05:11 07/05/2011

Chú trọng tăng trưởng cho tất cả mọi người

Chú trọng tăng trưởng cho tất cả mọi người, bảo đảm để những người nghèo nhất, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em đều được hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng, đó là nội dung chính được đại diện các nước thành viên ADB tập trung thảo luận tại phiên họp toàn thể thứ 2...

Chú trọng tăng trưởng cho tất cả mọi người, bảo đảm để những người nghèo nhất, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em đều được hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng, đó là nội dung chính được đại diện các nước thành viên ADB tập trung thảo luận tại phiên họp toàn thể thứ 2, Hội nghị thường niên ADB lần thứ 44, ngày 6/5 tại Hà Nội.

Các đại biểu khuyến nghị: Chính phủ các nước cần quan tâm nhiều hơn đến việc hoạch định và thực thi các chính sách phát triển toàn diện và bền vững, bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn liền với những tiến bộ và công bằng xã hội, đặc biệt là vấn đề xóa đói giảm nghèo, thực hiện bình đẳng giới. Nhiều đại biểu cho rằng, dù còn nhiều thách thức to lớn, nhưng Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo trong những năm vừa qua và Việt Nam có nhiều bài học kinh nghiệm quí có thể chia sẻ với các nước khác trong khu vực.

Quang cảnh phiên họp báo quốc tế chiều 6/5 tại Hà Nội về kết quả hội nghị. Ảnh: TTXVN


Việt Nam đã góp phần quan trọng vào thành công của Hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ 44. Đây là khẳng định của Chủ tịch ADB H.Kuroda tại cuộc họp báo quốc tế kết thúc hội nghị chiều 6/5 tại Hà Nội.

Ông Kuroda khẳng định: Chính phủ Việt Nam đã cung cấp cho chúng tôi sự ủng hộ tuyệt vời về cơ sở vật chất và mọi điều kiện chu đáo nhất cho hội nghị này. Chúng tôi nhận thấy rất rõ lòng mến khách, sự thân thiện của người dân Việt Nam. Với con số kỷ lục hơn 4.000 đại biểu tham dự, cho thấy sức hấp dẫn của Hội nghị được tổ chức tại Việt Nam.

Khẳng định những đóng góp quan trọng và vai trò đầu tàu của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đối với tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế toàn cầu, các đại biểu cũng nêu lên những thách thức đang đặt ra đối với khu vực như: Lạm phát tăng cao đe dọa các thành quả xóa đói giảm nghèo; một số quốc gia chưa đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, quốc gia, khu vực; tăng cường năng lực ứng phó và hạn chế các tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra… Các đại biểu đều khẳng định mong muốn và nỗ lực hướng tới tăng trưởng toàn diện, bền vững và thân thiện môi trường; tận dụng các cơ hội phát triển, bảo đảm để mọi người dân đều được hưởng lợi và tăng khả năng chống chịu với các cú sốc trong tương lai. Các đại biểu khuyến nghị, cần quản lý tốt hơn ở cấp quốc gia - nền tảng cho tăng trưởng toàn diện và bền vững, đồng thời phát huy vai trò khu vực tư nhân, phát huy hiệu quả các quan hệ đối tác công – tư, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy hội nhập khu vực, thông qua trao đổi thương mại và chia sẻ kinh nghiệm trên phạm vi toàn cầu.

Các đại biểu cũng đề cập các vấn đề: Tăng thêm nguồn lực cho ADB, xem xét các cơ chế chính sách của ADB nhằm bảo đảm công bằng trong hợp tác phát triển, đồng thời đề xuất các hướng ưu tiên trong quan hệ đối tác giữa ADB với các quốc gia thành viên như: Hỗ trợ phát triển nông nghiệp nhằm nâng cao sản lượng lương thực, ứng phó tốt hơn với các thảm họa thiên tai, hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, giải quyết các thách thức về lạm phát, giá dầu mỏ, lương thực tăng cao, mất cân bằng thu nhập…

Theo đại diện Hà Lan, châu Á đang đi đầu trong khôi phục kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng, hỗ trợ tăng trưởng bền vững và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ chưa đạt hiệu quả như mong muốn, nhất là các chỉ số về y tế, giáo dục... Để bảo đảm tăng trưởng cho tất cả mọi người, ADB cần quan tâm hỗ trợ tăng trưởng toàn diện, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước trong khu vực, mở đường cho các sáng kiến mới để hỗ trợ tốt hơn cho người nghèo, giúp các nước nghèo nhanh chóng thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng.

Đại biểu đến từ Bănglađét cho rằng, trong một thế giới có nhiều biến động như hiện nay, không một quốc gia đơn lẻ nào có thể vượt qua các thách thức, mà cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu tăng trưởng toàn diện và bền vững. ADB cần ưu tiên hỗ trợ các mục tiêu: Ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chỉ số phát triển con người.

Đại biểu đến từ Thụy Sỹ cũng nhất trí cho rằng, còn nhiều khó khăn để phát triển toàn diện và bền vững ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi tập trung 2/3 số người nghèo trên thế giới. Do vậy, ADB cần tập trung hỗ trợ những người nghèo nhất, tạo công ăn việc làm, giải quyết các vấn đề về giới, các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển ở cả nông thôn và thành thị, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường quản lý rủi ro, giảm nhẹ thiên tai... tạo điều kiện để các quốc gia nghèo nhất cũng được hưởng lợi từ các quan hệ hợp tác với ADB.

Phát biểu bế mạc Hội nghị thường niên ADB 2011, Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda khẳng định cam kết mạnh mẽ của ADB vì một khu vực châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng và không có đói nghèo.

Hội nghị đã nhất trí thông qua: Hội nghị thường niên lần thứ 45 của ADB sẽ được tổ chức tại Philíppin vào tháng 5/2012; đồng thời tiến hành nghi thức chuyển giao chức Chủ tịch Hội đồng Thống đốc nhiệm kỳ 2011-2012 cho Thống đốc Ngân hàng Trung ương Philíppin.

Sự - Anh