11:10 06/11/2011

Chứng khoán Mỹ tháng 11 trước nhiều thách thức

Phố Wall lại mất điểm trong phiên cuối tuần 4/11 do quan ngại Hy Lạp có thể không làm tới cùng một chương trình thắt lưng buộc bụng hết sức cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ vỡ nợ.


Phố Wall lại mất điểm trong phiên cuối tuần 4/11 do quan ngại Hy Lạp có thể không làm tới cùng một chương trình thắt lưng buộc bụng hết sức cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ vỡ nợ.

Giới đầu tư Phố Uôn dường như không tìm được cơ hội giao dịch trong khi chờ đợi cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Hy Lạp và họ đã không biết làm gì ngoài việc tận dụng đà tăng giá của cổ phiếu đêm trước để bán ra chốt lời.

Hệ quả là chỉ số Dow Jones đóng cửa giảm 61 điểm còn 11.983,24 điểm, cho dù có lấy lại được một phần trong tổng điểm 194 bị mất ngay trong giờ giao dịch đầu tiên. Tính chung cả tuần chỉ số này để mất 2%, lần không khi được điểm đầu tiên tính theo tuần kể từ tháng 9. Chỉ số S&P 500 sụt 0,6% còn 1.253,23 điểm và Nasdaq để tuột 0,4% xuống 2.686,15 điểm, đưa số điểm bị mất cả tuần ở các mức tương ứng là 2,5% và 1,9%. Mặc dù chỉ số S&P 500 đã tăng lấy lại được 14% giá trị kể từ rơi xuống mức thấp hồi tháng 10, nhưng thị trường vẫn hết sức chật vật đi lên trong bối cảnh triển vọng châu Âu tiếp tục u ám.

Các vấn đề nợ nần của châu Âu một lần nữa lại là tâm điểm thu hút giới đầu tư trong phiên cuối tuần 4/11 cũng như suốt cả những phiên trước đó.
Chứng khoán đỏ sàn trong hai phiên đầu tuần 31/10 và 1/11 sau khi Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou gây sốc thị trường khi đưa ra tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về gói cứu trợ mới mà Liên minh châu Âu (EU) mới thông qua. Rồi sau đó chính ông đã thừa nhận sai lầm. Nhưng dù sao giới đầu tư vẫn cảm thấy bất an trước sự bất ổn chính trị tại Hy Lạp bởi nó đe dọa phá hỏng những nỗ lực của châu Âu trong việc kiểm soát cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone. Phố Uôn cũng bị tổn thương nặng nề sau khi MF Global, công ty môi giới các hợp đồng tương lai từng đầu tư rất nhiều vào trái phiếu Chính phủ châu Âu, phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản và là công ty lớn đầu tiên của Mỹ trở thành nạn nhân của khủng hoảng nợ Eurozone.

Thị trường dường như ít bị tác động trước báo cáo việc làm tháng 10 của Bộ Lao động Mỹ. Theo thống kê, trong tháng các doanh nghiệp Mỹ đã tạo được thêm 80.000 việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp, tháng tăng thứ 13 liên tiếp, và trong hai tháng 8 và 9 tổng số việc làm mới được tạo thêm lên tới 102.000 người, vượt xa báo cáo ban đầu.

Thông thường báo cáo việc làm hàng tháng của Bộ Lao động Mỹ luôn thu hút giới đầu tư chứng khoán bởi nó đưa ra những bằng chứng mới về thực trạng của nền kinh tế. Tuy nhiên, lần này báo cáo lại bị những diễn biến của cuộc khủng hoảng nợ Eurozone lấn lướt.

Theo nhà phân tích thị trường Brad Sorenson từ Charles Schwab, giới đầu tư muốn những bất ổn về chính trị và kinh tế tại Hy Lạp được giải quyết ổn thỏa. Họ hết sức ái ngại nếu vỡ nợ, Hy Lạp sẽ đánh sập các ngân hàng châu Âu và gây ra sự căng thẳng tài chính ở các nền kinh tế lớn hơn ở châu Âu như Italia- nền kinh tế lớn quá lớn không thể không cứu trợ.

Cuối ngày 4/11 Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos đã thông báo với các đối tác châu Âu rằng Hy Lạp đã chính thức từ bỏ kế hoạch trưng cầu dân ý, động thái đã khiến các nhà lãnh châu Âu nổi giận. Sau đó rạng sáng 5/11, Chính phủ của Thủ tướng Papandreou đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, tránh được việc tiến hành bầu cử trước thời hạn có thể cản trở thỏa thuận cứu trợ với EU và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone.

Phố Uôn khởi động tháng 11 cùng những biến động đã kéo dài suốt 4 tháng qua. Chỉ số Dow Jones tăng hay giảm hơn 100 điểm trong 3 phiên đầu tháng. Tuy nhiên, lịch sử Phố Uôn ghi nhận tháng 11 luôn là tháng khởi đầu cho chuỗi 6 tháng khởi sắc nhất của thị trường trong vòng 12 tháng. Kể từ năm 1950 chỉ số S&P 500 đã tăng 7,1% tính từ tháng 11 năm này tới tháng 4 năm tới. Trong khi trong 6 tháng còn lại chỉ số này chỉ đạt mức tăng trung bình có 1%.

Hoàng Hà (Theo AP)