05:20 10/05/2021

Chuẩn bị kịch bản chi tiết cho mọi tình huống diễn biến phức tạp của dịch COVID-19

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các tỉnh Long An và Thừa Thiên - Huế đang tích cực, chủ động trong công tác phòng, chống dịch thông qua việc xây dựng các kịch bản ứng phó khẩn cấp.

Kịch bản khi dịch diễn biến phức tạp

Chú thích ảnh
Phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại trường Trung học cơ sở Thống Nhất, thành phố Tân An. Ảnh (tư liệu): Đức Hạnh/TTXVN 

Tại Hội nghị trực tuyến với Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành ngày 10/5, nhằm quán triệt công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm đối với người trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo chuẩn bị kịch bản chi tiết cho mọi tình huống diễn biến phức tạp của dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Các địa phương cần củng cố hoặc thành lập ngay các tổ, đội phản ứng nhanh; xây dựng kịch bản chi tiết cho công tác bầu cử trong điều kiện dịch bệnh, đồng thời chuẩn bị năng lực chữa bệnh cho kịch bản có khoảng 500 - 1.000 trường hợp nhiễm bệnh (nếu có). Chủ tịch UBND tỉnh Long An đặc biệt lưu ý cần chuẩn bị kỹ, đảm bảo năng lực truy vết khoanh vùng khi có ca nhiễm trong cộng đồng, để không bị lúng túng.

Tỉnh Long An đã hạn chế các sự kiện đông người; các sự kiện, hội họp quy định tập trung không quá 50 người, tuyệt đối tuân thủ Thông điệp 5K. Tùy các cấp học, Sở Giáo dục và Đào tạo đảm bảo cho học sinh kiểm tra cuối học kỳ 2, sau đó có kế hoạch cho học sinh tạm dừng đến trường, học trực tuyến, ôn thi cho học sinh cuối cấp phải đảm bảo an toàn phòng dịch.

Ông Nguyễn Văn Út lưu ý, công tác phòng, chống dịch COVID-19 còn dài và đặc biệt quan trọng đối với cán bộ, chiến sĩ trên tuyến biên giới, các địa phương, đơn vị phải có báo cáo cụ thể khó khăn vướng mắc về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để có giải quyết kịp thời. Đặc biệt, không để tình trạng nơi thừa, nơi thiếu trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế trên các chốt biên phòng.

Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Long An cho biết, tính đến chiều 9/5 toàn tỉnh đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 9.957 người trong số 18.550 liều vaccine Bộ Y tế đã cấp, dự kiến đợt tiêm này sẽ hoàn thành trước ngày 15/5.

Theo ông Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Long An, trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc tiêm ngừa vaccine là rất quan trọng. Các cơ quan đơn vị cần tuyên truyền để cán bộ, người dân hiểu rõ, không để tình trạng có vaccine nhưng không đồng ý tiêm. Bên cạnh đó, với chủ trương "đi từng ngõ, gõ từng nhà", Giám đốc Sở Y tế đề xuất thành lập Tổ giám sát phòng, chống dịch COVID-19 cấp xã, phường, thị trấn nhằm dễ dàng phát hiện người trong từng khu phố, tổ, ấp đi từ vùng dịch về hay người từ nơi khác đến.

Kịch bản khi giãn cách xã hội

Không chỉ tỉnh Long An, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng sẵn sàng kịch bản cao nhất trong trường hợp phải giãn cách xã hội toàn tỉnh
 
Chiều 10/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức họp trực tuyến với các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
 
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu các địa phương sẵn sàng kịch bản cao nhất trong trường hợp phải giãn cách xã hội toàn tỉnh; từng cấp, ngành chủ động phương án, kịch bản và chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống; chuẩn bị phương án cán bộ, công chức, viên chức phải giải quyết công việc tại nhà trên môi trường mạng khi thực hiện giãn cách xã hội.
 
Ông Phan Ngọc Thọ cũng yêu cầu tập trung lực lượng để truy vết, lấy mẫu nhanh chóng, hiệu quả; nâng cao mức độ giám sát công dân từ các địa phương trở về, hạn chế công dân từ vùng dịch đến, trở về địa phương; đảm bảo hậu cần, an toàn đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch tại các chốt kiểm tra liên ngành. Lực lượng chức năng đẩy mạnh cài đặt phần mềm quản lý lưu trú tại các khách sạn, cơ sở lưu trú để quản lý người đến địa phương; đồng thời tăng cường kiểm tra xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch. Ngoài ra, tỉnh đồng ý chủ trương tầm soát diện rộng, công tác lấy mẫu phải nhanh và chất lượng; yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đảm bảo sẵn sàng có 4.000 kit test xét nghiệm COVID-19 và Bệnh viện Trung ương Huế đảm bảo sẵn sàng có 10.000 kit test xét nghiệm COVID-19.
 
Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả các ca bệnh đều được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2. Qua truy vết, giám sát toàn tỉnh hiện có 346 trường hợp F1, 2.358 trường hợp F2, 4.173 trường hợp F3. Tất cả đều được giám sát, cách ly, truy vết theo quy định phòng, chống dịch bệnh.
 
Tỉnh thực hiện cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở y tế và nơi lưu trú 2.823 trường hợp, trong đó tại nơi lưu trú 2.437 trường hợp, tại cơ sở y tế 46 trường hợp, tại cơ sở cách ly tập trung 340 trường hợp. Trong ngày 10/5, các chốt kiểm soát y tế đối với người và phương tiện vào, đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kiểm tra 1.766 lượt phương tiện, thực hiện khai báo y tế cho 1.304 người.
 
Từ ngày 29/4 đến 10/5, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho 1.655 trường hợp. Toàn tỉnh hiện đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 8.249 người thuộc đối tượng ưu tiên gồm cán bộ y tế, cán bộ khu cách ly, cán bộ nhân viên tại các cảng, cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Đức Hạnh - Tường Vi (TTXVN)