11:09 12/11/2010

Chưa coi trọng hệ thống cấp cứu trước bệnh viện

(Tin tức) - Cấp cứu cho bệnh nhân trước khi chuyển tới bệnh viện là một khâu quan trọng của mạng lưới cấp cứu nhưng đến nay công tác này vẫn chưa thực sự được coi trọng và đầu tư tương xứng.

(Tin tức) - Cấp cứu cho bệnh nhân trước khi chuyển tới bệnh viện là một khâu quan trọng của mạng lưới cấp cứu nhưng đến nay công tác này vẫn chưa thực sự được coi trọng và đầu tư tương xứng. Nhiều bệnh nhân bị biến chứng nặng, thậm chí tử vong oan chỉ vì không được cấp cứu kịp thời trước khi đưa tới bệnh viện.

Biến chứng nặng, mất mạng oan

TS Đặng Văn Chính, Giám đốc bệnh viện (BV) Thanh Nhàn, cho biết: Tuần nào BV Thanh Nhàn cũng có bệnh nhân tử vong ngay trước khi nhập viện, không ít trường hợp tử vong do cấp cứu không kịp thời hoặc không đúng phương pháp. Một số bệnh nhân khác thì phải mang những di chứng nặng nề như liệt, cắt cụt chi... Tuần trước, TS Chính đã chứng kiến cảnh một thanh niên (hơn 30 tuổi) bị chấn thương ở đùi và tử vong trước khi tới viện. “Người bệnh bị đứt động mạch đùi, nếu được cấp cứu, garô vết thương rồi mới đưa tới viện thì chắc chắn người bệnh vẫn sống, thậm chí còn có khả năng bảo tồn chi. Đáng tiếc là khi tai nạn xảy ra, gia đình không cầm máu ngay mà vội đưa bệnh nhân đến BV bằng xe máy, nên nạn nhân chết vì mất máu trước khi tới BV", TS Chính cho biết.


Cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội).

Chia sẻ thông tin về những ca biến chứng nặng và những ca tử vong đáng tiếc do người bệnh không được cấp cứu trước BV, Ths. BS Lưu Danh Huy, Phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Việt Đức cho hay: “Trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 150 - 200 ca cấp cứu, chủ yếu là các bệnh nhân bị tai nạn giao thông, lao động và sinh hoạt. Rất nhiều bệnh nhân được đưa tới BV trong tình trạng không được sơ cứu và được người dân, xe ôm, taxi... đưa đến. Nhiều bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên nhưng cũng không được sơ cứu hoặc điều trị không đúng cách nên để lại những khó khăn trong điều trị, dẫn đến những tình huống xấu, thậm chí là tử vong”.


BS Huy cho hay, anh đang điều trị cho một bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên do bị gãy xương, thương tổn mạch. “Nếu tuyến dưới phát hiện sớm và có biện pháp cấp cứu kịp thời trước khi chuyển lên BV Việt Đức thì bệnh nhân sẽ bảo tồn được chi. Nhưng do không được cấp cứu kịp thời, khi chuyển tới BV Việt Đức, chân bệnh nhân đã bị hoại tử nên chúng tôi buộc phải phẫu thuật cắt cụt chi”, BS Huy tiếc nuối.


Theo TS Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ, 3 năm gần đây, số lượng bệnh nhi bị tử vong, biến chứng đáng tiếc do không được cấp cứu trước BV tuy có giảm nhưng vẫn còn khoảng 20%. Nguyên nhân chủ yếu là quá trình chuyển viện không an toàn, cơ sở y tế tuyến dưới thiếu nguồn lực và trang thiết bị y tế. “Hơn 90% ca cấp cứu không đủ phương tiện cấp cứu. Thiếu bác sĩ, nên người vận chuyển là một điều dưỡng, thậm chí là hộ lý vì vậy họ không xử lý được những biến cố dọc đường. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bệnh nhi không được cấp cứu trước khi chuyển viện là do chính gia đình kiên quyết yêu cầu”, TS Hải cho biết.


“Thời gian vàng” bị lãng phí


Nhìn chung, hoạt động cấp cứu trước BV hiện nay chủ yếu do các trung tâm cấp cứu 115 đảm nhận nhưng do nguồn lực có hạn nên các trung tâm này chưa đáp ứng được nhu cầu. Đơn cử, Trung tâm cấp cứu 115 tại HN mới đáp ứng được 15% nhu cầu. Tại Trung tâm này, cũng chưa có bộ phận điều phối thông tin và điều hành cấp cứu hoàn chỉnh. Hệ thống thông tin với các khoa cấp cứu của các BV đến nay cũng chưa được thiết lập. Trung tâm đang cần một lượng nhân lực lớn để mở rộng mạng lưới nhưng rất khó tuyển cán bộ do thiếu chế độ chính sách, nhiều người công tác tại Trung tâm lại xin chuyển công tác.


Cho tới nay, đã có một số dự án nghiên cứu, điều tra, hỗ trợ hoạt động tăng cường dịch vụ chăm sóc chấn thương trước khi tới BV nhưng chưa có dự án nào đề cập đến các giải pháp cụ thể để duy trì các kết quả mà các dự án đề ra. Vì vậy, sau khi các dự án kết thúc, mạng lưới cấp cứu trước BV chưa có thay đổi đặc biệt. Ví dụ, cụ thể nhất là trong Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các BV Hà Nội được điều động gần hết, nhiều bác sĩ, điều dưỡng không phải chuyên khoa cấp cứu cũng được điều động làm nhiệm vụ cấp cứu cơ động.


Hệ thống cấp cứu hiện còn quá yếu nên các thông tin về cấp cứu còn chậm, không đáp ứng được nhu cầu về “thời gian vàng” trong cấp cứu. Khoảng 34,8% số ca cấp cứu không được xử trí cấp cứu, tỷ lệ chuyên môn xử trí cho những trường hợp được cấp cứu chỉ đạt dưới 50% (theo báo cáo bước đầu của Nghiên cứu Quy hoạch tổng thể an toàn giao thông đường bộ tại VN về chăm sóc y tế trước khi đến BV đáp ứng với tai nạn giao thông).


Thực tế này đòi hỏi ngành y tế phải nâng cao hơn nữa năng lực đáp ứng sơ cấp cứu cho bệnh nhân. Đặc biệt, cần củng cố và xây dựng một hệ thống cấp cứu trước BV kiểu mới với nguồn nhân lực đáp ứng các tiêu chí: Chuyên nghiệp hơn, chi phí đào tạo rẻ hơn, thời gian đào tạo ngắn hơn... Có như vậy, mới có thể sớm giảm tối đa tỷ lệ tử vong và các di chứng đáng tiếc cho bệnh nhân.

Phương Liên