09:08 24/09/2015

Chứng khoán Mỹ giảm điểm hỗ trợ giá vàng

Giá vàng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York phục hồi trong phiên 23/9, khi nhận được sự hỗ trợ từ việc chứng khoán Mỹ mất điểm.


Hợp đồng vàng giao tháng 12/2015 tăng 6,7 USD, hay 0,6%, lên mức 1.131,5 USD/ounce.


Trước đó, trong phiên, giá vàng chịu sức ép khi đồng USD tiếp tục tăng. Tuy nhiên, khi chứng khoán Mỹ giảm điểm, giá vàng đã phục hồi và chốt phiên tăng, nhờ nhu cầu đối với tài sản an toàn.


Lượng vàng mà SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, nắm giữ tăng 0,18%, lên 675,8 tấn vào ngày 22/9. Một số nhà phân tích cho rằng sự gia tăng này cũng hỗ trợ giá vàng trong phiên 23/9, khi đó là đầu tiên trong gần một tháng quỹ này nhập vàng.


Đối với các kim loại khác, bạc giao tháng 12/2015 tăng 3,3 xu, hay 0,22%, lên 14,789 USD/ounce, trong khi bạch kim giao tháng 10/2015 giảm 5,1 USD, hay 0,54%, xuống 932,4 USD/ounce.


Chứng khoán Mỹ chốt phiên 23/9 đi xuống, sau khi báo cáo cho thấy hoạt động chế tạo tại Trung Quốc giảm mạnh nhất trong sáu năm rưỡi trong tháng Chín. Chỉ số Dow Jones giảm 50,58 điểm (0,31%), xuống 16.279,89 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 3,98 điểm (0,2%), xuống 1.938,76 điểm, còn Nasdaq Composite giảm 3,98 điểm (0,08%), xuống 4.752,74 điểm.


* Thị trường năng lượng tiếp tục ảm đạm


Trong phiên giao dịch ngày 23/9, giá hai loại dầu chủ chốt đồng loạt đi xuống trên cả thị trường Mỹ và thị trường Anh, bất chấp báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm.


Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 11/2015 giảm 1,88 USD, xuống 44,48 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London của Anh, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn hạ 1,33 USD, xuống 47,75 USD/thùng.


Nguyên nhân chính dẫn tới đà giảm của giá dầu trong phiên này là do báo cáo mới nhất từ Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) cho hay sản lượng dầu của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 18/9 vừa qua đã tăng thêm 19.000 thùng/ngày, lên 9,136 triệu thùng/ngày, chấm dứt chuỗi sáu tuần giảm liên tiếp. Thông tin trên làm gia tang mối lo về tình trạng dôi dư nguồn cung dầu mỏ toàn cầu, giữa bối cảnh nhu cầu tiêu thụ vẫn có xu hướng suy yếu, đồng thời khiến giới đầu tư phớt lờ thông tin tích cực khác cũng từ DoE cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm 1,9 triệu thùng.


Ngoài ra, tâm lý của các nhà đầu tư năng lượng còn chịu sức ép bởi số liệu đáng thất vọng về hoạt động chế tạo của Trung Quốc, dấy lên thêm mối quan ngại về triển vọng nhu cầu dầu mỏ của nền kinh tế dẫn đầu châu Á này. Cụ thể, Chỉ số quản lý sức mua (PMI) ngành chế tạo của Trung Quốc trong tháng Chín đứng ở mức 47 (điểm), giảm so với mức 47,3 của tháng Tám, đồng thời đánh dấu mức PMI thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Con số này thấp hơn dự báo mà các chuyên gia phân tích của Bloomberg đưa ra trước đó là 47,5.

Lê Minh-Minh Trang (Theo THX/AFP)