07:16 29/07/2019

Chứng khoán ngày 29/7: VN – Index tiến sát mốc 1.000 điểm

Phiên sáng, thị trường rung lắc mạnh và sắc đỏ lan rộng. Đến cuối phiên giao dịch chiều, những mã cổ phiếu vốn hóa đứng đầu thị trường tăng mạnh giúp VN – Index đảo chiều tăng điểm thành công.

Chú thích ảnh
Nhà đầu tư theo dõi giao dịch tại sàn giao dịch Công ty Chứng khoán Vietcombank. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 29/7, VN – Index tăng 4,59 điểm lên 997,94 điểm. Khối lượng giao dịch gần 178 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 3.553 tỷ đồng. Toàn sàn có 109 mã tăng giá, 57 mã đứng giá và 193 mã giảm giá.

HNX – Index giảm 1,12 điểm xuống 105,29 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 27,2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 355 tỷ đồng. Toàn sàn có 68 mã tăng giá, 59 mã đứng giá và 81 mã giảm giá.

Trong rổ cổ phiếu VN30 (30 cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất lên thị trường chứng khoán Việt Nam) có tới 16 mã giảm giá, trong khi chỉ có 12 mã tăng giá. Tuy nhiên, các mã tăng giá có vốn hóa rất lớn giúp chỉ số VN30 kết phiên trong sắc xanh và VN – Index cũng có dịp tiến về sát mốc 1.000 điểm.

Theo đó, trong rổ cổ phiếu VN30 các mã tăng mạnh là GAS tăng tới 2,8%, VIC tăng 1,9%. Các mã VHM, VJC, MSN cũng đều kết phiên trong sắc xanh.

Trong khi đó ở chiều giảm giá, VNM giảm 0,8%, VRE giảm 1,7%, HPG giảm 2%..., là nguyên nhân kéo giảm đà tăng của chỉ số. Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, các mã như ACB, CTG, HDB, SHB, STB, TPB, VIB nhuộm đỏ. Tuy vậy, vẫn còn một số mã ngược dòng như: VCB tăng tới 3,2%, EIB tăng 2,5% và MBB tăng 0,4% giúp nâng đỡ chỉ số.

Tại nhóm cổ phiếu dầu khí, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế với sự giảm giá mạnh của PLX (1,7%), PVS giảm tới 2,2%, TDG giảm 4,9%. Ở chiều tăng giá chỉ còn PVB tăng 1% và PVD tăng 0,6%.

Sắc đỏ cũng tràn ngập nhóm cổ phiếu chứng khoán với SSI và MBS giảm 1,2%, HCM giảm 1,8%, SHS giảm 2,2%...

Phiên giao dịch hôm nay, nếu tính theo khối lượng thì nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, nhưng tính theo giá trị, khối ngoại vẫn mua ròng nhẹ.

Theo đó, trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng hơn 2 triệu cổ phiếu, nhưng tính theo giá trị khối ngoại mua ròng 9,96 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh mã VCB (hơn 29,6 tỷ đồng), tiếp đến là TCD (hơn 23,6 tỷ đồng), trong khi khối này bán ròng mạnh mã VNM (75,5 tỷ đồng), STB (32 tỷ đồng).

Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 945.020 cổ phiếu, giá trị bán ròng đạt 11,45 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh các mã PVS (hơn 5,5 tỷ đồng), tiếp đến là SHS (hơn 2,1 tỷ đồng). Hai mã VGS và CEO đều bị bán ròng ở mức 2 tỷ đồng.

Trên thị trường UPCoM, khối ngoại mua ròng 427.781 cổ phiếu. Giá trị mua ròng đạt 10,76 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh mã QNS (gần 6 tỷ đồng), MCH (hơn 3,1 tỷ đồng), BSR (hơn 2 tỷ đồng), trong khi bán ròng ACV (hơn 2,6 tỷ đồng), CTR (2,1 tỷ đồng).

Trong phiên chiều 29/7, chứng khoán châu Á hầu hết đi xuống khi giới đầu tư thận trọng theo dõi những diễn biến xung quanh cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tại Thượng Hải trong tuần này.

Kép lại phiên này, tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), Chỉ số Nikkei giảm 0,19% (41,35 điểm) xuống 21.616,8 điểm khi các nhà đầu tư “án binh” chờ đợi cuộc họp sắp tới trong tuần này của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bên cạnh những diễn biến về đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

Trong khi đó, chứng khoán Hàn Quốc kéo dài chuỗi giảm điểm sang phiên thứ tư liên tiếp và rơi xuống mức thấp nhất của hai tháng khi một loạt những yếu tố rủi ro ảnh hưởng tới nhà đầu tư, bao gồm tình hình căng thẳng thương mại chưa có dấu hiệu hạ nhiệt giữa nước này và Nhật Bản. 

Chỉ số Kospi tại thị trường Seoul phiên này giảm 1,78% (36,78 điểm) xuống còn 2.029,48 điểm – mức thấp nhất kể từ ngày 29/5 tới nay. Còn tại Trung Quốc, chứng khoán Hong Kong nằm trong nhóm giảm điểm mạnh nhất phiên này tại khu vực châu Á khi chỉ số Hang Seng để mất 1,03% (291,33 điểm) xuống 28.106,41 điểm.

Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải phiên này cũng để mất 0,12% (3,53 điểm) xuống 2.941,01 điểm.

Văn Giáp (TTXVN)