Sáng 24/4, tiếp tục Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2026.
Cần được đánh giá tổng thể
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tóm tắt báo cáo. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Trình bày tóm tắt báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong đó có các chủ trương mới, liên quan trực tiếp tới phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước như sắp xếp tổ chức bộ máy, miễn học phí, đảm bảo trật tự, an ninh, quốc phòng, ưu tiên các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giáo dục - đào tạo... Đồng thời, đây sẽ là căn cứ để Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2026; xác định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu và số bổ sung từ ngân sách Trung ương cho từng địa phương...
Trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, đa số ý kiến đề nghị chưa xem xét, ban hành Nghị quyết vào thời điểm này.
Bởi, căn cứ tình hình thực tế, văn bản sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền, việc sắp xếp lại bộ máy sẽ có nhiều thay đổi sau thời điểm 30/4/2025. Khi có sự thay đổi sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, địa giới hành chính, việc áp dụng định mức tại các địa phương này không chỉ là việc thực hiện cộng "cơ học" mà cần được đánh giá tổng thể, có gắn với yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên, đầu mối quản lý và nhu cầu phát triển về kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn có địa giới hành chính mới...
Bên cạnh đó, một số liên quan đến nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên trong dự thảo Nghị quyết đang được sửa đổi tại Luật Ngân sách nhà nước (Chính phủ đang dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9) đã bỏ Kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm; thời kỳ ổn định ngân sách và tỷ lệ điều tiết. Một số chính sách mới dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 có tác động đến các tiêu chí, định mức chi thường xuyên tại các địa phương.
Về phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến đề nghị thời hạn áp dụng của Nghị quyết này là 4 năm để bảo đảm tính ổn định, chủ động cho các địa phương trong việc xác định kinh phí chi thường xuyên, tránh tình trạng xây dựng hằng năm, không có kế hoạch.
Cân nhắc thời điểm ban hành nghị quyết
Thảo luận tại Phiên họp, các ý kiến cơ bản nhất trí với định mức phân bổ theo tiêu chí dân số đối với lĩnh vực bảo đảm xã hội. Đối với tiêu chí bổ sung: "hỗ trợ cơ sở bảo trợ công lập do địa phương quản lý" có mức hỗ trợ không tăng so với giai đoạn trước, các ý kiến cho rằng chưa hợp lý; đề nghị cân nhắc điều chỉnh ở mức hợp lý hơn, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Đối với định mức phân bổ chi sự nghiệp phát thanh, truyền hình, thông tấn, các ý kiến cho rằng, độ phủ sóng không chỉ phụ thuộc vào dân số trên địa bàn, đây là nhiệm vụ chính trị, thực hiện toàn quốc, kể cả những địa bàn dân cư thưa thớt. Do đó, các ý kiến đề nghị nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh lại tiêu chí đối với lĩnh vực chi phát thanh, truyền hình, có thể căn cứ trên chức năng, nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Cho rằng Tờ trình chưa đủ điều kiện để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét biểu quyết thông qua Nghị quyết vào thời điểm này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu, việc xây dựng nội dung Nghị quyết phải căn cứ tình hình sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã để đưa ra tiêu chí cho sát. Nếu Quốc hội thông qua đề án sáp nhập tỉnh/thành, các cơ quan liên quan cân nhắc thời điểm thông qua Nghị quyết này cho phù hợp.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại thời điểm này là thực hiện theo Luật Ngân sách Nhà nước. Nếu phê duyệt ở thời điểm này, Chính phủ sẽ có thời gian để trình Quốc hội, giao chỉ tiêu nhiệm vụ, đặc biệt là dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2026.
Thừa nhận ở thời điểm này có một số vấn đề chưa lường hết được và nếu lùi lại sẽ bao quát được đầy đủ hơn các nội dung phát sinh mà Bộ Chính trị chỉ đạo, song Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất ban hành Nghị quyết trước và điều chỉnh các vấn đề phát sinh sau.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ cập nhật tình hình, bám sát việc sửa đổi các luật, nghị quyết liên quan được thông qua trong Kỳ họp thứ 9, tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết và xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ban hành sau Kỳ họp thứ 9.