02:08 21/02/2023

Chứng khoán châu Âu 'lặng sóng'; Phố Wall đóng cửa nghỉ lễ phiên 20/2

Các thị trường chứng khoán chủ chốt của châu Âu “lặng sóng” trong phiên giao dịch đầu tuần 20/2, sau khi ghi nhận mức cao kỷ lục tại thị trường London và Paris vào tuần trước, khi các nhà đầu tư đặt cược vào triển vọng một nền kinh tế sáng sủa hơn bất chấp rủi ro suy thoái kéo dài do lạm phát cao gây ra. Thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ President’s Day.

Chú thích ảnh
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Các nhà phân tích cho biết, đồng USD tăng so với các đồng tiền chủ chốt do khả năng Mỹ nâng lãi suất nhiều lần hơn nữa, trong khi giá dầu cũng tăng.

Nhà phân tích Michael Hewson của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets (Anh) cho biết: “Giữa bối cảnh thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ, thị trường chứng khoán châu Âu cũng trải qua một phiên giao dịch khá tĩnh lặng và ảm đạm, sau khi ghi nhận các mốc kỷ lục vào tuần trước”.

Chốt phiên 20/2, chỉ số FTSE 100 của London tăng 0,1% lên 8.014,31 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris giảm 0,2% xuống 7.335,61 điểm. Chỉ số Euro Stoxx 50 giảm 0,1% xuống 4.271,18 điểm. 

Các nhà đầu tư đang chờ đợi biên bản từ cuộc họp chính sách mới đây nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để tìm manh mối về quy mô của các đợt tăng lãi suất tiếp theo của nước này. Một số thành viên Fed cho biết họ sẵn sàng tăng lãi suất 0,50 điểm phần trăm tại cuộc họp tiếp theo để tiếp tục chế ngự lạm phát, vốn vẫn tăng cao trên toàn thế giới.

Dữ liệu chính thức ngày 20/2 cho thấy, mức tăng giá tiêu dùng của Thụy Điển đã giảm nhẹ trong tháng 1/2023 nhưng lạm phát vẫn ở mức hai con số là 11,7% do giá lương thực tăng vọt đã bù đắp cho chi phí năng lượng trượt dốc.

Lạm phát cao liên tục làm dấy lên mối lo ngại rằng Mỹ và các nền kinh tế khác có thể rơi vào suy thoái trong năm nay, với các nhà bình luận cảnh báo rằng doanh thu của các công ty cũng sẽ bị ảnh hưởng. Dữ liệu tuần trước cho thấy lạm phát cũng hạ nhiệt ở Mỹ và Anh.

Cơ quan thống kê của Chính phủ Nga Rosstat cùng ngày cho biết, nền kinh tế Nga đã suy giảm 2,1% trong năm ngoái, tác động bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga do liên quan tới tình hình tại Ukraine.

Chốt phiên giao dịch ngày 20/2, tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 27,38 điểm lên 1.086,69 điểm. Khối lượng đạt hơn 682,6 triệu đơn vị, tương ứng gần 11.705 tỷ đồng. Toàn sàn có 383 mã tăng giá, 42 mã giảm giá và 52 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 5,88 điểm lên 215,83 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 91,5 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.444,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 144 mã tăng giá, 50 mã giảm giá và 42 mã đứng giá.

Minh Trang/TTXVN (Theo AFP)