10:16 07/10/2022

Chứng khoán chiều 7/10: Dòng tiền bắt đáy giúp thanh khoản tăng

Tiếp nối đà giảm của phiên sáng, thị trường chứng khoán phiên chiều ngày 7/10 cũng không khả quan hơn. Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy đã giúp đà giảm thu hẹp khoảng cách, thanh khoản cũng tăng cao hơn phiên sáng.

Chú thích ảnh
Chỉ số hai sàn trong phiên chiều 7/10. Ảnh chụp màn hình 

Chốt phiên, VN-Index giảm gần 39 điểm, xuống còn 1.035 điểm; HNX-Index giảm hơn 9 điểm, xuống còn 226 điểm. Toàn sàn có 170 mã tăng và hơn 790 mã giảm, trong đó có đến hơn 250 mã giảm sàn. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 1,013 tỷ cổ phiếu, tương đương tổng giá trị khoảng 18.839 tỷ đồng.

Tốp 10 cổ phiếu giảm mạnh và góp phần làm cho chỉ số thị trường giảm gần 20 điểm phải kể đến các mã: VCB, GAS, BID, MSN, TCB, CTG, MWG, MBB, VPB và GVR.

Trong phiên giao dịch này, nhóm ngành tài chính giảm mạnh nhất với -7,29%, tiếp đến là nhóm ngành chế biến thủy sản -6,55%, dịch vụ liên quan đến du lịch -5,79%, sản xuất nhựa – hóa chất -5,63%, ngân hàng -5,42% và chứng khoán -5,39%.

Nhiều công ty chứng khoán phân tích, thị trường vẫn còn tâm lý bi quan và ngày càng đang chi phối thị trường. Theo đó, rất khó để thị trường tăng điểm mạnh trong thời gian tới. Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, trong tháng 10, vận động của VN-Index sẽ được quyết định bởi vùng quan sát quan trọng 1.100 điểm. Nếu duy trì ổn định trên vùng này, VN-Index sẽ hình thành nhịp hồi phục với vùng mục tiêu quan trọng 1.142 - 1.150 điểm. Ngược lại, khi mốc 1.100 điểm bị xuyên thủng, chỉ số có thể tìm điểm cân bằng và hồi phục trở lại từ nền hỗ trợ cứng 1.025 - 1.000 điểm.

Chú thích ảnh
Nhóm ngành tài chính khác giảm mạnh nhất trong phiên chiều 7/10. Ảnh chụp màn hình

Ngoài ra, nhìn số liệu vĩ mô tháng 9/2022, SSI Research đánh giá, mặc dù tăng trưởng mạnh mẽ đến từ nền so sánh thấp do giãn cách xã hội kéo dài, nhưng khả năng mối quan tâm của nhà đầu tư sẽ dần dịch chuyển sang yếu tố tăng trưởng kết quả kinh doanh quý 3 khi kỳ công bố chính thức báo cáo tài chính (BCTC) quý đang đến gần.

Về lạm phát, ở Việt Nam thường có độ trễ so với thế giới và trên thực tế, phải đến quý 3, lạm phát mới bắt đầu có những dấu hiệu tăng tốc mạnh và tăng dần 3 tháng cuối năm, tuy nhiên mức lạm phát bình quân năm 2022 vẫn nằm trong tầm kiểm soát (ước tính 3,5%).

Về chính sách tiền tệ, nhóm các ngân hàng thương mại lẫn các ngân hàng quốc doanh đồng loạt tăng lãi suất huy động theo sau động thái nâng lãi suất điều hành của NHNN và tỷ giá USD/VNĐ vọt tăng là hai yếu tố chính gây khó cho thị trường chứng khoán tháng vừa qua.

Vì vậy, SSI Research duy trì góc nhìn thận trọng đối với diễn biến dòng tiền vào TTCK cũng như xu hướng vận động chung của thị trường, ít nhất cho tới cuộc họp Fed vào tháng 11.

Trong khi đó, theo báo cáo mới đây của Kinh tế trưởng VinaCapital - ông Michael Kokalari nhận định, lãi suất huy động VNĐ cao hơn sẽ khuyến khích USD chảy trở lại hệ thống ngân hàng, điều này cuối cùng sẽ giúp NHNN xây dựng lại quỹ dự trữ ngoại hối, mặc dù với chi phí là thị trường chứng khoán.

Mặt khác, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước, cùng với các chính sách kinh tế thận trọng của Chính phủ khiến Việt Nam phần nào trở thành “Vùng an toàn kinh tế” trong các thị trường mới nổi. Do vậy, đợt tăng lãi suất gần đây của Chính phủ là động thái mới nhất trong một loạt động thái chính sách nhằm duy trì tỷ giá USD/VNĐ ổn định, đồng thời góp phần bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo quan điểm của VinaCapital, sự bất ổn của thị trường hiện nay mang đến cho các nhà đầu tư cơ hội hấp dẫn để mua cổ phiếu Việt Nam vì định giá rẻ.

Hải Yên/Báo Tin tức