03:09 17/03/2023

Chứng khoán thế giới hồi sắc xanh 

Ngày 16/3, chứng khoán Phố Wall phục hồi sau khi một nhóm 11 ngân hàng tư nhân Mỹ thông báo gói cứu trợ trị giá 30 tỷ USD cho ngân hàng First Republic, trong khi chứng khoán châu Âu cũng tăng điểm sau quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). 

Trên thị trường Phố Wall, kết thúc phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,2% lên 32.246,55 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 1,8% lên 3.960,28 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 2,5% lên 11.717,28 điểm.

Chú thích ảnh
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ, ngày 13/3/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đua nhau khởi sắc. Cụ thể, chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 2% lên 4.116,98 điểm. Chỉ số FTSE 100 của London (Anh) chốt phiên tăng 0,9% lên 7.410,03 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tăng 1,6% lên 14.967,10 điểm, còn chỉ số CAC 40 trên sàn Paris (Pháp) tăng 2% lên 7.025,72 điểm.

Giá cổ phiếu của ngân hàng thương mại First Republic đã đảo chiều từ mức giảm hơn 30% lên mức tăng khoảng 10% sau khi một nhóm bao gồm 11 ngân hàng tư nhân của Mỹ cho biết sẽ gửi 30 tỷ USD vào First Republic nhằm ngăn chặn nguy cơ ngân hàng này trở thành ngân hàng thứ 3 sụp đổ ở Mỹ trong vòng chưa đầy 1 tuần, sau Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB). Động thái của các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ cho thấy niềm tin của họ vào hệ thống ngân hàng trong nước. 

Sự đảo chiều trên Phố Wall diễn ra sau sự phục hồi của chứng khoán châu Âu khi các thị trường chấp nhận động thái của ECB. Ông Matthew Ryan, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường của công ty dịch vụ tài chính toàn cầu Ebury, cho biết các nhà đầu tư coi đây là một “mức tăng lãi suất ôn hòa” của ECB, vì ngân hàng này cho thấy họ đang chuyển sang cách tiếp cận hoàn toàn phụ thuộc vào dữ liệu. Theo ông, mức tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản của ECB cũng gửi đi thông điệp rõ ràng về niềm tin của ECB đối với “sức khỏe” hệ thống ngân hàng châu Âu.  

Trước đó, các nhà đầu tư hy vọng ECB sẽ giảm mức tăng lãi suất hoặc thậm chí ngừng tăng do những lo ngại về thể trạng của Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ 2 tại Thụy Sĩ, và hệ thống ngân hàng nói chung sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank tại Mỹ. Tuy nhiên, ECB vẫn tăng lãi suất cho vay chủ chốt thêm 50 điểm cơ bản như đã cam kết trước đó.

Trên thị trường vàng, giá vàng thế giới tăng trong phiên cùng ngày, hướng tới mức cao nhất trong 1 tháng rưỡi của phiên trước do thị trường lo ngại về khủng hoảng ngân hàng tiếp diễn. Giá vàng thế giới giao ngay tăng 0,1% lên 1.919,31 USD/ounce vào lúc 1h53 phút ngày 17/3 (giờ Việt Nam), sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 2/2023 là 1.937,28 USD/ounce vào ngày 15/3. Tuy nhiên, giá vàng kỳ hạn của Mỹ lại giảm 0,4% xuống 1.923 USD/ounce. 

Thị trường lo ngại sau khi ECB tăng lãi suất bất chấp rủi ro tài chính đang diễn ra. Ông Jim Wycoff, nhà phân tích cao cấp tại chuyên trang về thị trường vàng Kitco Metals, cho biết: "ECB đã làm thị trường ngạc nhiên khi tăng lãi suất 50 điểm cơ bản, điều này hơi đáng lo ngại vì lý do khiến các ngân hàng gặp khó khăn là do lãi suất tăng quá nhanh. Chúng tôi thấy nhu cầu mua vàng để bảo toàn tài sản tiếp tục tăng và thị trường lo ngại về cuộc khủng hoảng của ngân hàng". 

Các nhà đầu tư đang dồn sự chú ý đến cuộc họp chính sách của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào tuần tới, với hy vọng FED chỉ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản. Ông Daniel Pavilonis, nhà chiến lược thị trường cao cấp tại công ty dịch vụ tài chính RJO Futures, cho rằng triển vọng ngắn hạn đối với vàng có vẻ lạc quan, nhưng nếu FED quyết định tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tuần tới, điều này sẽ gây áp lực đối với giá vàng.

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thế giới tăng 1% trong phiên giao dịch ngày 16/3, kết thúc 3 phiên giảm liên tiếp, sau khi Saudi Arabia và Nga thảo luận nhằm tăng cường sự ổn định của thị trường. Giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 1,37 USD (1%) lên 74,70 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 74 xu Mỹ (1,1%) lên 68,35 USD/thùng. 

Truyền thông Saudi Arabia cho biết Bộ trưởng Năng lượng Abdulaziz Bin Salman và Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã có cuộc gặp ở thủ đô Riyadh để thảo luận về những nỗ lực của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, nhằm duy trì sự cân bằng thị trường. Cả hai quốc gia này vẫn cam kết giữ quyết định của OPEC+ vào tháng 10/2022 là cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối năm 2023. 

Giá dầu cũng được hỗ trợ nhờ sự phục hồi rộng hơn trên các thị trường tài chính sau khi ngân hàng Credit Suisse được các cơ quan quản lý Thụy Sỹ hỗ trợ và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đảm bảo với các nhà lập pháp rằng hệ thống ngân hàng của Mỹ vẫn ổn định.

Nguyễn Hằng (TTXVN)