07:15 21/07/2016

Chuẩn quốc gia nhưng không còn chuẩn

Những năm qua, mạng lưới các trạm y tế phường, xã tại Tây Nguyên chưa thực sự phát huy hết hiệu quả. Từ đó dẫn tới một nghịch lý, trong khi các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố thường xuyên quá tải thì tại các tuyến y tế cơ sở lại quá vắng vẻ, không thể giảm tải được cho tuyến trên.

Cơ sở vật chất xuống cấp

Có mặt tại Trạm y tế xã Ia Đêr 3, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Khó có thể hình dung đây là một trạm y tế đạt chuẩn quốc gia từ năm 2011 với 7 cán bộ, đang phục vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như làm công tác dự phòng cho gần 10.000 dân của xã (trong đó 95% là đồng bào Jơ Rai). Y sĩ Puih A Lốt, người dân tộc Jơ Rai trực tiếp quản lý Trạm y tế xã Ia Đêr chỉ cho tôi những ô kính vỡ, mảng tường loang lổ ẩm mốc, trần nhà thủng lỗ chỗ đến mức cành cây rơi xuống đâm chọc vào bệnh nhân nằm dưới. Trong phòng là những ghế giường bệnh nhân gãy mục, hoen gỉ, tủ dụng cụ y tế cáu két lâu không dùng. Các trang thiết bị y tế quá cũ, nhiều thứ hỏng hóc không sử dụng được.

Trạm y tế xã Ia Đêr 3, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đạt chuẩn quốc gia nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng.

Có lẽ thứ còn mới nhất ở trạm chính là tấm Bằng công nhận chuẩn quốc gia về y tế xã do UBND tỉnh Gia Lai cấp ngày 12/1/2011. A Lốt là y sĩ công tác tại trạm đã gần 20 năm, anh cho biết: “Trạm tiếng là chuẩn quốc gia nhưng hiện nay cơ sở vật chất không đảm bảo an toàn. Các phòng lưu trú bệnh nhân, giường nằm, ghế sinh, tủ hấp dụng cụ… đều như hỏng. Thậm chí cửa kính, tường, trần nhà cũng vỡ nhiều chỗ mà chưa sửa được. Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến với cấp trên nhưng chưa được đầu tư, nâng cấp hay trang bị gì. Nói thật đau lòng, tôi cũng là người Jơ Rai mà nhiều lúc đồng bào đến khám chữa bệnh, đến sinh nở nhưng phải khuyên họ lên thành phố Pleiku chứ ở đây không bảo đảm. Hai ngày đầu tháng là người dân tập trung về trạm đông nhất, nhưng không phải để khám chữa bệnh mà là nộp tiền điện, do bên điện lực mượn địa điểm thu”.

Không riêng gì trạm y tế xã Ia Đêr 3, huyện Ia Grai; trạm y tế xã Ia Ka, huyện Chư Păh cũng trong tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, thiết bị y tế hư hỏng, một số thiết bị còn chưa được đưa vào sử dụng. Trạm được công nhận chuẩn quốc gia năm 2012 nhưng trung bình mỗi tháng chỉ có khoảng 150 người tới khám bệnh. Chị Trịnh Thị Thu Thúy, thôn 3, làng Ngó 3, xã Ia Ka chia sẻ: “Nhà tôi ở gần trạm y tế xã nhưng hầu như tôi không đến bao giờ. Nếu trong gia đình có ai đau bệnh hay làm sao thì thường đưa ra thành phố luôn chứ cũng không muốn đến trạm. Trước đây, có lần tôi đưa người nhà đến trạm để xin bông băng cho người nhà bị tai nạn nhưng thái độ của cán bộ ở đây không thoải mái nên từ đó tôi không tới nữa”.

Cần thẩm định lại “chuẩn y tế xã”

Ông Đinh Hà Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết, toàn tỉnh hiện có 137/222 xã đạt chuẩn quốc gia y tế xã (công nhận trước năm 2011), tuy nhiên theo tiêu chí mới thì chỉ có 98 xã (hơn 44%). Theo quy định mới, cứ 3 năm sẽ tiến hành thẩm định lại tiêu chí trạm y tế một lần, nếu không đạt thì sẽ hủy công nhận.

Nhưng thực tế cho thấy không ít trạm y tế đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí cũ đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng đến nay vẫn chưa được thẩm định lại hay đầu tư bổ sung. Cũng theo ông Đinh Hà Nam, các trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh mới có khoảng 155 bác sĩ đang công tác trực tiếp. Trong khi nhu cầu thực tế còn gần 80 trạm y tế xã chưa có bác sĩ mà phải tăng cường từ tuyến trên về. Các trang thiết bị được đầu tư tại các trạm y tế chủ yếu là các trang thiết bị đơn giản, phục vụ cho các hoạt động cơ bản trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại tuyến xã. Tuy nhiên có rất ít trạm có đủ 70% danh mục trang thiết bị theo quy định của Bộ Y tế. Một số trang thiết bị, dụng cụ y tế thiết yếu được viện trợ từ dự án nước ngoài, các tổ chức phi Chính phủ, các chương trình an sinh xã hội nên khi đưa vào sử dụng không đồng bộ, không phát huy hết hiệu quả khám chữa bệnh.

Câu chuyện trạm y tế đạt chuẩn quốc gia không còn chuẩn chắc chắn không riêng của tỉnh Gia Lai mà của cả các tỉnh vùng Tây Nguyên và các địa phương khác trên cả nước. Việc xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị y tế ban đầu đã khó, nhưng để duy trì các tiêu chí trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia còn khó hơn nhiều. Điều rất dễ nhận thấy ở trạm y tế tuyến xã là các vườn cây thuốc nam ở đâu cũng trơ chọi, bỏ hoang, các phòng chức năng không bảo đảm. Thiết bị y tế hư hỏng, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ y tế cơ sở chưa tận tâm…

Khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị là nguyên nhân khiến nhiều địa phương vùng Tây Nguyên đang loay hoay trong việc tạo nguồn đầu tư, phấn đấu đạt chuẩn. Bên cạnh đó việc chậm đào tạo nguồn nhân lực, y bác sĩ, nhân viên y tế, thao tác máy móc hiện đại cũng là một trong những nan giải mà hệ thống y tế cơ sở chưa thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Từ những nguyên nhân kể trên nên người dân khi mắc bệnh nhưng vẫn thiếu “mặn mà” khi tới các trạm y tế xã.

Tỉnh Gia Lai phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30 trạm y tế được xây mới, 100% số xã có bác sĩ, nữ hộ sinh trung học và có cán bộ có trình độ dược trung cấp và y học cổ truyền... 

Ông Đinh Hà Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai


Bài và ảnh: Trường Giang - Viết Tôn