05:16 07/05/2012

Chứng khoán châu Á lao dốc sau bầu cử Pháp và Hy Lạp

Giá cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán châu Á lao dốc trong phiên giao dịch ngày 7/5, sau khi kết quả bầu cử tại Pháp và Hy Lạp gây ra lo ngại rằng phản ứng tập thể đối với cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng euro (Eurozone) có thể xuất hiện dấu hiệu rạn nứt.

Giá cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán châu Á lao dốc trong phiên giao dịch ngày 7/5, sau khi kết quả bầu cử tại Pháp và Hy Lạp gây ra lo ngại rằng phản ứng tập thể đối với cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng euro (Eurozone) có thể xuất hiện dấu hiệu rạn nứt.
 
Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 2,3%, xuống mức thấp trong 3 tháng và có thể có mức giảm trong ngày mạnh nhất trong 5 tháng. Có những lo ngại lớn rằng chính phủ mới ở Hy Lạp sẽ kết thúc các biện pháp khắc khổ, điều sẽ dẫn tới tình trạng vỡ nợ một cách hỗn loạn cũng như hoạt động bán tháo các tài sản rủi ro như chứng khoán.

Ảnh minh họa. Ảnh: AFP/TTXVN.


Hai chính đảng ở Hy Lạp vốn ủng hộ các biện pháp khắc khổ đã không giành được đa số ghế trong quốc hội để có thể thành lập liên minh, điều đang gây rủi ro cho những chính sách đã bảo vệ Aten khỏi nguy cơ phá sản và phải ra khỏi Eurozone.

Trong khi đó, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Pháp là điều đã được dự đoán trước. Ông Francois Hollande đã giành chiến thắng trước ông Nicolas Sarkozy, người đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng các kế hoạch cứu trợ các nước thành viên Eurozone đang ngập trong nợ nần cũng như trong việc thúc đẩy các chính sách tài khóa thặt chặt nhằm kiểm soát nợ công.

Điều các thị trường dự đoán sau cuộc bầu cử là vị tân Tổng thống sẽ thực hiện các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng thay vì các biện pháp khắc khổ để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách của nước Pháp.

Các kết quả bầu cử tại Pháp và Hy Lạp đang đe dọa tới sự đồng thuận về chính trị trong vấn đề chính sách ở Eurozone, điều đã giúp duy trì sự tồn tại của liên minh tiền tệ trong hơn hai năm xảy ra khủng hoảng, trong khi đặt ra sức ép đối với Đức trong việc phải ngả nhiều hơn về vấn đề tăng trưởng khi đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã ngỏ lời mời ông Hollande sớm tới Béclin để tham dự cuộc họp nhằm xây dựng nền tảng cho sự đồng thuận trong các chính sách tăng trưởng vì sự ổn định tài chính của Eurozone trong tương lai.

Niềm tin của thị trường cũng giảm sút khi các số liệu công bố cuối tuần trước cho thấy hoạt động trong lĩnh vực tư ở Eurozone giảm mạnh trong tháng 4, với chỉ số quản lý sức mua giảm xuống 46,7 điểm. Trong khi đó, những lo ngại về kinh tế toàn cầu còn tăng thêm khi các số liệu cho thấy kinh tế Mỹ chỉ tạo thêm 115.000 việc làm trong tháng trước, thấp hơn so với dự đoán và chưa bằng một nửa so với con số hồi đầu năm.

Nếu các số liệu mà Trung Quốc công bố trong tuần này như số liệu về thương mại, giá tiêu dùng và sản lượng công nghiệp cũng yếu hơn, cho thấy triển vọng tăng trưởng còn mong manh của kinh tế toàn cầu thì sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro sẽ còn giảm nhiều hơn nữa.

Lê Minh (Theo Reuters, AFP)