12:09 17/12/2015

Chứng khoán Âu - Mỹ đồng loạt đi lên sau quyết định lịch sử của FED

Màu xanh đã bao phủ trên hầu khắp các sàn chứng khoán tại châu Âu và Mỹ trong phiên giao dịch ngày 16/12 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập niên, đồng thời cam kết một lộ trình nâng dần lãi suất trong tương lai.

Giao dịch viên làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 16/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Đóng cửa phiên, cả ba chỉ số chủ chốt của Phố Wall đều đồng loạt tăng điểm, với các mức tăng tương đối mạnh, trong đó Dow Jones Industrial Average tăng 224, 18 điểm (1,28%) lên chốt phiên 17. 749, 09 điểm; S&P 500 tăng 29,66 điểm (1,45%) lên 2.073,07 điểm và Nasdaq Composite tăng 75, 78 điểm (1,52 %) lên 5.071,13 điểm.

Kết thúc cuộc họp hai ngày 15-16/12 (cũng là phiên họp cuối cùng của FED trong năm 2015), ngân hàng này đã nâng tỷ lệ lãi suất ở mức thấp kỷ lục gần bằng 0% - được neo trong suốt bảy năm qua nhằm giúp phục hồi nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng - thêm 0,25%, lên mức 0,25-0,50%, đồng thời nhận định rằng nền kinh tế đang tăng trưởng ở mức khiêm tốn.

Các nhà phân tích hoan nghênh quyết định này của FED, đặc biệt là cam kết “nâng dần” lãi suất trong tương lai. Nhiều ý kiến cho rằng quyết định nâng lãi suất lần này là “không có gì đáng ngạc nhiên” và đây cũng chính là lý do khiến thị trường phản ứng tích cực với quyết định này.

Chứng khoán châu Âu cùng ngày cũng xanh sàn, dù mức tăng có khiêm tốn hơn, với cả ba thị trường chủ chốt của khu vực đều tăng điểm, trong đó FTSE 100 của Anh tăng 0,7%, trong khi DAX của Đức và CAC 40 của Pháp đều tăng nhẹ 0,2%. Cả ba chỉ số này đều đã có lúc trong phiên tăng được gần 1,0%.

Giá dầu chạm "đáy" mới trên thị trường Mỹ

Trong phiên giao dịch ngày 16/12, giá dầu thế giới chạm đáy mới của nhiều năm qua, sau khi báo cáo mới nhất từ Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) cho thấy dự trữ dầu thô của nền kinh tế số 1 thế giới tăng mạnh trong tuần trước, đồng thời nguồn cung các chế phẩm dầu mỏ cũng có xu hướng đi lên.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 1/2016 giảm 1,83 USD xuống 35,52 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 2/2009. Trong khi đó, tại thị trường London của Anh, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng hạ 1,26 USD, xuống 37,19 USD/thùng.

Báo cáo của DoE cho hay dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 11/12 tăng 4,8 triệu thùng, trong khi nguồn cung xăng và các chế phẩm chưng cất cũng đồng loạt tăng. Thông tin này tạo thêm không khí ảm đạm cho thị trường năng lượng, vốn liên tục chứng kiến đà đi xuống trong thời gian qua do tình trạng dôi dư nguồn cung trên toàn cầu.

"Vàng đen" còn chịu sức ép giảm sâu hơn sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) quyết định giữ nguyên sản lượng tại cuộc họp chính sách mới nhất diễn ra hồi đầu tháng 12 nhằm duy trì thị phần.

Đúng như dự đoán, vào rạng sáng nay (giờ Việt Nam), FED đã chính thức quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập niên thêm 0,25 điểm phần trăm lên 0,25-0,5% với nhận định các điều kiện trên thị trường lao động Mỹ đã được cải thiện đáng kể trong năm nay và bày tỏ tin tưởng rằng lạm phát trong thời gian trung hạn sẽ tăng lên mức mục tiêu 2%.

Động thái này của FED cũng phần nào tác động tiêu cực tới thị trường dầu mỏ bởi việc nâng lãi suất sẽ giúp đồng USD mạnh lên, khiến các mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này như dầu mỏ trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, trong buổi họp báo ngày 16/12, Chủ tịch FED Janet Yellen dự đoán rằng giá dầu mỏ thế giới sẽ bình ổn trở lại.

Thùy Chi, Minh Trang (Theo AFP, Reuters)