02:13 27/02/2019

Chưa có loại bao bì được phổ biến thay thế túi nilon ở Việt Nam

Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực tế chưa có loại bao bì nào tiện lợi và rẻ hơn được phổ biến sử dụng để thay thế túi nilon.

Chú thích ảnh
Những đồ ăn mua từ chợ được người dân đựng trong túi nilon. Thói quen sinh hoạt gắn liền với túi nilon của con người đang vô hình góp phần vào việc hủy hoại môi trường sống của chính mình. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó rác thải ni lông chiếm đến 7 - 8%.

Đáng chú ý là lượng túi nilon tăng theo từng năm. Với đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, nilon đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật.

Từ năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi các địa phương về việc tăng cường sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường nhằm thực hiện đề án.

Báo cáo môi trường quốc gia giai đoạn 2013-2017 cho thấy, hầu hết các địa phương đều xây dựng các kế hoạch, chương trình cụ thể để triển khai đề án, đã có nhiều chương trình mang lại kết quả tích cực như việc triển khai thí điểm cấp phát túi nilon tự phân hủy được người dân nhiều địa phương tích cực hưởng ứng.

Tại Cù Lao Chàm (thành phố Đà Nẵng) người dân từ vài năm gần đầy đều nói “không” với việc sử dụng túi nilon, hoạt động sinh hoạt, du lịch dịch vụ trên đảo đều sử dụng túi giấy báo, lá… để thay thế túi nilon. Một số mô hình huy động phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường thông qua hình thức mang theo hộp nhựa, làn nhựa khi đi chợ, phụ nữ tự quản hạn chế sử dụng túi nilon, trong trào gia đình năm không ba sạch… nhưng việc triển khai đề án vẫn gặp nhiều khó khăn, cách thu gom rác thải nion hiện chưa hiệu quả, chưa quản lý, kiểm soát để hạn chế được việc sản xuất và cung cấp túi nilon…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, việc giảm thiểu chất thải từ nhựa và túi nilon là yêu cầu cấp bách, cần bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và túi ni lông khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào quy mô toàn quốc “Chống rác thải nhựa” nhằm kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và từng người dân, bằng những hành động thiết thực hãy thay đổi ngay hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông. Các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các vật liệu thân thiện mới môi trường thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Các nhà khoa học đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất; khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường. Các cơ quan trong nước và đối tác quốc tế thúc đẩy các hình thức hợp tác, hỗ trợ tiếp nhận công nghệ về quản lý, tái chế, xử lý chất thải nhựa, phát triển các sản phẩm thay thế nhựa, nilon. 

Dự án “Sáng tạo vì một thế giới không rác thải” giải quyết ô nhiễm chất dẻo nhựa từ quan điểm văn hóa, giáo dục, sáng tạo và nghệ thuật là kết quả hợp tác giữa Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc, Hội đồng Anh và Coca-Cola đã được khởi động, thực hiện từ 2018 đến năm 2020 ở Việt Nam.

Minh Nguyệt (TTXVN)