10:16 05/10/2011

Chưa phát hiện ra độc chất gây “bệnh lạ” ở Ba Tơ, Quảng Ngãi

Sở Y tế Quảng Ngãi và qua kiểm tra tình hình dịch tễ, kết quả vẫn chưa phát hiện ra độc chất gây ra căn “bệnh lạ” giống bệnh dày da sừng lòng bàn tay, bàn chân và có rối loạn chức năng gan của người dân các xã Ba Điền, Ba Xa, Ba Ngạc, Ba Vinh, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi).

  Sau buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Y tế, do PGS,TS Trần Hậu Khang – Giám đốc Bệnh viện Da liễu TƯ làm trưởng đoàn với Sở Y tế Quảng Ngãi và qua kiểm tra tình hình dịch tễ, kết quả vẫn chưa phát hiện ra độc chất gây ra căn “bệnh lạ” giống bệnh dày da sừng lòng bàn tay, bàn chân và có rối loạn chức năng gan của người dân các xã Ba Điền, Ba Xa, Ba Ngạc, Ba Vinh, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi).

Bệnh đã được một số Viện, Bệnh viện chuyên ngành tuyến TƯ như: Bệnh viện Phong – Da liễu Quy Hòa, Bệnh viện Da liễu TƯ (Hà Nội), Viện Pasteur Nha Trang nhưng đều có chẩn đoán chung: nhiễm độc chưa rõ nguyên nhân và hiện vẫn chưa phát hiện ra độc chất là gì.

PGS, TS Trần Hậu Khang cho biết: các xét nghiệm cho thấy đồng trong máu cao, có tổn thương ở gan và một số bệnh nhân có biểu hiện tan máu nghi do nhiễm độc.

Sau khi làm việc với Sở y tế, Đoàn đã đi thăm khám cho 8 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. PGS,TS Trần Hậu Khang đã yêu cầu làm lại một số xét nghiệm đối với 8 bệnh nhân này và lấy mẫu xét nghiệm đối với những người không mắc bệnh trong gia đình bệnh nhân và cả những người bệnh đã lành.

Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Ngãi: từ ngày 19/4/2011 đến 25/9/2011, trên địa bàn huyện Ba Tơ đã phát hiện 59 trường hợp mắc bệnh tổn thương ngoài da chưa rõ nguyên nhân (xã Ba Điền 55 trường hợp, xã Ba Xa 2, xã Ba Ngạc 1 và xã Ba Vinh 1), trong đó có 1 trường hợp ở xã Ba Điền tử vong do suy đa phủ tạng nghi do nhiễm độc. Trong các trường hợp nhiễm bệnh, chỉ có 1 trường hợp có bộ nhiễm trùng; có 1 ca bệnh sau khi điều trị khỏi về nhà lại bị tái bệnh.

Tuổi mắc bệnh: nhỏ nhất 4 tuổi, lớn nhất là 72 tuổi, người trong độ tuổi lao động mắc bệnh nhiều nhất (37người), nhưng trẻ dưới 15 tuổi lại bị nặng nhất. Các bệnh nhân nằm tập trung trong một vùng, bệnh có tính chất gia đình, gia đình nào có người mắc thì gần như cả gia đình đều bị. Các trường hợp mắc bệnh đều có biểu hiện lâm sàng khá giống nhau: tổn thương da mu bàn tay, bàn chân, đầu và kẽ của các ngón tay, chân với những mảng da màu đỏ sậm, sưng nhẹ, đau nhẹ, ít ngứa, sau 4-7 ngày gan bàn tay, bàn chân có dấu hiệu nứt, nẻ và dày, một số người bệnh có tổn thương ở vùng má, 2 bên cánh mũi, mặt trước – trong cẳng tay, ngày thứ 14 bắt đầu rụng tóc. Người bệnh thể trạng bình thường, ăn uống được.

Tất cả các trường hợp mắc bệnh đều được thu dung điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi và đã ổn định, ra viện. Hiện còn 8 trường hợp mắc mới trong tháng 9/2011 đang điều trị tại khoa Da liễu.

Đinh Thị Hương