Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên 11/4, khi các ngân hàng lớn bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 và các nhà đầu tư khép lại một tuần giao dịch đầy biến động do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 619,05 điểm, hay 1,56%, lên 40.212,71 điểm; chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 95,31 điểm, hay 1,81%, lên 5.363,36 điểm; và chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 337,15 điểm, tương đương 2,06%, lên 16.724,46 điểm.
Cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều đóng phiên với mức tăng mạnh sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho nhánh Boston, bà Susan Collins, cam kết rằng Fed sẵn sàng can thiệp nếu cần thiết để đảm bảo thị trường tài chính hoạt động ổn định. Ngoài sự trấn an từ bà Collins, Chủ tịch Fed chi nhánh New York, ông John Williams, khẳng định nền kinh tế Mỹ không rơi vào tình trạng lạm phát cao kèm tăng trưởng thấp (đình lạm). Ông cũng cho biết Fed sẽ hành động để ngăn chặn nguy cơ này.
Bên cạnh đó, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu tiên đã khởi đầu thuận lợi. JPMorgan Chase, Morgan Stanley và Wells Fargo đều báo cáo lợi nhuận tốt hơn mong đợi, nhưng những cảnh báo về khả năng kinh tế giảm tốc do tranh chấp thương mại đã làm giảm bớt sự lạc quan đối với lĩnh vực này. Theo dữ liệu của LSEG, các nhà phân tích hiện dự đoán mức tăng trưởng lợi nhuận tổng hợp của các công ty trong chỉ số S&P 500 là 8,0% trong ba tháng đầu năm, kém lạc quan nhiều hơn so với mức tăng trưởng 12,2% được dự đoán vào đầu quý.
Số liệu kinh tế đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, với chỉ số giá sản xuất (PPI) của Bộ Lao động Mỹ bất ngờ giảm 0,4% trong tháng trước. Tuy nhiên, trong một báo cáo khác, tâm lý người tiêu dùng đã trở nên tiêu cực hơn. Mức dự đoán lạm phát đã tăng vọt lên 6,7%, mức cao nhất kể từ năm 1981.
Citi dự đoán S&P 500 sẽ đạt 5.800 điểm vào cuối năm nay, giảm so với mục tiêu 6.500 điểm trước đó, do ảnh hưởng từ thuế quan và các dấu hiệu giảm tốc của nền kinh tế.
Cả ba chỉ số đều tăng điểm khi tính chung cả tuần qua. Chỉ số S&P 500 và Dow Jones ghi nhận mức tăng phần trăm theo tuần lớn nhất kể từ tháng 11/2023, trong khi Nasdaq ghi nhận mức tăng phần trăm theo tuần lớn nhất kể từ tháng 11/2022.
Thị trường chứng khoán đã biến động mạnh trong suốt cả tuần do quyết định tạm hoãn áp thuế đối ứng của Mỹ và sự leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Một dấu hiệu cho thấy sự biến động này là chênh lệch giữa đáy và đỉnh của chỉ số S&P 500 trong tuần qua là lớn nhất kể từ cuối tháng 3/2020, thời điểm phần lớn thế giới bị phong tỏa do đại dịch COVID-19.
Trước đó, chứng khoán Mỹ đã liên tục đổ dốc trong hai phiên đầu tuần, do những lo ngại về nguy cơ kinh tế Mỹ giảm tốc và áp lực lạm phát gia tăng trước lập trường cứng rắn của ông Trump trong vấn đề thuế quan. Đặc biệt, chỉ số S&P 500 đã lần đầu tiên trong gần một năm đóng cửa dưới ngưỡng 5.000 điểm vào ngày 8/4.
Tuy nhiên, sau đó, động thái bất ngờ của Tổng thống Mỹ về việc tạm dừng áp thuế đối ứng đã vực dậy một thị trường đã bị bán tháo trong nhiều ngày liên tiếp, giúp Phố Wall tăng vọt trong phiên ngày 9/4, với chỉ số S&P 500 đã tăng 9,5% – mức tăng theo ngày lớn nhất kể từ tháng 10/2008, và Nasdaq bật tăng 12,2%, ghi nhận phiên tăng mạnh thứ hai trong lịch sử.
Nhưng căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến cả ba chỉ số chính của Phố Wall giảm sâu trong phiên 10/4, xóa sạch phần lớn mức tăng trong phiên trước đó.
Ông Greg Bassuk, Giám đốc điều hành của công ty AXS Investments ở New York, cho biết các nhà đầu tư đang loay hoay tìm kiếm những tín hiệu tích cực giữa bối cảnh thị trường bất ổn. Ông cảnh báo biến động và bất định đã trở thành câu chuyện thường ngày của giới đầu tư. Theo ông, thị trường đang chuẩn bị cho một giai đoạn biến động mạnh hơn nữa, và những thăng trầm trong tuần qua có thể chỉ là dấu hiệu báo trước cho những gì sắp diễn ra.
Trung Quốc đã trả đũa việc ông Trump tăng thuế lên tổng cộng 145%. Cuộc chiến thương mại này đã gây ra những biến động mạnh trên thị trường và đẩy các mức dự đoán về lạm phát ngắn hạn của người tiêu dùng lên mức cao nhất kể từ năm 1981.