01:14 25/01/2018

Chưa xử lý được tình trạng xung đột môi trường gia tăng

Quá trình công nghiệp hóa khiến Việt Nam phải trả đắt về xử lý môi trường khi ô nhiễm công nghiệp làm giảm 12% GDP/năm và trở thành 1 trong 10 quốc gia có chất lượng không khí tệ nhất, kéo theo những xung đột môi trường phức tạp khó được xử lý toàn diện.

Đó là nhận định của các chuyên gia tại Tọa đàm khoa học Xung đột môi trường, tác động xã hội và công lý môi trường do Đại học Kinh tế Quốc dân và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức sáng ngày 25/1.

Xung đột môi trường gia tăng

Theo báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2016, các vấn đề về môi trường đứng sau đói nghèo là vấn đề khẩn cấp nhất mà người dân mong muốn Nhà nước giải quyết. Bên cạnh đó, 77% người được hỏi cho rằng Nhà nước nên bằng mọi giá ưu tiên bảo vệ môi trường hơn là tăng trưởng kinh tế.

GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, hiện nay tại Việt Nam, các chính sách ều tập trung vào yếu tố kiểm soát môi trường, mà chưa chú trọng nhiều đến công lý môi trường. Đánh giá thấp vai trò của công lý môi trường là một nguyên nhân làm nảy sinh xung đột môi trường.

TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Quản lý Châu Á – Thái Bình Dương và trưởng nhóm nghiên cứu trong nước đã dẫn ra từ câu chuyện thực tế tại mỏ đá Tân Đông Hiệp được khai thác từ năm 1993 với các sản phẩm đá xây dựng chất lượng cao ở Dĩ An (Bình Dương). Theo Quy hoạch khoáng sản tỉnh Bình Dương, các mỏ đá khu vực Dĩ An được khai thác đến hết năm 2015 thì phải cải tạo đóng cửa mỏ. Thời điểm năm 2014 - 2015, người dân sinh sống gần mỏ đá phản ứng quyết liệt do bị ảnh hưởng dung lắc, nứt nhà cửa do quá trình nổ mìn khai thác đá và bụi phát tán trong quá trình vận chuyển, chế biến. Để giải quyết vấn đề này, Ban Quản lý mỏ Tân Đông Hiệp đã đứng ra thương lượng chấp nhận hỗ trợ tiền ô nhiễm môi trường hàng tháng cho người dân từ 300.000 – 800.000 đồng/hộ. Nhưng hết năm 2015, mỏ khai thác tiếp tục được gia hạn, đến năm 2017, người dân tiếp tục khiếu nại về rung chấn, ô nhiễm, còn doanh nghiệp (DN) tiếp tục xin gia hạn thêm đến năm 2019 mới đóng cửa mỏ.

Hay vụ việc tại Công ty chế biến thực phẩm Thụy Hải (Thái Thụy, Thái Bình) được thành lập từ năm 2003, từ năm 2005, ngươi dân liên tục phàn nàn về mùi hôi bốc ra từ đây. Đến năm 2011 - 2012, hàng trăm người dân đổ tường bê tông phong tỏa công ty. Sở TNMT Thái Bình kiểm tra không phát hiện vi phạm đáng kể, công ty phá dỡ tường bê tông thì người dân kéo đến biểu tình đông và dữ hơn, yêu cầu chuyển DN ra khỏi khu dân cư. Sau đó, chính quyền điều lực lượng ngăn chặn bạo lực và đến năm 2013 – 2014, DN chuyển đi nơi khác.

TS Nguyễn Văn Thắng cho biết, nguyên nhân dẫn đến xung đột môi trường là do hệ thống quản lý nhà nước vẫn quản lý theo kiểu mệnh lệnh và kiểm soát, không đủ nguồn lực thực thi, giám sát trong khi người dân chưa thực sự tin tưởng vào hiệu lực thi hành các quy định về bảo vệ môi trường. Khi xung đột giải quyết theo kênh hành chính không hiệu quả, thì người dân thường có hành động tự phát có rủi ro pháp lý cao. Cùng với đó, Việt Nam đang thiếu vắng chuyên gia hòa giải độc lập và chuyên nghiệp.

Các diễn giả tham gia tọa đàm.

Cần hoàn thiện hệ thống quy định môi trường

Theo đánh giá của các chuyên gia, một trong những giải pháp chính để giảm bớt những xung đột môi trường là cần hoàn thiện hệ thống quy định về bảo vệ môi trường. Theo đó, Luật Bảo vệ Môi trường đã tập trung vào yêu cầu thực hiện Đánh giá tác động môi trường (ĐTM), nhưng việc giám sát thực hiện ĐTM chưa thực sự được quan tâm. Các chuyên gia khuyến nghị, cần sửa đổi các quy định nhằm đảm bảo giám sát liên tục việc tuân thủ thực hiện cam kết ĐTM trong quá trình vận hành dự án. Các báo cáo ĐTM nên được công khai để cộng đồng và các tổ chức độc lập có thể cùng giám sát thực hiện cam kết ĐTM.

“Ở nhiều quốc gia, giấy phép đầu tư chỉ được cấp phép sau khi báo cáo ĐTM đã được thông qua và sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý và các tổ chức độc lập là cần thiết”, TS Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, nguyên nhân sâu xa và cốt lõi của tranh chấp môi trường là do DN không tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) và xả chất thải ra môi trường.

“Sau sự cố Formosa vừa qua, chúng ta đã rút ra bài hoc, thực tế mọi người coi ĐTM là công cụ vạn năng trong BVMT nhưng không phải, cái quan trọng phải làm sao DN tuân thủ pháp luật BVMT. Báo cáo ĐTM là căn cứ cho quyết định DN được phê duyệt dự án, nhưng khi được cấp phép đầu tư thì DN phải tuân thủ pháp luật BVMT, nếu DN xả thải vượt tiêu chuẩn thì bị xử phạt, đó là cái gốc”, ông Chinh nhấn mạnh.

Ông Chinh cũng cho biết, Bộ TNMT sắp tới sẽ sửa đổi Luật BVMT và ĐTM, làm căn cứ cho giấy phép đầu tư, nhưng cho đến khi dự án đi vào hoạt động thì báo cáo ĐTM hết ý nghĩa, sau đó phải thực hiện giấy phép môi trường, với những quy định cụ thể, nếu DN vi phạm thì bị xử phạt theo quy định pháp luật. Cùng với đó, Bộ TNMT cũng sửa đổi, thực hiện đánh giá ĐTM qua hai bước và tăng cường hơn nữa sự tham gia của người dân.

Trang Thu/Báo Tin tức