09:06 07/09/2022

Chữa ‘bệnh thành tích’ trong giáo dục

Phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới 2022 - 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chúng ta đừng vì bệnh thành tích, áp đặt mà làm tổn thương con trẻ”. Đó không chỉ là sự nhắn nhủ, mà còn là tiếng chuông cảnh tỉnh.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới ở Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Còn nhớ khi kết thúc năm học 2019 - 2020, nhiều người đã nhói lòng khi thấy bức ảnh mô tả cảnh tại lớp học cấp tiểu học, giữa một rừng học sinh giơ cao giấy khen cuối năm, duy nhất một cậu bé bàn đầu ngồi buồn lặng lẽ, có lẽ vì không được sở hữu tấm giấy khen cho bằng bạn bằng bè. Từ những gì hiện ra trong bức ảnh có thể thấy một vấn đề tồn tại nhiều năm nay, đó là tình trạng “khen thưởng đại trà”, “bệnh thành tích” trong giáo dục và điều này trái ngược với mô hình Kim tự tháp.

Kim tự tháp Ai Cập sở dĩ có thể tồn tại vững chãi hàng nghìn năm vì được xây theo hình chóp, là hình thế chịu lực khỏe nhất của vật chất. Soi chiếu mô hình Kim tự tháp vào xã hội sẽ thấy phần đế là bình dân, phần thân đến trung lưu và phần chóp cao nhất là tầng lớp tinh hoa, số lượng từ nhiều đến ít dần. Đối với lớp học, thực tế trong quá khứ cho thấy thông thường mỗi lớp có khoảng 50 - 60% học sinh học lực trung bình, 35 - 40% mức khá và chỉ chừng 5 - 10% thuộc loại giỏi và xuất sắc (không kể các trường chuyên, lớp chọn).

Lật ngược Kim tự tháp, người ta sẽ thấy sự chông chênh, mất an toàn. Còn trong giáo dục, giờ đây khi đi họp cuối năm, các bậc phụ huynh thường được thầy cô thông báo lớp con mình học có hơn 90% là học sinh khá, giỏi. Nghe thì thấy mừng, cứ tưởng thời nay “thần đồng” nhiều thật, nhưng ngẫm kỹ, đây lại là một vấn nạn nhức nhối bấy lâu trong ngành giáo dục.

Phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới 2022 - 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói “tâm hồn các cháu như mầm cây, ngày ngày ông bà, bố mẹ, thầy cô đang vun tưới để cây được phát triển”. Tuy nhiên, khi “bệnh thành tích” tràn lan, “mầm cây” ấy có phát triển được bình thường! Thật - giả đan xen, hoà quyện với nhau sẽ làm mất đi giá trị thực sự của nhà trường. Nhiều học sinh có năng lực tốt sẽ không còn động lực để học tập, xem thường chuyện học và đương nhiên cũng sẽ không biết xấu hổ, không biết sợ khi không thuộc bài, khi không nắm vững kiến thức. Nhưng học sinh được bố mẹ chạy chọt nâng điểm cứ nghĩ mình giỏi rồi, thôi chẳng cần cố gắng.

Chất lượng nguồn nhân lực tương lai cho đất nước vì thế thật đáng lo. Quan trọng hơn, trường học là nơi đào tạo con người, là nơi nuôi dưỡng cho con người những giá trị cốt lõi nhất để trưởng thành. Tuy nhiên, trường học còn giả dối thì bây giờ biết tin ai! Do vậy, nhất định phải triệt tiêu “bệnh thành tích” trong giáo dục, nhưng làm thế nào? Ở góc độ cá nhân, tác giả cho rằng:

Thứ nhất, cần để “học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực” như mong muốn của người đứng đầu chính phủ đưa ra tại lễ khai giảng năm học mới 2022 – 2023. Muốn làm được điều này thì giáo viên và học sinh cần xác định và làm đúng vai trò của mình. Giáo viên chỉ hướng dẫn, cung cấp thông tin, gợi mở vấn đề, làm trọng tài, sắm vai cố vấn còn học sinh phải khai phá tri thức, nghiên cứu trả lời các thắc mắc do chính mình đặt ra, tự hành động, tự kiểm tra và tự điều chỉnh. Giáo viên tuyệt đối tránh biến mình thành “máy đọc”, học sinh tuyệt đối tránh trở thành “máy photocopy hoàn hảo”. Giáo viên nỗ lực đào tạo ra còn học sinh nỗ lực trở thành “cây sậy biết suy nghĩ” (lời nhà bác học Blaise Pascal).

Thứ hai, địa phương bỏ áp đặt chỉ tiêu thi đua về số lượng trường xuất sắc trên địa bàn. Việc mỗi quận, huyện chỉ có 2 - 3 trường xuất sắc sẽ buộc toàn bộ số trường trên địa bàn phải “cạnh tranh”. Kết quả thi cử của học sinh trở thành áp lực đối với nhà trường và giáo viên. Một khi Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện thống kê số học sinh chuyển cấp đỗ vào các trường công để đánh giá “thành tích” của trường và để có “thành tích” so với quận, huyện khác, trường sẽ phải tìm cách làm đẹp con số thống kê. Vì thế mới xảy ra việc mượn danh hướng nghiệp để ép học sinh năng lực kém chuyển trường.

Thứ ba, những người làm giáo dục cần bỏ thói háo danh. Các thành viên Ban Giám hiệu nhà trường không nhất thiết phải “xấu hổ” về tỷ lệ học sinh giỏi, tỷ lệ lên lớp, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp… khi họp hành, giao ban. Những con số đó có thể không đẹp nhưng nếu phản ánh đúng tình hình thì hãy tự hào vì thầy cô giáo đã hướng học trò tới giá trị thật. Thầy cô “vẽ điểm” cho học trò, đánh giá học trò bằng sự giả dối thì tương lai xã hội cũng sẽ có những con người chỉ chuộng hình thức, ưa hư danh, chỉ thích nghe những lời có cánh.

Thứ tư, các bậc phụ huynh cần bỏ cách đánh giá chất lượng dạy học của nhà trường chỉ thông qua điểm số. “Nhà trường là nền tảng” (lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại lễ khai giảng năm học 2022 – 2023), cho nên, nhà trường tốt không chỉ dạy nội dung mà quan trọng hơn là dạy cách tư duy, đào tạo nên các học sinh có năng tự nhận thức về bản thân, giúp học sinh hình thành nhân cách về tình yêu thương, trung thực, lòng nhân ái, sự nỗ lực, sống có lý tưởng, học cách vươn lên từ khó khăn, gian khổ, tự lực, tự cường… Vì vậy, thay vì việc nhìn vào điểm số, các bậc phụ huynh hãy chú ý xem ngôi trường đó là cái nôi đào tạo ra những “nhân vật” nào và quan sát con em mình mỗi ngày đến trường có phải là một ngày vui không, con em mình có tiến bộ không.

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh trống khai giảng năm học 2022-2023 của Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới 2022 - 2023, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Giáo dục là nền tảng của sự phát triển bền vững, quyết định tương lai của dân tộc, của đất nước”. Quả thật, giáo dục bồi dưỡng hiền tài mà hiền tài lại là nguyên khí của quốc gia. Nếu nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, còn nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Để có được hiền tài thực sự, rõ ràng, triệt tiêu “bệnh thành tích” trong giáo dục không chỉ là cần thiết mà đã trở thành vấn đề cấp bách.

Hà Ngọc (Báo Tin tức)