11:10 30/11/2011

Chứng khoán Mỹ biến động không đồng nhất

Trong phiên giao dịch ngày 29/11, chứng khoán Mỹ đã để tuột mất đà tăng điểm mạnh của phiên trước đó và biến động thất thường, sau khi hãng hàng không danh tiếng nước này là American Airlines nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Trong phiên giao dịch ngày 29/11, chứng khoán Mỹ đã để tuột mất đà tăng điểm mạnh của phiên trước đó và biến động thất thường, sau khi hãng hàng không danh tiếng nước này là American Airlines nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Tuy nhiên, những kỳ vọng vào khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu tiếp tục hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán Phố Uôn.

Chứng khoán Mỹ biến động sau khi American Airline nộp đơn xin phá sản.


Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng khiêm tốn 32,62 điểm, tương đương 0,28%, đóng cửa ở mức 11.555,63 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng chỉ “nhích” nhẹ 2,64 điểm (0,22%) lên 1.195,19 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lại đảo chiều giảm mất 11,83 điểm (0,47%), xuống 2.515,51 điểm.

Chuyên gia phân tích Scott Marcouiller của Wells Fargo nhận định rằng sự khởi sắc mạnh mẽ của các chỉ số chứng khoán trong phiên giao dịch ngày 28/11 chủ yếu là nhờ một số kết quả kinh tế tích cực của Mỹ cũng như tâm lý lạc quan của giới đầu tư về khả năng châu Âu sẽ tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng nợ dai dẳng sau cuộc họp các bộ trưởng châu Âu diễn ra ngày 29/11 tại Brúcxen. Tuy nhiên, việc công ty mẹ của American Airlines là AMR nộp đơn xin bảo hộ phá sản đã tác động tiêu cực tới thị trường cổ phiếu và khiến giá cổ phiếu của AMR “rơi tự do”, giảm tới 84% vào cuối phiên giao dịch ngày 29/11.

Trong khi đó, thị trường lại được “trấn an” bởi kết quả một cuộc khảo sát cho thấy chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ trong tháng 11/2011 đã tăng mạnh so với tháng trước đó, đạt mức 56, sau khi chứng kiến mức suy giảm trong nhiều tháng liên tiếp, và đây được dự kiến là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2003.

Phía bên kia bờ Đại Tây Dương, các chỉ số chứng khoán châu Âu tiếp tục xu hướng đi lên của phiên hôm trước, nhờ các tín hiệu tích cực về khả năng cuộc họp các bộ trưởng tài chính châu Âu sẽ tìm ra lời giải cho bài toàn nợ công của khu vực này.

Kết thúc phiên giao dịch, tại Luân Đôn, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,46% lên 5.337 điểm, chỉ số CAC 40 của Pháp cũng tăng 0,46%, đóng cửa ở mức 3.026,76 điểm, trong khi tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX tăng 0,95%, lên 5.799,91 điểm.

Sang đầu phiên giao dịch ngày 30/11, các thị trường chứng khoán châu Á đều quay đầu đi xuống, do xuất hiện những lo ngại mới về cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, cũng như các đồn đoán về quy mô của quỹ cứu trợ tài chính dành cho các quốc gia đang ngập trong nợ nần tại khu vực này.

Mở cửa phiên, chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản giảm 70,19 điểm, tương đương 0,83%, xuống còn 8.407,63 điểm. Tại Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hồng Công cũng đều mở cửa với "sắc đỏ", khi mà chỉ số Hang Sheng và Shanghai Composite lần lượt giảm 63,91 điểm (0,35%) và 8,43 điểm (0,35%) xuống 18.192,29 điểm và 2.403,96điểm.

Minh Trang (Theo AFP)