07:07 23/07/2017

Chưa bãi bỏ ngay nhiều thủ tục hành chính về hộ tịch, nuôi con nuôi

Theo Bộ Tư pháp, để có thể đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính theo Nghị quyết 58/NQ-CP của Chính phủ phải hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo quy định của Luật hộ tịch dự kiến chậm nhất đến ngày 1/1/2020).

Việc bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính liên quan đến các lịnh vực vực lý lịch tư pháp, hộ tịch, nuôi con nuôi, thi hành án dân sự, bồi thường nhà nước,... theo Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ 4/7/2017) sẽ tạo nhiều thuận lợi cho người dân.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo công tác tư pháp quý II năm 2017 mới đây của Bộ Tư pháp, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng kế hoạch để triển khai Nghị quyết này. 

Người dân đến giao dịch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa liên thông hiện đại thành phố Vĩnh Long. Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN

Để thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Nghị quyết, trước hết phải hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo quy định của Luật hộ tịch dự kiến chậm nhất đến ngày 1/1/2020). Đồng thời sửa đổi các quy định thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật  hiện hành.

Nghị quyết số 58/NQ-CP có hiệu lực từ ngày 4/7/2017 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.

Nghị quyết đã thông qua phương án đơn giản hóa đối với 109 thủ tục hành chính thuộc 15 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Trong đó, nhiều thủ tục về lĩnh vực tư pháp, nuôi con nuôi, hộ tịch, quốc tịch, bồi thường nhà nước... được đơn giản hóa hoặc bãi bỏ.

Cụ thể, bãi bỏ 2 thủ tục “Thông báo có quốc tịch nước ngoài” và thủ tục “Cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân”. Sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản hóa về thành phần hồ sơ và mẫu đơn, tờ khai đối với 107 thủ tục hành chính trên cơ sở khai thác, sử dụng 15 trường thông tin cơ bản về công dân tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm giảm bớt giấy tờ, các thông tin công dân phải cung cấp cho cơ quan giải quyết thủ tục hành chính.

Theo đó, công dân khi đăng ký khai sinh cho con, cha mẹ của trẻ không cần xuất trình đăng ký kết hôn (trường hợp cha, mẹ trẻ có đăng ký kết hôn). Khi đăng ký kết hôn không cần xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú.

Người xin nhập quốc tịch Việt Nam không cần xuất trình hoặc nộp các giấy tờ như: giấy tờ tùy thân của người liên quan đến người xin nhập quốc tịch (cha, mẹ hoặc người giám hộ trong trường hợp người đó dưới 18 tuổi); giấy chứng nhận kết hôn; giấy chứng minh nơi cư trú của cha, mẹ hoặc người giám hộ,...

Đề thực hiện Nghị quyết trên, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại 3 luật, 6 nghị định, 3 thông tư liên tịch và 20 thông tư để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành theo lộ trình phù hợp với thời điểm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thành và đưa vào vận hành.
 
Hoàng Linh/Báo Tin Tức