốc sau một loạt số liệu không mấy tươi sáng về sản lượng công nghiệp, bán lẻ và xuất khẩu cho thấy nhu cầu trong nước và quốc tế suy yếu, cùng với ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung đã tác động mạnh đến những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. 

Trong quý III/2019 kinh tế Trung Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng 6%, mức yếu nhất trong gần 30 năm. Trong một lưu ý, ngân hàng Nomura cho hay tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm tốc xuống còn 5,8% trong quý IV/2019 so với mức tăng trưởng 6% trong quý III.

Dư luận hy vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm ký kết thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1", qua đó chấm dứt các biện pháp tăng thuế trả đũa lẫn nhau và thúc đẩy trao đổi thương mại, góp phần cải thiện tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này. 

TTXVN/Báo Tin tức