01:18 30/01/2013

Chức sắc tôn giáo đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Ngày 30/1, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chức sắc, nhà tu hành một số tổ chức tôn giáo góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Ngày 30/1, tại TP. Hồ Chí Minh, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chức sắc, nhà tu hành một số tổ chức tôn giáo góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đồng tình việc sửa đổi Hiến pháp 1992 là cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước hiện nay cũng như trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Cơ bản đồng ý các nội dung sửa đổi mà Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đưa ra, Thượng tọa Huệ Thông, Văn phòng 2 Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Điều 2 của bản dự thảo cần làm rõ và phân công cụ thể hơn: Quốc hội là cơ quan lập pháp, Chính phủ là cơ quan hành pháp, Tòa án là cơ quan xét xử, Viện kiểm soát là cơ quan công tố viên.

Đề cập đến Điều 25 có nội dung liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo, nhiều đại biểu đề nghị trong Hiến pháp sửa đổi nên quy định rõ hơn. Cụ thể như trong khoản 1, Điều 25 nên thêm “không ai có quyền bắt buộc theo hay không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”; khoản 2 Điều 25 nên thêm “… không ai có quyền xúc phạm đến niềm tin, lý tưởng, giáo lý của các tôn giáo đang sinh hoạt hợp pháp”.

Về điều 25, theo Thượng tọa Huệ Thông, Dự thảo nên thêm nội dung: Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng theo pháp luật, hiến chương, điều lệ của các tôn giáo đã được Nhà nước cho phép theo luật định; tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo tham gia chương trình xã hội hóa giáo dục, y tế, từ thiện”, “… Các tổ chức tôn giáo là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ”.

Đánh giá bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có nhiều tiến bộ, Linh mục Hà Văn Minh, Giáo phận Phú Cường, Bình Dương cho rằng: Điều 11 và Điều 48 liên quan đến vấn đề bảo vệ Tổ quốc rất quan trọng. Tuy nhiên, trong dự thảo khi nói vấn đề này mới chỉ nói đến nghĩa vụ quân sự, tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân mà chưa đề cập đến quyền của người dân đóng góp ý kiến để bảo vệ Tổ quốc khi Tổ quốc có nguy cơ bị xâm lăng.

Liên quan Điều 40, theo linh mục Hà Văn Minh, Hiến pháp nên làm rõ vấn đề chăm sóc và giáo dục trẻ em. Phải xác định rõ triết lý giáo dục rõ ràng,giáo dục chỉ là giáo dục kiến thức mà phải bao gồm giáo dục về nhân phẩm, quyền con người, quyền công dân.


Hoàng Anh Tuấn