Trong những ngày cuối tháng 7 kỷ niệm 25 năm thành lập thị trường chứng khoán (28/7/2000 - 28/7/2025), VN-Index lập đỉnh cao nhất mọi thời đại, thanh khoản bùng nổ, dòng vốn sôi động. Không chỉ là cột mốc lịch sử, đây còn là dấu hiệu mở ra một giai đoạn phát triển mới khi kỳ vọng nâng hạng thị trường và dòng vốn dài hạn đang được kích hoạt mạnh.
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán. Ảnh tư liệu: Hứa Chung/TTXVN
Bài 1: Tạo nền cho bước ngoặt mới
Chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn tưng bừng nhất trong nhiều năm trở lại đây. Thị trường liên tục đi lên mạnh mẽ cùng giao dịch sôi động, VN-Index đã vượt đỉnh lịch sử (đạt 1.531 điểm). Điều này càng trở nên ý nghĩa khi diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm thành lập thị trường chứng khoán.
Sau 1/4 thế kỷ hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc về mọi mặt. Từ 2 cổ phiếu ban đầu là REE và SAM, thị trường chứng khoán đến nay đã có gần 1.700 mã chứng khoán bao gồm hơn 700 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên HOSE và HNX, cùng gần 900 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCOM.
Các cổ phiếu trải khắp các lĩnh vực từ tài chính - ngân hàng, bất động sản, thép, bán lẻ, công nghệ… tạo ra một thị trường với đa dạng hàng hóa cho nhà đầu tư lựa chọn. Sự ra đời của các sản phẩm quan trọng như chứng khoán phái sinh, chứng quyền có đảm bảo… cũng góp phần thúc đẩy thị trường cơ sở phát triển.
Từ con số 0 vào những năm 2000, quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán hiện đã vượt mốc 8,2 triệu tỷ đồng - mức cao nhất trong lịch sử, tương đương khoảng 70% GDP của Việt Nam năm 2024. Riêng sàn HOSE ghi nhận giá trị vốn hóa hơn 6,4 triệu tỷ đồng - cũng là con số kỷ lục tính đến tháng 7/2025.
Vốn hóa thị trường tăng vượt bậc một phần đến từ các doanh nghiệp niêm yết mới, đặc biệt là những “bom tấn” có quy mô lớn. Cùng với sự đi lên của thị trường, danh sách các doanh nghiệp có vốn hóa từ 1 tỷ USD ngày càng dài, có thể kể đến như Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex)…
Sự gia tăng số lượng doanh nghiệp tỷ USD phản ánh chất lượng hàng hóa trên thị trường ngày càng được cải thiện. Đây là yếu tố đầu tiên và cũng là quan trọng nhất để thu hút dòng vốn đầu tư dài hạn, thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng bền vững, thay vì những con sóng đầu cơ đơn thuần.
Thị trường phát triển mạnh thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia, đặc biệt là sau thời COVID-19 khi chứng khoán được xếp vào loại hàng hóa thiết yếu, hoạt động bình thường. Từ 3.000 tài khoản cách đây 25 năm, đến nay thị trường đã có đến hơn 10 triệu tài khoản chứng khoán với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp trong xã hội.
Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 của Chính phủ, Việt Nam đang hướng đến mốc 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Với tốc độ lan toả như hiện nay, nhiều khả năng mục tiêu này sẽ được hoàn thành trước thời hạn. Dù vậy, so với quy mô dân số, lượng nhà đầu tư chứng khoán vẫn rất khiêm tốn và còn nhiều dư địa để phát triển.
Sự bùng nổ số lượng tài khoản đến từ nhiều yếu tố. Sự phát triển của công nghệ giao dịch trực tuyến và các ứng dụng đầu tư thông minh như của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect),… giúp nhà đầu tư cá nhân dễ dàng tiếp cận thị trường. Ngoài ra, xu hướng miễn phí giao dịch đang lan rộng trong ngành chứng khoán, góp phần thu hút nhà đầu tư.
Làn sóng nhà đầu tư mới tham gia góp phần cải thiện đáng kể thanh khoản thị trường. Các phiên khớp lệnh tỷ USD ngày càng nhiều. Thậm chí, có những thời điểm giá trị giao dịch một phiên vượt ngưỡng 50.000 tỷ đồng (tính chung cả 3 sàn). Đây là những con số chỉ có trong giấc mơ của nhà đầu tư chứng khoán hơn 2 thập kỷ trước.
Khách hàng giao dịch tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Trong buổi gặp gỡ Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính mới đây, ông Gerald Toledano, thành viên Ban Điều hành, Giám đốc mảng sản phẩm cổ phiếu và đa tài sản toàn cầu của tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell cho rằng, quá trình phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt về tính thanh khoản, lớn nhất ở ASEAN, vượt qua cả Thái Lan và Singapore.
Trải qua 25 năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc, nhưng vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Một trong những mục tiêu quan trọng là nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Điều này không chỉ thu hút thêm vốn ngoại mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính toàn cầu.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức lớn trong và ngoài nước, sau những nỗ lực từ phía cơ quan quản lý và thành viên thị trường, chứng khoán Việt Nam khả năng cao sẽ được FTSE Russell nâng hạng lên thị trường mới nổi ngay trong năm nay hoặc đầu 2026 và xa hơn có thể được MSCI nâng hạng vào năm 2027.
Nếu được nâng hạng, dòng vốn ngoại có thể sẽ đảo chiều sau nhiều năm bán ròng triền miên. Theo một số dự báo, hàng tỷ USD vốn ngoại có thể đổ vào chứng khoán Việt Nam sau khi nâng hạng, thậm chí sớm hơn. Dòng vốn này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thanh khoản, kích hoạt làn sóng IPO (bán cổ phần lần đầu ra công chúng) và niêm yết các doanh nghiệp mới, qua đó bổ sung hàng hóa chất lượng cho thị trường chứng khoán.
Có thể thấy, sau 1/4 thế kỷ, chứng khoán Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ từ một thị trường sơ khai thành một trong những trụ cột, kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Với các chính sách hỗ trợ và nỗ lực cải cách, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá, hướng tới mục tiêu trở thành thị trường mới nổi, đóng góp lớn vào kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Bài cuối: Kỳ vọng nâng hạng, đón dòng vốn mới