10:06 11/10/2016

Chưa tác động ngay đến doanh nghiệp

Từ 1/10, đồng nhân dân tệ (NDT) Trung Quốc đã gia nhập vào giỏ tiền tệ quốc tế cùng với USD, đồng Euro, đồng yên Nhật và đồng bảng Anh.

Có nhiều ý kiến băn khoăn việc này có tác động như thế nào đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam? Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho rằng, việc này chưa tác động ngay đến quá trình giao dịch, thương mại của các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chưa mặn mà với NDT

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện nay, trong thời gian ngắn, rất nhiều doanh nghiệp không chỉ Việt Nam, mà ngay cả các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc vẫn có thói quen và "sở thích" thanh toán bằng USD. Hơn nữa, các đơn đặt hàng cũng đã được ký từ trước đó, ấn định đồng tiền thanh toán. Do vậy trước mắt, việc đồng NDT vào giỏ tiền tệ quốc tế sẽ không có ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Thêm nữa, khi vào đây thì Trung Quốc sẽ ít phá giá đồng NDT hơn như thời gian qua.

Nhưng về lâu dài, khi đồng NDT của Trung Quốc được thanh toán phổ biến hơn và có giá trị mạnh hơn, có thể doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đề xuất thanh toán bằng NDT nhiều hơn; các nguyên vật liệu, thiết bị nhập từ Trung Quốc sẽ tăng giá sau khi quy đổi, đẩy giá thành và giá bán hàng hóa của Việt Nam tăng theo.

May áo quần xuất khẩu tại Công ty cổ phần Dệt may Huế.

Để không bị tác động quá nhiều bởi sự kiện này, ông Sưa cho rằng, các doanh nghiệp cũng đã có những tính toán và chủ động của bản thân họ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt nên tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào với giá cả hợp lý, chất lượng tốt hơn và cũng là mở thêm thị trường xuất khẩu mới.

Là ngành hàng có nhiều giao dịch với Trung Quốc trong việc nhập khẩu nguyên phụ liệu, theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đồng NDT khi gia nhập vào giỏ tiền tệ quốc tế sẽ có tác động tới ngành hàng này. Tuy nhiên, mức độ tác động ra sao thì cần có thời gian để đánh giá.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty May Thái Nguyên bày tỏ, đồng NDT được công nhận chuẩn quốc tế sẽ thuận lợi cho doanh nghiệp vì lúc đó doanh nghiệp không phải quy đổi qua đồng USD. Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may mua nguyên liệu từ Trung Quốc nhiều nên thay vì trước đây phải quy đổi từ USD sang NDT thì nay việc này sẽ thuận lợi cho doanh nghiệp. Khi NDT đạt chuẩn quốc tế rồi sẽ được lưu thông như đồng USD của Mỹ hay Euro của EU, yên Nhật và bảng Anh thì tỷ giá đồng tiền này sẽ ổn định và như vậy sẽ rất thuận lợi cho doanh nghiệp. Đây là tín hiệu tốt đối với doanh nghiệp có giao dịch với Trung Quốc.

Cần có giải pháp ổn định tỷ giá lâu dài

Tuy nhiên, ông Vũ Huy Ðông, Giám đốc Công ty CP Dệt sợi Damsan cho hay, động thái Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bổ sung đồng NDT vào giỏ tiền tệ quốc tế phần lớn chỉ mang tính biểu tượng và trước mắt có lợi cho Trung Quốc và đưa giá trị của đồng NDT lên ngang tầm với thế giới. Tuy nhiên, nó cũng không gây khó khăn và cũng không tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Là một doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu và bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc điều hành Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) bày tỏ, đối với doanh nghiệp nếu có trao đổi buôn bán với Trung Quốc thì sẽ có lợi vì đồng NDT khi tham gia vào giỏ tiền chung quốc tế sẽ giúp cho tỷ giá của đồng tiền này với USD và các đồng tiền khác ổn định hơn. Vì nếu tỷ giá không ổn định sẽ có tác động đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ảnh hưởng sẽ tùy thuộc vào thời điểm doanh nghiệp chốt thanh toán với khách hàng nước ngoài.

Đối với hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ không ảnh hưởng nhiều nhưng đối với hoạt động nhập khẩu của Hapro khả năng trong thời gian sau này có thể sẽ bị ảnh hưởng do Hapro cũng nhập khẩu một số mặt hàng tiêu dùng từ phía Trung Quốc. Mặc dù việc này chưa thể ngay lập tức tác động đến Hapro vì đa số hợp đồng đã ký từ đầu năm nhưng trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến các hợp đồng ký kết sau này.

Theo Giám đốc điều hành Tổng Công ty Thương mại Hà Nội, với Hapro, khi doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, sau đó đưa ra thị trường bán lẻ, nếu như thay đổi tỷ giá của đồng tiền, thì giá có thể sẽ tăng hơn và doanh nghiệp cũng khó có thể cạnh tranh với các đối thủ. Do đó, Hapro cũng như các doanh nghiệp mong muốn sau khi đồng NDT được đưa vào giỏ tiền chung quốc tế nếu có tác động làm tỷ giá tăng đột biến, gây bất lợi cho doanh nghiệp thì Ngân hàng Nhà nước cần có ngay giải pháp ổn định tỷ giá để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.

Cùng chung ý kiến với nhiều doanh nghiệp, ông Chu Xuân Ái, Công ty TNHH Phát triển công nghệ và thương mại Tôn Vinh chuyên xuất khẩu sản phẩm chè cho biết, việc này ngay lập tức chưa có tác động và ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có lợi vì không phải chuyển sang tiền USD để thanh toán và điều này cũng sẽ giúp cho tỷ giá ổn định hơn.

Chuyên gia kinh tế TS.Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh: Chưa tác động đến tỷ giá trung tâm 

Đưa đồng NDT vào rổ tiền tệ thế giới không tác động nhiều lắm đến nền kinh tế Việt Nam. Việc Trung Quốc đưa NDT tham gia vào quỹ IMF cùng với 4 đồng tiền quốc tế khác (gồm USD, Euro, bảng Anh và yên Nhật) thực chất chỉ ảnh hưởng lớn nhất trong hạch toán, kế toán của nội bộ quỹ IMF. Kể cả vấn đề giao dịch của Việt Nam với IMF vẫn bình thường, không ảnh hưởng gì cả. 

Như vậy, nhiều quan điểm trước đây khi Trung Quốc đưa NDT tham gia vào giỏ của quỹ tiền tệ, các nước buộc phải đi vay đồng tiền của họ, chuyện đó không đúng. Như ở Việt Nam, nếu Việt Nam vay tiền của IMF, thì thực chất là IMF sẽ cho vay quyền rút vốn đặc biệt. Lúc đó, Việt Nam lấy quyền rút vốn đặc biệt để quy đổi ra đồng tiền nào trong 5 đồng tiền nào của quỹ IMF đều được, chứ không nhất thiết phải dùng đồng tiền NDT. Dù vậy, NDT có một ảnh hưởng, đó là quy tắc tính lãi suất của quyền rút vốn đặc biệt của IMF là căn cứ vào lãi suất của 5 đồng tiền của 5 quốc gia trong giỏ tiền tệ. Hiện nay, lãi suất của NDT đang cao hơn các 4 đồng tiền khác đang tham gia trong rổ tiền tệ của IMF, vì thế lãi suất vay chung có thể sẽ cao hơn so với trước đây. Như vậy, nếu Việt Nam vay tiền của IMF thì sẽ bị ảnh hưởng bởi lãi suất chung của quyền rút vốn đặc biệt. Trung Quốc thời gian qua luôn đi theo hướng phá giá đồng NDT. 

Chính vì vậy, trước khi Trung Quốc tham gia giỏ tiền tệ, nhiều người dự đoán đến cuối năm 2016, 1 USD sẽ tương đương bằng 7 CNY (hiện CNY chỉ hơn 6,50/USD). Nhưng giờ đây, tỷ giá NDT buộc phải ổn định khi nằm trong giỏ tiền tệ quốc tế. Nếu không, việc giao thương hàng hóa giữa Trung Quốc và các nước trên thế giới sẽ gặp khó vì ít nước nào chịu sử dụng NDT nếu tỷ giá không ổn định. Nếu Trung Quốc giữ ổn định tỷ giá, Việt Nam sẽ có lợi. Đó là không bị ảnh hưởng đến tỷ giá trung tâm của Việt Nam bởi một phần để xác định tỷ giá trung tâm Việt Nam có liên quan đến đồng tiền của Trung Quốc, đây là 1 trong 8 nước có giao thương với Việt Nam. Theo đó, tỷ giá trung tâm của Việt Nam sẽ ổn định. 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Không nhất hiết phải dự trữ NDT 

Việc đồng NDT Trung Quốc vào rổ tiền tệ quốc tế ít ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam mặc dù hai nước có lượng giao dịch thương mại lớn. Tuy nhiên, NDT có thể ảnh hưởng gián tiếp đến Việt Nam trong trường hợp đồng tiền này mạnh lên. Nếu đồng NDT tăng giá, thì hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn, và có thể giảm lượng nhập khẩu hàng từ Trung Quốc. 

Ở chiều ngược lại, đồng NDT tăng giá cũng khiến hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc tăng lên. Kết quả là xuất khẩu sang Trung Quốc có lợi, còn nhập khẩu từ Trung Quốc gặp nhiều bất lợi, khiến nhập siêu từ Trung Quốc giảm đi. Vào giỏ tiền tệ quốc tế nhưng NDT không được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày của thế giới như đồng USD hay Euro. Vì vậy, các quốc gia không nhất thiết phải dự trữ đồng NDT. Nếu cần đồng tiền này, các quốc gia có thể vay từ quyền rút vốn đặc biệt, từ đó quy đổi ra ngoại tệ khác. Hiện nay, các quốc gia đều dự trữ các đồng tiền mạnh trên thế giới như USD, Euro hay bảng Anh. Đồng NDT cũng có giá trị thanh khoản nên cùng nằm trong danh mục dự trữ ngoại hối của nhiều quốc gia, nhưng vì không bắt buộc nên tỷ lệ dự trữ NDT không cần nhiều. 

Hải Yên (thực hiện)


Nhóm phóng viên