11:06 03/11/2016

Chung cư cao tầng “bóp nghẹt” không gian Hà Nội

Phải chăng quy hoạch chung cư đang có vấn đề, hay có việc “làm ngơ”, “bật xi nhan” cho tình trạng này.

Tình trạng chung cư cao tầng gần đây mọc lên như nấm sau mưa, nhồi nhét trên những khu vực vốn đã quá tải về hạ tầng khiến áp lực dân số ngày càng lớn. 

“Phá nát” quy hoạch

Chung cư cao tầng mọc lên nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân. Tại một đô thị trung tâm như Hà Nội thì nhu cầu ấy rất lớn. Nắm bắt được điều này, các chủ đầu tư đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở quy mô lớn, đặc biệt tại các quận nội thành. Trên một diện tích đất hữu hạn, để tối đa lợi nhuận, chủ đầu tư chọn xây dựng chung cư cao hàng chục tầng, thậm chí xây vượt cả giấy phép xây dựng.

Khu đô thị (KĐT) Linh Đàm (quận Hoàng Mai), mặc dù là Khu đô thị kiểu mẫu của Hà Nội nhưng không ít người dân cảm thấy ngán ngẩm khi nhắc đến hai chữ “kiểu mẫu”. Ngày nào cũng như ngày nào, anh Phạm Duy Khánh, một người dân sống tại khu vực Bắc Linh Đàm đều phải bon chen trong dòng xe cộ dày đặc để “thoát” ra khỏi KĐT này đi làm ở quận Hoàn Kiếm. Hồi mới nhận nhà ở đây, anh không thể ngờ mật độ dân số lại tăng nhanh như vậy.

“Cả chục năm nay, bao nhiêu tòa chung cư mọc lên ở trong bán đảo Linh Đàm, khu Bắc Linh Đàm và Tây Nam Linh Đàm nhưng đường xá thì vẫn vậy. Cả khu vực này có đến hàng trăm nghìn con người nhưng chỉ có thể kết nối ra đường Giải Phóng bằng đường Nguyễn Hữu Thọ vốn rất nhỏ hẹp. Đường vành đai 3 thì đang bị cụt lại ở chân cầu vượt bán đảo Linh Đàm. Điều này khiến giao thông ở đây luôn ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm”, anh Khánh cho biết.

Theo quan sát của phóng viên, từ khi 9 tòa nhà cao đến 40 tầng của chủ đầu tư Mường Thanh mọc lên ở đây, giao thông ngày càng trở nên ách tắc. Mới đây, để giải bài toán này, TP Hà Nội đã phê duyệt dự án cầu vượt Linh Đàm để mở thêm một “lối thoát” cho cư dân tại KĐT này. Có vẻ như quy hoạch đang phải “chạy theo” dự án chứ không phải dự án làm theo quy hoạch, khi mà các con đường mới chỉ mọc lên sau khi KĐT đã quá tải về giao thông.

Tương tự, tại KĐT Xa La (phường Phúc La, Hà Đông), nhà ông Đinh Văn Định là một trong những hộ đầu tiên sinh sống tại đây nên ông hiểu rất rõ mức tăng dân số. Tính trung bình có 400 hộ/tòa nhà, tức là gần 1.200 hộ/3 tòa chung cư. Năm 2011, phường Phúc La chỉ có 17.000 người nhưng năm nay đã tăng lên hơn 30.000 người. Với tốc độ tăng dân số nhanh như vậy, phường Phúc La đang dẫn đầu về dân số tại quận Hà Đông.

“Giá thành ở khu chung cư này hợp lý nên nhiều hộ gia đình trẻ ngoại tỉnh tích góp tiền và mua nhà định cư tại Hà Nội”, ông Định nói. Còn ông Nguyễn Đức Tiến, Chủ tịch phường Phúc La thì than thở: “Các KĐT mọc lên rất nhiều khiến không thể đảm bảo đủ trường học cho các cháu học sinh. Công việc hành chính của phường cũng bị quá tải”.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc cấp phép xây dựng công trình mới vào các KĐT hiện có đang bất cập. Đó cũng là nhược điểm của quy hoạch ở ta. Một khu vực đang đảm bảo các yếu tố về quy hoạch như giao thông, hạ tầng xã hội nhưng chỉ cần một khu chung cư được cấp phép thì quy hoạch chung có thể bị phá vỡ.

Ông Liêm cho biết, phát triển đô thị ở Việt Nam đang theo kiểu cứ thừa chút đất nào thì lại cho xây dựng chung cư là rất bất cập. Ông Liêm dẫn chứng, để chống ùn tắc giao thông trong đô thị, Chính phủ đã ra quyết định chuyển các nhà máy, bệnh viện, trường học ra ngoài thành phố. Thế nhưng, sau một thời gian lại mọc ra nhiều khu chung cư, thậm chí cả khu KĐT mới.

Một thực trạng khác cũng rất đáng lo lắng là việc các khu chung cư sau khi đã được cấp phép lại xin điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh quy mô dân số. Đơn cử như trường hợp KĐT mới Mỗ Lao (Hà Đông). Tại Quyết định 738 của UBND tỉnh Hà Tây cũ (ngày 28/4/2006) phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng KĐT mới Mỗ Lao, quy mô KĐT là khoảng 62,26 ha, dân số khoảng 15.544 người. Tuy nhiên, sau đó, KĐT này liên tục được điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng diện tích xây dựng nhà ở và giảm diện tích xây dựng giao thông.

Đến nay, KĐT Mỗ Lao đã trải qua… 23 lần điều chỉnh quy hoạch và đều tăng diện tích xây dựng. Quy mô dân số tăng lên khoảng 47.684 người. Tại Kết luận thanh tra số 276 (ngày 12/10/2015) do Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên ký đã nêu rõ: “Hậu quả sau các lần điều chỉnh phá vỡ quy hoạch chi tiết 1/500 ban đầu của KĐT mới Mỗ Lao; không còn đảm bảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng. Phần lớn nội dung các lần điều chỉnh đều là tăng diện tích đất kinh doanh, tăng diện tích sàn căn hộ để bán cho khách hàng”.

Một vị đại diện Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, năm 2015, Bộ Xây dựng vào thanh tra tổng thể dự án KĐT mới Mỗ Lao. Thanh tra Bộ sẽ tiến hành thanh tra tiếp, nếu chủ đầu tư sai phạm sẽ bị xử phạt theo quy định.

Chính vì phá vỡ quy hoạch nên các yếu tố hạ tầng xã hội cũng quá tải. Tình trạng thiếu trường diễn ra phổ biến tại những KĐT lớn như: Nam Trung Yên (Cầu Giấy), Linh Đàm (Hoàng Mai), Văn Khê (Hà Đông)... dù theo quy hoạch phê duyệt ban đầu đều có đầy đủ trường học.

Có sự buông lỏng quản lý?

Trong Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu khống chế mật độ dân số các quận trung tâm và giảm dần đến năm 2050. Như vậy, mục tiêu là phải hạn chế phát triển dự án mới, hạn chế chiều cao của các tòa chung cư. Thế nhưng gần đây, các cao ốc lại thi nhau mọc lên, tình trạng tự ý nâng chiều cao cao ốc diễn ra phổ biến.

Theo các chuyên gia, tất cả các dự án đều phải quản lý chặt theo quy hoạch, không cho xây thêm các công trình ngoài quy hoạch.

Nhiều chuyên gia quy hoạch, xây dựng cho rằng, để xảy ra tình trạng chung cư cao tầng mọc lên dày đặc, KĐT liên tục thay đổi quy hoạch làm tăng quy mô dân số là lỗi của cơ quan quản lý.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội phân tích, việc chủ đầu tư các khu KĐT mới liên tục điều chỉnh quy hoạch, thay đổi quy mô dân số, diện tích xây dựng phải xem thời điểm duyệt thay đổi quy hoạch. Trong quy định được phép điều chỉnh quy hoạch khi có diễn biến khác về kinh tế xã hội, đặc biệt là quy hoạch chung.

“Đối với Hà Nội, năm 2011 đã duyệt quy hoạch chung. Vừa rồi kết thúc năm 2015 có đủ quy hoạch phân khu, việc điều chỉnh quy hoạch có thể xem xét chấp thuận nhưng phải phù hợp với quy hoạch phân khu, quy hoạch chung của Hà Nội. Tất cả những điều chỉnh trước đó đều phải xem xét lại”, ông Nghiêm nói.

Trong trường hợp điều chỉnh tăng dân số, hạ tầng xã hội phải tăng theo chứ không giảm đi. “Điều chỉnh quy hoạch không chỉ là cơ quan quản lý đưa ra mà phải có ý kiến cộng đồng (các tổ chức xã hội, cư dân KĐT). Liệu chủ đầu tư và nhà quản lý có sự móc nối nào không? Trong khi yêu cầu cần có nhiều trường học, sân chơi nhưng lại điều chỉnh tăng dân số lên, giảm khu đất này đi”, ông Nghiêm đặt câu hỏi.

Cũng theo chuyên gia này, quy hoạch hiện chưa gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện. “Có quy hoạch rồi nhưng phải hiểu quy hoạch là định hướng với tầm nhìn dài hạn. Cùng với quy hoạch, phải chú trọng phân đợt xây dựng và phải gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện chứ không phải một đợt ngắn làm được ngay”, ông Nghiêm đề nghị.

Ngày 31/10 vừa qua, Ban Đô thị Hội đồng nhân dân TP Hà Nội tổ chức giám sát Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội về kết quả thực hiện quy hoạch theo quy định của Luật Thủ đô và Nghị quyết số 06/2013/NQ-HĐND. Đoàn giám sát đánh giá Sở Quy hoạch - Kiến trúc chưa làm tốt công tác di dời nhà máy, xí nghiệp, cơ quan ra khỏi khu vực nội đô cũng như sử dụng quỹ đất sau khi đã di dời. Đoàn giám sát đề nghị Sở thực thi đầy đủ và đúng yêu cầu theo Điều 9 Luật Thủ đô; phối hợp với các sở và UBND quận, huyện để thực hiện di dời và sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục và các cơ quan, công sở trong nội thành Hà Nội.

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: 

Chính cơ chế xin - cho, khi người xin và người cho đều có lợi, và nhóm lợi ích đã dẫn tới tình trạng quá tải. Như vậy là quy hoạch có vấn đề mà xây dựng, tổ chức thực hiện cũng có vấn đề. Xét cho cùng, người lãnh đạo của thành phố, quận về công tác xây dựng phải chịu trách nhiệm. 

KTS Nguyễn Tấn Vạn: 

Tất cả các dự án đều phải quản lý chặt theo quy hoạch, không cho xây thêm các công trình ngoài quy hoạch. Không để các dự án tự điều chỉnh quy hoạch, dẫn đến kiến trúc bị phá vỡ. Phải kiểm soát chặt chẽ, từng dự án dù lớn hay nhỏ. 

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội): 

Rất nhiều ý kiến yêu cầu sau khi di dời nhà máy, xí nghiệp phải trồng cây xanh nhưng nay lại nhồi nhét chung cư vào, gây quá tải. Nếu là doanh nghiệp của Hà Nội thì trách nhiệm thuộc UBND TP Hà Nội. Nếu là các Tập đoàn, Tổng công ty lớn thì thuộc trách nhiệm của Bộ Xây dựng. Chúng ta mở rộng địa giới hành chính Hà Nội để đầu tư ra xa, giãn mật độ dân cư, giãn mật độ khu phố cũ nhưng thực tế khu phố cũ, phố cổ vẫn nhiều công trình lớn mọc lên, trong khi những KĐT ven đô xây dựng với mật độ dày đặc. Người dân kêu ca, đổ lỗi cho ngành giao thông nhưng thực ra ngành giao thông cũng là nạn nhân của việc quy hoạch và đầu tư xây dựng không hợp lý. Từ việc quản lý thiếu minh bạch, thiếu tầm nhìn khiến ngành nọ “chèn” ngành kia, Chính phủ phải chấn chỉnh lại.


Nhóm PV